Nguy cơ mắc bệnh ở phụ nữ cao hơn so với đàn ông
Khớp gối là khớp rất quan trọng, gánh toàn bộ cơ thể và là khớp vận động nhiều nhất. Khớp gối là khớp tiếp giáp giữa ba xương: đầu dưới xương đùi, đầu trên xương chày và xương bánh chè.
Bao bọc quanh khớp gối là hệ thống dây chằng và các bao khớp có các túi hoạt dịch. Túi hoạt dịch có nhiệm vụ duy trì một lượng dịch khớp để khớp có độ trơn khi di chuyển, đi đứng. Giữa mặt tiếp giáp của các khớp có một lớp sụn và giữa hai khớp lồi cầu đùi và mặt khớp của mâm chày có một lớp lót là sụn chêm để giảm bớt sang chấn của khớp.
Thoái hóa khớp gối là biểu hiện của thương tổn trên bề mặt sụn khớp, do tác động của nhiều nguyên nhân làm cho bề mặt sụn khớp bị hư.
Sụn khớp gối bị mòn theo thời gian là quy luật tự nhiên của các bộ phận cơ thể già đi theo tuổi tác. Tuổi càng cao, sụn khớp càng trở nên xù xì, mỏng không bảo vệ được đầu xương.
Người thừa cân, béo phì cũng dễ mắc bệnh thoái hóa khớp gối do trọng lượng cơ thể đè lên khớp gối lớn.
Thoái hóa khớp gối còn do chấn thương khiến khớp bị tổn thương, do viêm đa khớp dạng thấp, do sử dụng thuốc…
Ngoài ra còn có nhiều nguyên nhân khác như bệnh lý bẩm sinh, chế độ ăn uống không đủ dưỡng chất cần thiết, uống bia quá nhiều…
Nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp gối ở phụ nữ cao hơn so với đàn ông. Vì từ tuổi ngoài 30, lượng xương của phụ nữ đã dần bị thoái hóa. Đến thời điểm trước và sau khi mãn kinh, lượng estrogen giảm mạnh, nên tốc độ thoái hóa xương khá nhanh. Thêm vào đó, quá trình lão hóa đã làm giảm công năng của tế bào xương, sự hấp thụ canxi và sự tổng hợp các vitamin kém đi, ảnh hưởng xấu đến cấu trúc của xương, sụn mỏng đi, mất tính đàn hồi…
Ngoài ra, phụ nữ dễ bị tổn thương khớp gối hơn nam giới do dây chằng trước của khớp gối yếu hơn, thêm nữa do đặc thù công việc gia đình, phụ nữ thường ngồi xổm, đứng lên ngồi xuống nhiều lần trong ngày, khi sụn yếu, với áp lực như vậy khớp gối sẽ dễ bị tổn thương.
Bệnh diễn biến âm thầm
Thoái hóa khớp gối là một trong những tác nhân hàng đầu gây tàn phế nhưng thoái hóa khớp lại thường khiến cho bệnh nhân chủ quan nên bệnh thường phát hiện ở giai đoạn muộn.
Bệnh diễn biến âm thầm, chỉ bắt đầu với những biểu hiện không mấy trầm trọng như: đau nhức một hoặc nhiều khớp theo từng đợt, hạn chế vận động tạm thời hay cứng khớp thoáng qua vào buổi sáng...
Ở giai đoạn sớm của thoái hóa khớp gối, người bệnh thường có cảm giác đau nhẹ; đau tăng hơn khi ngồi xổm, leo cầu thang; khớp gối không bị sưng, không biến dạng.
Ở giai đoạn tiếp theo, bệnh nhân đau nhức nhiều hơn, co duỗi khớp gối khó khăn, leo cầu thang leo dốc đau nhiều; người bệnh sẽ bị hạn chế vận động, đi lại khó khăn, có những đợt viêm đau, tràn dịch khớp; khớp gối có thể bị biến dạng.
Ở giai đoạn nặng, bệnh nhân đau nhức liên tục, khả năng đi lại giảm nhiều, lên xuống cầu thang rất khó khăn (có người không thể đi được), có tiếng lục cục khi co duỗi khớp gối, khớp gối biến dạng nhiều...
Tùy vào từng giai đoạn bệnh với các biểu hiện khác nhau mà có những phương pháp điều trị thích hợp. Điều trị thoái hóa khớp gối nhằm mục đích giảm đau cho bệnh nhân và duy trì vận động của khớp.
Các phương pháp điều trị bao gồm điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa. Điều trị ngoại khoa bao gồm: nội soi khớp, đục xương chỉnh trục khớp gối, thay khớp gối... Điều trị ngoại khoa thường được chỉ định với các trường hợp khớp gối hạn chế chức năng nhiều, khe khớp hẹp nặng, biến dạng khớp hoặc đau khớp gối nhiều mà điều trị nội khoa không kết quả.
Hạn chế các yếu tố thúc đẩy quá trình thoái hóa
Thoái hóa khớp gối là bệnh cần được điều trị lâu dài, ngay khi có triệu chứng đau vùng gối bạn cần đi khám ngay để được chụp Xquang và cộng hưởng từ, phát hiện và điều trị những tổn thương khớp gối, ngăn ngừa bệnh âm thầm tiến triển.
Đối với người bị thoái hóa khớp gối, nhằm tăng cơ bắp, xương khớp dẻo dai, sau khi hết cơn đau cấp, người bệnh nên tập luyện thể dục nhẹ nhàng như bơi lội, tập dưỡng sinh, đi xe đạp… Trong đó, tập đi bộ dưới nước cũng như các động tác thể dục dưới nước là biện pháp được các nhà thấp khớp học khuyên cho bệnh nhân bị thoái hóa gối. Trước và sau khi tập luyện nên có các động tác khởi động và thư giãn cho toàn thân và khớp gối.
Người bệnh cần bổ sung canxi, vitamin D cho xương chắc khỏe. Nên dùng các loại thịt heo, thịt gia cầm, cá biển, tôm, cua sò. Cần bổ sung thêm vitamin D, B, K, acid folic, can xi, sắt có chứa trong các loại rau. Dùng các loại dầu chứa a xít béo omega 3 như: dầu đậu nành, dầu hạnh nhân, dầu ôliu… Tăng cường các loại trái cây như: đu đủ, dứa, chanh, bưởi vì các loại trái này là nguồn cung ứng men kháng viêm và sinh tố C, 2 hoạt chất có tác dụng kháng viêm.
Các bác sĩ cho biết, có thể phòng ngừa và hạn chế các yếu tố thúc đẩy quá trình thoái hóa khớp. Ngay từ khi còn trẻ cần tập thể dục đều đặn, tránh bị dư cân, tránh những động tác quá mạnh, quá đột ngột, nhất là những động tác có thể làm lệch trục khớp và cột sống. Trong ăn uống, cần giảm muối, đường, mỡ; tăng protid, canxi và vitamin. Cung cấp những dưỡng chất cho sụn khớp nhằm giúp tái tạo lại cấu trúc sụn khớp dần bị tổn hại theo thời gian. Điều trị tích cực các bệnh lý của hệ thống xương khớp vì đây là các yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình thoái hóa. Ngoài ra, một vấn đề quan trọng làm chậm quá trình thoái hóa khớp gối là duy trì cân nặng hợp lý để tránh cho khớp gối phải chịu một tải trọng lớn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận