Sự nghiệp của Trường Sơn không có cơ hội phát triển như Quang Liêm. Ảnh: VTC |
Trao đổi với Tuổi Trẻ tại Giải cờ vua quốc tế HDBank 2018 vừa kết thúc ở Hà Nội ngày 15-3, siêu đại kiện tướng Lê Quang Liêm (elo 2.736, hiện đứng vị trí 22 thế giới) cho biết tuy VN có nhiều tài năng cờ vua nhưng do thiếu điều kiện cọ xát quốc tế nên ít có cơ hội trở thành tên tuổi lớn trong làng cờ thế giới.
Những tài năng sớm nở
Trong lịch sử cờ vua VN có nhiều VĐV bộc lộ tài năng khi còn nhỏ tuổi như: Nguyễn Ngọc Trường Sơn HCV U-10 thế giới năm 2000, Trần Minh Thắng HCV U-8 thế giới năm 2008, Nguyễn Lê Cẩm Hiền HCV U-8 thế giới năm 2015, Nguyễn Anh Khôi vô địch U-10 và U-12 vào các năm 2012, 2014...
Nhưng cho đến thời điểm này chỉ có Lê Quang Liêm là đang tiến dần đến nhóm kỳ thủ có trình độ hàng đầu thế giới. Quang Liêm cho biết mục tiêu trước mắt của anh là top 20 và lâu dài là đứng trong top 10 thế giới. Để có được một Lê Quang Liêm ngày nay, sự nỗ lực của cá nhân anh, đầu tư của gia đình là yếu tố quan trọng nhất.
Nguyễn Ngọc Trường Sơn giành HCV giải cờ vua thế giới khi mới 10 tuổi và là một trong số ít kỳ thủ đạt danh hiệu đại kiện tướng khi mới 14 tuổi 10 tháng. Dù vậy, sự nghiệp của Trường Sơn cũng như nhiều tài năng khác của cờ vua VN không có cơ hội phát triển như Lê Quang Liêm.
Trường Sơn tâm sự: “Khó khăn của VĐV cờ VN là không có giáo trình đào tạo bài bản, không có điều kiện đi thi đấu quốc tế, không có HLV đủ trình độ hỗ trợ. Dù là VĐV được đánh giá có tài năng từ rất nhỏ nhưng những điều kiện để một VĐV có năng khiếu đạt trình độ thế giới khi trưởng thành thì tôi không có được.
Có nhiều thời điểm tôi không có kinh phí đi thi đấu quốc tế, vì thế lúc đầu có thể có thành tích tốt hơn các bạn cùng lứa nhưng do thiếu điều kiện thi đấu, đường dài bị tụt hậu so với các VĐV quốc tế. Ở VN hiện nay chỉ có Quang Liêm là có khả năng cạnh tranh vào top kỳ thủ hàng đầu thế giới”.
Kinh phí đầu tư quá ít
Ông Nguyễn Minh Thắng, trưởng bộ môn cờ Tổng cục TDTT kiêm phó chủ tịch Liên đoàn Cờ VN, cho biết vì cờ không nằm trong chương trình thi đấu của Olympic, Asiad nên ngân sách cấp cho cờ rất hạn chế. Ông Thắng cho biết mỗi năm bộ môn chỉ được cấp khoảng 50.000 USD cho toàn bộ việc tập huấn, thi đấu của các đội tuyển từ trẻ đến lớn.
Bên cạnh đó, rào cản cho cờ phát triển là nhận thức của xã hội về việc đầu tư cho thể thao. Ông Thắng nói: “VN có nhiều tài năng nhí nhưng khi quyết định đi theo con đường chuyên nghiệp thì gia đình và bản thân các em lại rất lưỡng lự. Các VĐV cờ đều là những em rất thông minh, học giỏi nên phần lớn phụ huynh muốn con theo học văn hóa chứ không đi theo cờ. Ngoài ra, việc huy động doanh nghiệp tài trợ cho cờ cũng không đơn giản vì đây không phải môn dễ quảng bá hình ảnh như bóng đá”. Theo báo cáo tài chính của Liên đoàn Cờ VN, trong nhiệm kỳ 5 năm giai đoạn 2012-2017, liên đoàn chỉ huy động được 20,3 tỉ đồng.
Trưởng bộ môn cờ Hà Nội - HLV Nguyễn Vũ Dũng cho biết bộ môn này dù được coi là mạnh ở VN nhưng mỗi năm được cấp trên dưới 6 tỉ đồng. Số tiền này là tiền công, tiền ăn, chi phí tập huấn và thi đấu cho gần 30 VĐV. Hai kỳ thủ tài năng của cờ vua Hà Nội là Trần Tuấn Minh, Trần Minh Thắng dù được tạo điều kiện tốt nhất nhưng cũng là chưa đủ để tạo bước đột phá về thành tích. Vì vậy, nếu không có sự đầu tư của xã hội thì kinh phí nhà nước không thể giúp các tài năng cờ VN cất cánh.
Nỗi lo bỏ cờ học văn hóa Vài năm gần đây, Nguyễn Lê Cẩm Hiền, Nguyễn Anh Khôi... cũng đã được một số doanh nghiệp tài trợ kinh phí để tập huấn và thi đấu quốc tế. Tuy nhiên theo một lãnh đạo Liên đoàn Cờ VN, nỗi lo lớn nhất lại là lo các VĐV sẽ bỏ cờ để học văn hóa. “Anh Khôi học rất giỏi và mơ ước làm bác sĩ. Hiện Anh Khôi đã 16 tuổi, ở tuổi này nếu xác định theo cờ chuyên nghiệp thì cần đầu tư hết tốc lực để bứt phá. Nhưng hiện nay chúng tôi cũng không biết Khôi và gia đình lựa chọn cách nào, nếu chọn cả hai thì chắc chắn không thể tiến lên đỉnh cao được”, một lãnh đạo Liên đoàn Cờ nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận