08/03/2019 13:14 GMT+7

Đừng để nặng khi có bệnh 'khó nói'

XUÂN MAI
XUÂN MAI

TTO - Nhiều người âm thầm chịu đựng, không biết bày tỏ cùng ai trong thời gian dài vì mắc bệnh trĩ. Đây là căn nguyên khiến bệnh nhân đi khám và điều trị rất trễ, thường rơi vào cấp độ 3, 4.

Đừng để nặng khi có bệnh khó nói - Ảnh 1.

Các bác sĩ tại một bệnh viện quốc tế phẫu thuật cho bệnh nhân mắc bệnh trĩ cấp độ 3 bằng phương pháp laser - Ảnh: X.MAI

Có những bệnh nhân ôm mãi nỗi niềm, không biết bày tỏ cùng ai, âm thầm chịu đựng đến hàng chục năm. Khi đến bệnh viện thì tổn thương thường đã quá lớn nên các phương pháp điều trị nhỏ, ít xâm lấn không còn tác dụng mà phải áp dụng những phương pháp điều trị lớn, xâm lấn nhiều hơn và dĩ nhiên sẽ đau nhiều hơn

GS NGUYỄN ĐÌNH HỐI

GS.TS Nguyễn Đình Hối - chuyên gia về phẫu thuật tiêu hóa Việt Nam - cho biết hầu hết bệnh nhân bị trĩ ở mức đau đớn trầm trọng mới tìm đến bác sĩ. Lúc đó, chất lượng cuộc sống giảm sút, biến chứng phức tạp, khiến việc điều trị rất khó khăn và tốn kém.

Ám ảnh mỗi khi đi... vệ sinh

Với chị L.V.A. (36 tuổi, nhân viên văn phòng), bệnh trĩ đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng mỗi khi đi đại tiện. 

"Thoạt đầu, tôi cứ nghĩ nó sẽ từ từ hết. Cứ thế, tôi vừa âm thầm chịu đựng, vừa tìm hiểu trên Internet. Bản thân cũng áp dụng vài bài thuốc dân gian, tình trạng có cải thiện nhưng vài ngày sau thì đâu cũng vào đó" - chị A. bộc bạch.

Đã hơn hai năm chung sống với bệnh trĩ và đến nay búi trĩ sa đã đến cấp độ 3, chị N.Q. (39 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) than thở: "Bệnh ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt và công việc. Nhưng vì sợ phẫu thuật nên tôi chỉ uống thuốc nội khoa và cố gắng làm quen với bệnh". 

Không chịu nổi cơn đau rát buốt vùng hậu môn, những ngày cuối tháng 2, được bạn bè và đồng nghiệp giới thiệu, chị Q. biết và chọn phương pháp tạo hình búi trĩ bằng laser nội mạch ở một bệnh viện, cho kết quả tốt.

Các bác sĩ cho biết trĩ là một bệnh rất thường gặp của vùng hậu môn. Bệnh thường gặp ở người lớn tuổi; người phải đứng nhiều, ngồi lâu, ít vận động (thợ may, thư ký, nhân viên văn phòng...); người có thói quen ăn uống không tốt (ít chất xơ, rau quả); bệnh nhân mắc bệnh táo bón kinh niên, bệnh kiết lỵ, hội chứng ruột kích thích, u bướu vùng hậu môn trực tràng và các vùng xung quanh...

Chất lượng cuộc sống giảm sút

GS Đình Hối cho rằng bệnh trĩ không nguy hiểm đến tính mạng nhưng chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng nặng nề. Đi tiêu khó khăn, đi tiêu ra máu, búi trĩ bị tắc gây đau... đã hành hạ làm cho người bệnh suốt ngày trong tình trạng "không thoải mái".

Hơn thế nữa, người bị bệnh trĩ thường khám, điều trị rất trễ, bởi đây là một bệnh của vùng kín nên thường khiến họ ái ngại khi đi khám, nhất là đối với phụ nữ. Theo đó, để đánh giá chính xác mức độ của bệnh, các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân cần được bác sĩ chuyên khoa khám và được nội soi hậu môn trực tràng để có kết quả phân độ chính xác.

PGS.TS Nguyễn Hoài Nam - chủ tịch Hội tĩnh mạch học TP.HCM - cho biết hiện nay có nhiều phương pháp được ứng dụng để điều trị bệnh trĩ, tùy thuộc độ nặng nhẹ mà chọn phương pháp thích hợp như: điều trị bảo tồn búi trĩ bằng cách thay đổi chế độ ăn, chích xơ búi trĩ, khâu triệt mạch búi trĩ, phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ, tái tạo mô trĩ bằng laser.

PGS Hoài Nam cũng cho hay tái tạo mô trĩ bằng laser là phương pháp xâm lấn tối thiểu với các ưu điểm: ít đau, ít chảy máu trong lúc phẫu thuật, thu nhỏ búi trĩ có kiểm soát. Đặc biệt, bệnh nhân có thể ra viện sau 3 giờ phẫu thuật, ít đau, ít biến chứng.

PGS.TS Dương Văn Hải (Bệnh viện Bình Dân, TP.HCM) - người thực hiện hơn 200 ca tái tạo mô trĩ bằng laser - cho biết có đến 97,6% bệnh nhân không đau hay chỉ đau ở mức độ nhẹ; tỉ lệ biến chứng bí tiểu, da thừa hậu môn chỉ khoảng 3%.

Ai cũng có thể mắc

Theo một thống kê nước ngoài cho thấy có đến 50% người trên độ tuổi 50 mắc bệnh trĩ.


XUÂN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên