Sau 30 năm đổi mới, VN đã có nhiều thành tựu nhưng những động lực của đổi mới đã cạn kiệt nên không còn giúp cho VN thích ứng được với những thách thức mới đặt ra trong nền kinh tế toàn cầu biến động liên tục hiện nay.
Nếu VN không khẩn trương tiến hành đổi mới lần thứ hai thì sẽ bị lỡ nhịp. Và như vậy sẽ rất khó chặn được đà giảm sút của năng suất lao động trong khi năng suất lao động của các nước trong khu vực đã vượt lên.
Nguy cơ VN tụt lại phía sau và nhiều khả năng rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Không đổi mới, VN cũng sẽ lỡ thời cơ của thời kỳ dân số vàng - thời kỳ mà nhiều nước đã tận dụng triệt để để “hóa rồng”.
Điều vô cùng quan trọng và là điều bắt buộc của đổi mới lần hai là phải xác định lại vai trò của Nhà nước trong kinh tế thị trường, có sự phân vai rõ ràng giữa Nhà nước, thị trường và xã hội, trong đó Nhà nước chỉ tập trung vào kiến tạo sự phát triển, tạo môi trường kinh doanh, đưa ra những đường hướng chính sách để doanh nghiệp phát triển, kiểm soát để không có các nhân tố kém chất lượng vào thị trường...
Hệ thống quản trị nhà nước phải có những đổi mới mạnh mẽ, theo tinh thần Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn thường nói là xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động, kiến tạo. Nhưng để làm được những điều đó thì cần cải cách tiếp bộ máy và nhân sự trong Chính phủ.
Điều bất cập nhất trong bộ máy của Chính phủ hiện nay là nhiều bộ, ngành chưa làm hết chức năng, nhiệm vụ của mình.
Cần thực hiện theo cách mà nhiều nước đã làm là mỗi khu vực chỉ có một đơn vị hành chính tham gia và chịu trách nhiệm, tránh tình trạng chỉ một vấn đề mà có đến mấy bộ ngành cùng tham gia, nhưng cuối cùng không ai chịu trách nhiệm.
Đổi mới lần thứ hai còn được đặt trong bối cảnh thế giới đã đi vào giai đoạn công nghiệp 4, với công nghệ thế hệ mới, nên VN phải tập trung đổi mới rất cao cho lĩnh vực khoa học công nghệ và giáo dục để tạo nền tảng cho sự phát triển lâu dài của đất nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận