![]() |
Dàn nhạc giao hưởng - hợp xướng Đài tiếng nói VN, ảnh: Xuân Hà |
Năm 2003, Bùi Công Thành được nhận danh hiệu giáo sư danh sự Viện Hàn lâm âm nhạc quốc tế Canetti. Anh đã đoạt 27 giải thưởng âm nhạc quốc gia và quốc tế.
* Nghe nói hồi mới sang Nga, để có tiền nuôi các con ăn học, anh đã từng phải lao động chân tay?
- Nếu tôi nói ra tất cả những gì tôi đã làm thì không ai ngờ tới. Phu xe tôi còn làm được nữa mà! Nhưng cái gì cũng có giá của nó…
![]() |
GS - TS Bùi Công Thành, ảnh: N.Đ.T |
- Tôi có nhiều thuận lợi khi đảm nhận công việc này vì từng được cử làm chủ tịch cuộc thi violon toàn Nga và cũng thường xuyên được biểu diễn với nhiều dàn nhạc và với những nghệ sĩ tầm cỡ thế giới. Tôi còn là thành viên của nhiều concours âm nhạc quốc tế… Chúng tôi tổ chức các liên hoan âm nhạc để quảng bá hình ảnh của trường, bồi dưỡng học sinh để tham dự các cuộc thi âm nhạc. Và thông qua giải thưởng của học sinh để thu hút nhiều học viên đến với trường.
* Với cương vị hiện nay, anh đã làm gì để giúp đỡ các học sinh VN?
- Cách đây chưa lâu, tôi đưa các em Nguyễn Đặng Duy Linh và Trần Nhật Minh sang Nga học. Trước khi đi các em được đánh giá ở mức trung bình về chuyên môn. Bây giờ cả hai đều tốt nghiệp loại giỏi, một em đã đoạt giải quốc tế và đang thi vào Nhạc viện Tchaikovski. Trường tôi dạy cũng đồng ý với đề nghị của tôi về việc giảm học phí cho các sinh viên VN.
* Các tài năng nhạc cổ điển người Việt ở nước ngoài có nhiều cơ hội biểu diễn? Họ có mong muốn về nước làm việc không, thưa anh?
- Về âm nhạc cổ điển, tôi tự hào để nói rằng người Việt mình rất tài năng. Nhiều năm trước ta đã có những thế hệ đàn anh như Bùi Gia Tường, Phạm Bằng, Vũ Hiến, Bích Ngọc… Các cuộc thi tài năng âm nhạc sau này đã phát hiện nhiều nghệ sĩ trẻ có năng khiếu như Nguyễn Khôi Nam, Tăng Thành Nam, Bùi Công Duy... Bùi Công Duy, Khôi Nguyên, Bích Trà đều nhận được nhiều lời mời biểu diễn. Và tôi biết họ rất mong có dịp trở về để góp phần phát triển âm nhạc cổ điển trong nước.
* Còn anh, khi nào anh sẽ về VN?
- Tôi đi sang Nga theo quyết định cử đi của Nhà nước mình nên tôi luôn sẵn sàng trở về. Với riêng tôi, điều này chẳng có khó khăn gì cả.
* Anh vẫn thường theo dõi tình hình phát triển của âm nhạc cổ điển trong nước?
- Cách đây không lâu, VN tham gia Liên hoan Các dàn nhạc giao hưởng châu Á và đứng thứ ba sau Nhật Bản và Trung Quốc. Các nghệ sĩ chúng ta lúc đó chơi hay lắm, tôi theo dõi và rất xúc động. Rất tiếc, sự kiện này không được trong nước đón nhận và đề cao. Trong khi ngày đầu tiên của thiên niên kỷ 21, người Hàn Quốc nói rằng: “Giờ đây, chúng tôi có thể ngẩng cao đầu để nói rằng chúng tôi đã có dàn nhạc giao hưởng của chúng tôi”.
* Chúng ta phải làm gì với lời than thở rằng đại bộ phận người VN còn “mù” nhạc cổ điển, giao hưởng và thính phòng?
- Cần đào luyện người nghe bằng cách đưa âm nhạc cổ điển vào chương trình đào tạo giáo dục phổ thông, từ thấp đến cao. Sau 12 năm, các học sinh đã có trình độ âm nhạc cổ điển nhất định. Không trở thành tài năng âm nhạc thì họ là những khán thính giả sành điệu. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến việc phổ biến những kiến thức âm nhạc cổ điển thông qua truyền hình, trên các phương tiện thông tin đại chúng và các nơi công cộng.
Ở Nhật Bản, Hàn Quốc… các nơi công cộng đều phát nhạc cổ điển, nhà hàng cũng mở nhạc cổ điển. Chưa kể nhạc cổ điển còn được phổ thông hóa thông qua hình thức quảng cáo sản phẩm, ví dụ một tài năng âm nhạc cổ điển trên tay là cây vĩ cầm đang tra chìa khóa vào một chiếc xe hơi mới toanh... Thật là sang trọng, lịch sự và mới kiêu hãnh làm sao!
* Có ý kiến cho rằng điều kiện kinh tế của ta chưa cho phép phổ thông hóa nhạc cổ điển như các nước phát triển?
- Không thể cho rằng dân mình còn nghèo, trình độ thưởng thức nghệ thuật chưa cao nên âm nhạc “bác học” phải nhường chỗ cho những thưởng thức nghệ thuật bình dân hơn. Sự thưởng thức nghệ thuật cũng như một cái cây, có chăm sóc thì nhanh phát triển, mau ra hoa, kết trái. Ngôn ngữ và lối tư duy thiên về tình cảm của người Việt sinh ra một thứ năng lực cảm thụ âm nhạc, cả về giai điệu, về phát âm và về ca từ rất tinh tế nên tôi tin quá trình này không lâu. Chỉ có điều chúng ta có ý thức được việc này và có làm không thôi. Đừng để dân mình lạc hậu về âm nhạc so với thế giới!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận