Trong xã hội học có khái niệm “dán nhãn”. Theo đó, cộng đồng/xã hội gán cho ai đó một nhãn xã hội (social label), giống như nhà sản xuất có nhãn hàng hóa, chỉ có điều nhãn xã hội này vô hình và người bị gán nhãn không thể tự mình bóc nhãn, nếu cộng đồng không xóa nhãn cho.
Nhãn xã hội có loại tích cực (ví dụ: “thần đèn”, ngợi ca người có tài di chuyển cả tòa nhà cao tầng), nhãn trung tính (ví dụ: biệt danh “cao kều” chỉ ai đó cao hơn bình thường), nhưng cũng có loại tiêu cực, chẳng hạn những chữ: thằng nghiện, con điếm, thằng tù... gán cho những cá nhân từng có hành vi liên quan đến nghiện hút, bán dâm hoặc tù tội. Đây là những nhãn mác vô hình nhưng lại chuyển tải thông điệp có sức cảnh báo rất mạnh: mọi người hãy cẩn thận với những kẻ từng có quá khứ bất hảo này.
Việc ghi hai chữ “đi tù” trong sổ hộ khẩu đã biến nhãn xã hội vô hình thành hữu hình. Với những người bị “dán nhãn” như vậy, thật khó có thể hòa nhập cộng đồng. Làm sao họ có thể hoàn lương dù thật sự muốn, khi cộng đồng còn xa lánh, kỳ thị và coi thường họ! Người có bản lĩnh, có nghị lực và niềm tin có thể vượt qua được định kiến xã hội, ngược lại họ sẽ mất niềm tin vào cộng đồng, bởi trước đó trong trại giam họ được thông báo rằng khi trở về sẽ được tạo mọi điều kiện để làm người công dân bình thường và làm người công dân tốt.
Nếu hiện diện trong hộ khẩu thì hai chữ “đi tù” sẽ đi theo những người có quá khứ phạm tội suốt quãng đời còn lại. Như vậy, tuy rằng họ được tự do về không gian nhưng vẫn bị giam cầm trong tinh thần, tâm lý. Điều này thật không công bằng, một khi họ đã được xóa án tích.
Chúng tôi nghĩ rằng việc quản lý nhân thân là nghiệp vụ của ngành chức năng, chỉ nên trong phạm vi hồ sơ nội bộ mà thôi, chứ không nên “xã hội hóa” những thông tin bất lợi như thế của những người có một thời lầm lỡ. Bởi lẽ đó sẽ là chướng ngại ngăn cản họ trên con đường hoàn lương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận