![]() |
Phải lưu ý khi sử dụng thuốc trị cảm cúm - Ảnh: N.C.T. |
Cảm cúm là rối loạn cơ thể thường gặp. Trong một năm ta có thể bị rối loạn này đôi ba lần, đặc biệt là vào mùa mưa. Cảm cúm còn thường được gọi là cảm sổ mũi vì ngoài cảm giác khó chịu, sức khỏe thấy yếu hơn bình thường lại kèm theo sổ mũi, hắt hơi, có khi bị nghẹt mũi. Ngoài ra còn phối hợp thêm một số triệu chứng như đau họng, ho. Trẻ em có thể bị sốt nhẹ nhưng người lớn ít khi kèm theo sốt. Nếu người lớn bị sốt có nghĩa đã bị cúm, kèm theo nhức đầu, đau cơ, đau lưng, đau họng, ho, chán ăn, có thể bị ói mửa. Trong điều kiện hiện nay có thể gặp loại cúm nguy hiểm như cúm gia cầm hoặc cúm A/H1N1.
"Nên lựa chọn paracetamol nhưng cũng lưu ý paracetamol không phải hoàn toàn vô hại" |
Đa số trường hợp bị cảm sổ mũi thông thường có thể tự khỏi sau 4-10 ngày. Nhưng ít ai chấp nhận không dùng thuốc để tự khỏi. Hễ bắt đầu cảm thấy bị rối loạn là nhiều người tìm ngay thuốc trị cảm sổ mũi. Vì thế, thuốc trị cảm sổ mũi thuộc vào loại được sản xuất nhiều nhất. Đặc biệt, khi bị cúm gia cầm hoặc cúm A/H1N1 bắt buộc phải dùng thuốc kháng virus như olsetamivir (Tamiflu) là thuốc chữa trị đặc hiệu, không thuộc loại thông thường.
Nói chung, thuốc dùng vào trường hợp này nhằm đạt được các tác dụng: giảm đau hạ nhiệt (trị đau nhức và sốt), gây co mạch, chống xung huyết ở niêm mạc mũi (trị sổ mũi), kháng histamin (để chống dị ứng vì sự nhiễm virus xem như sự xâm nhập “chất lạ” gây dị ứng).
Để giảm đau hạ nhiệt, thuốc thường được dùng là aspirin, paracetamol. Trong hai loại thuốc này, paracetamol được xem là tương đối an toàn. Aspirin giảm đau hạ nhiệt tốt nhưng lại gây nhiều tác dụng phụ, đặc biệt gây tổn hại niêm mạc dạ dày - tá tràng và tăng nguy cơ xuất huyết. Vì thế lưu ý không được dùng aspirin khi nghi ngờ sốt xuất huyết. Phụ nữ có thai và trẻ em cũng không nên dùng aspirin. Nên lựa chọn paracetamol nhưng cũng lưu ý paracetamol không phải hoàn toàn vô hại. Không nên dùng paracetamol quá thường xuyên.
Nếu dùng quá liều hoặc dùng ở người bị yếu gan, đặc biệt người lớn tuổi chức năng gan thường đã bị suy giảm, paracetamol có thể gây ngộ độc, tế bào gan bị thuốc hủy hoại gọi là hoại tử tế bào gan.
Loại thuốc thứ hai thường được dùng trị cảm sổ mũi có tác dụng làm co mạch, tan máu, chống xung huyết ở niêm mạc mũi để trị nghẹt mũi là ephedrin, pseudoephedrin, phenylpropanolamin, neosynephrin. Các thuốc này thường dùng để uống, nhưng thay vì uống có thuốc cho tác dụng tại chỗ - tức dùng thuốc nhỏ mũi để trị sổ mũi, nghẹt mũi như naphazolin, xylometazolin, oxymetazolin. Tuy nhiên dù dùng thuốc nhỏ mũi cũng lưu ý không dùng kéo dài vì có thể bị quen thuốc, thuốc không chống xung huyết mà lại gây xung huyết thứ phát làm nghẹt mũi nhiều hơn, nhất là gây tác hại cho hệ thống lông mũi. Còn loại thuốc kháng histamin thường được dùng trị sổ mũi là clorpheniramin.
Các thuốc... tổng tấn công!
Thay vì dùng từng loại thuốc kể trên, tức là thuốc giảm đau, hạ nhiệt, thuốc co mạch chống xung huyết niêm mạc mũi, thuốc kháng histamin, hiện nay có nhiều biệt dược đã kết hợp sẵn các thuốc để trị cảm sổ mũi. Có thể kể Contac, Coldcap, Actifed, Decolgen, Tiffy, Andol Fort, Andol Plus... Nếu dùng các thuốc dạng “tổng tấn công” này, ta lưu ý mấy điều sau:
- Nếu thuốc trị cảm sổ mũi có chứa chất co mạch giảm xung huyết phải tránh dùng với người bị cao huyết áp, người bị cường tuyến giáp, vì huyết áp có thể tăng khi dùng thuốc.
- Nếu thuốc có chứa cả thuốc kháng histamin nên tránh dùng với phụ nữ có thai (đặc biệt ba tháng đầu thai kỳ). Tránh dùng thuốc ở người đòi hỏi sự tỉnh táo, tập trung cao như lái xe, vận hành máy móc vì thuốc kháng histamin gây buồn ngủ.
- Với trẻ em, tránh dùng thuốc trị cảm sổ mũi có chứa chất co mạch chống xung huyết, thậm chí không được dùng thuốc nhỏ mũi có chứa chất co mạch để nhỏ mũi. Bởi thuốc không chỉ có tác dụng làm co mạch ở niêm mạc mũi mà còn gây co mạch ở các nơi khác như não, tim... Cơ thể trẻ em chưa phát triển hoàn chỉnh để có thể chấp nhận được tình trạng này.
Khi trẻ bị sốt chỉ nên dùng paracetamol, tốt nhất là dạng thuốc nhỏ giọt, trẻ còn nhỏ tháng thì dùng thuốc nhét hậu môn. Nếu trẻ bị sổ mũi có thể làm thông mũi bằng dụng cụ hút mũi, dùng tăm bông hoặc dùng vải sạch quấn thành hình chóp để thấm, hút mũi cho trẻ. Nếu dịch mũi đặc có thể nhỏ 1-2 giọt dung dịch nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) vào mũi rồi thấm hút ra (người lớn cũng có thể dùng phương cách này hoặc dùng nồi thuốc xông chứa các loại lá như bạch đàn, lá tràm hoặc nhỏ dầu gió vào nồi nước sôi để xông).
Ngoài ra còn lưu ý:
- Người bị tăng huyết áp tuyệt đối không dùng thuốc trị cảm (hoặc các loại thuốc khác) dạng sủi bọt. Vì dạng thuốc sủi bọt luôn chứa tá dược rã sinh khí là natri bicarbonat hoặc natri carbonat (khi hòa vào nước sẽ phản ứng với axit citric cũng là tá dược phóng thích khí CO2 gây sủi bọt) có thể gây tăng huyết áp với người có sẵn bệnh lý này và đang kiêng muối.
- Cảm sổ mũi có thể dẫn đến biến chứng (bị bội nhiễm vi khuẩn). Vì vậy nếu đã dùng thuốc trị cảm sổ mũi, nghỉ ngơi, ăn uống điều độ trong thời gian ngắn mà không đỡ hoặc nặng thêm, tốt nhất nên đến bác sĩ khám bệnh.
- Trong tình hình có nguy cơ xảy ra cúm gia cầm (do virus H5N1) và cúm A/H1N1, mọi người nên tuân thủ những quy định phòng chống dịch bệnh mà ngành y tế ban hành. Việc chữa trị các loại cúm này bắt buộc thực hiện trong các cơ sở điều trị, người bệnh phải được cách ly, không đặt vấn đề mua thuốc tự điều trị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận