22/04/2018 11:24 GMT+7

Dùng công nghệ chống đánh cá trái phép

LÊ NAM
LÊ NAM

TTO - Indonesia không những tiếp tục biện pháp mạnh tay "phá hủy các tàu đánh cá trái phép" mà họ còn áp dụng công nghệ để truy tìm, bắt giữ tàu cá nước ngoài đánh bắt trái phép.

Dùng công nghệ chống đánh cá trái phép - Ảnh 1.

Tàu cá nước ngoài bị Indonesia bắt giữ chờ ngày phá hủy - Ảnh: LÊ NAM

Quốc gia này năm ngoái đã tiên phong cung cấp dữ liệu tàu cá quốc gia với Google để dùng các thuật toán giám sát và kiểm soát được hoạt động đánh bắt trong vùng biển thuộc chủ quyền.

Cứng rắn

Hồi tháng 1-2018, những tưởng bà Bộ trưởng Bộ Thủy sản và hàng hải Indonesia Susi Pudjiastuti đã phải thay đổi quyết định cứng rắn "phá hủy các tàu đánh cá trái phép" khi Phó tổng thống Jusuf Kalla phát biểu trên tờ Kompas, tờ báo lớn nhất ở Indonesia, rằng chính phủ nên dừng chính sách mạnh tay hủy các tàu cá vì có thể ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao với các nước khác.

Trong trả lời với Tuổi Trẻ, bà Susi Pudjiastuti khẳng định việc đánh đắm tàu cá vi phạm là yêu cầu của Tổng thống Indonesia Jokowi nhằm thể hiện quyết định mạnh tay của Chính phủ Indonesia quyết không khoan nhượng việc đánh cá trái phép.

Bộ trưởng Susi Pudjiastuti cũng cho biết ngành công nghiệp đánh bắt cá của Indonesia mỗi năm chịu thiệt hại rất lớn do hoạt động đánh bắt bất hợp pháp. Chỉ trong hai năm kể từ khi Chính phủ Indonesia áp dụng chính sách bắt và tiêu hủy tàu đánh cá nước ngoài xâm nhập, trữ lượng cá dưới biển đã tăng lên hơn gấp đôi.

Indonesia cho biết với vùng biển hơn 17.000 hòn đảo và hơn 54.700km bờ biển, hằng năm có đến 10.000 tàu nước ngoài thường xuyên xâm nhập đánh bắt cá trái phép.

Chính vì vậy, cách bảo vệ truyền thống khó đáp ứng được. Các tàu cá nước ngoài mang biển giả của Indonesia, sơn tàu theo kiểu của Indonesia và thậm chí là tàu cá Indonesia đã tiến hành đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), sau đó mang cá đánh bắt được chuyển đến các tàu nước ngoài có hầm trữ lạnh chờ ngay bên ngoài.

"Đó là hành động phạm pháp. Chúng tôi thấy những hành động trái phép này trên Google Fishing Watch" - bà Susi nói.

Dùng công nghệ chống đánh cá trái phép - Ảnh 2.

Chính quyền Indonesia từng dùng biện pháp mạnh bắn chìm tàu cá bị bắt vì đánh cá trái phép. Biện pháp này gây nhiều tranh cãi - Ảnh: AFP

Tiên phong áp dụng công nghệ

Từ giữa năm ngoái, bà Susi Pudjiastuti cho biết đã chủ động hợp tác với Google tích hợp dữ liệu tàu cá quốc gia và hình ảnh từ vệ tinh để phát hiện các tàu đánh cá nước ngoài được cho là xâm nhập lãnh thổ nước này và mạnh tay xử lý.

Indonesia đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới dùng và chia sẻ hệ thống thông tin giám sát tàu thuyền quốc gia với chương trình giám sát cá toàn cầu (Global Fishing Watch), một nền tảng định vị vị trí trên bản đồ trực tuyến, do Google cùng sáng lập với Oceana, Skytruth.

Thông qua chương trình này, 5.000 tàu đánh cá hạng trung (có chiều dài không quá 24m và tổng trọng lượng không quá 100 tấn) của Indonesia từng "tàng hình", nay đã có thể dễ dàng phát hiện vị trí và báo cáo hoạt động trên biển.

Thông tin tàu cá đã được các thuật toán của Google giúp phân tích để biết hướng di chuyển, vị trí thậm chí là xác định được tàu đang neo đậu hay đánh bắt cá gần với thời gian thực tế nhất.

Một nghiên cứu hồi tháng trước cho thấy nhờ theo dõi bằng thiết bị này Chính phủ Indonesia đã biết được các tàu cá có phải của Indonesia hay không, đang làm gì.

Theo báo cáo năm 2014 của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc, Indonesia là nhà sản xuất thủy hải sản lớn thứ hai trên thế giới. Sản lượng ngành nuôi trồng thủy sản nước này đạt 4 triệu tấn trong năm 2014, chiếm 5,7% tổng sản lượng toàn cầu. Năm 2016, ngành này đóng góp khoảng 6,7% tổng sản phẩm quốc nội của Indonesia.

Từ năm 2015 Chính phủ Indonesia đã cho phá hủy hơn 380 tàu cá nước ngoài vi phạm đánh bắt trái phép, đánh bắt không theo quy định và không thông báo.

LÊ NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên