04/09/2017 11:18 GMT+7

Đừng cố 'nhét" các tiến bộ công nghệ vào trong tư duy cũ

Đậu Anh Tuấn (Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp VN)
Đậu Anh Tuấn (Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp VN)

TTO - Cuộc cách mạng 4.0 đã ập đến nhưng VN vẫn đang loay hoay tìm cách “nhét” hành vi mới vào khuôn khổ quy định hay tư duy cũ. Mỗi một quy định để ra đời cũng mất một vài năm nên lúc nào cũng lạc hậu.

Đừng cố nhét các tiến bộ công nghệ vào trong tư duy cũ - Ảnh 1.

VN có nhân tài về công nghệ thông tin nhưng vẫn bị đánh giá thấp ở nhiều tiêu chí. Trong ảnh: tại một cuộc nói chuyện về khởi nghiệp trong ngành công nghệ thông tin - Ảnh: Đ.THIỆN

“VN ban hành một nghị định điều chỉnh hành vi mới có thể mất từ 1 đến 2 năm, ra được rồi thì có khi đã lạc hậu, công nghệ đã thay đổi, chính vì vậy các quy định luôn cũ và đi sau các nước

Ông ĐẬU ANH TUẤN

Việt Nam có tham vọng lớn về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chúng ta cũng đưa ra nhiều chương trình tham vọng như Chính phủ điện tử. Nhưng để thành một "quốc gia số", chúng ta đang bị đánh giá thấp.

Thứ hạng thấp

Sự phát triển của khoa học công nghệ đang tạo ra những thay đổi to lớn không thể phủ nhận: kinh tế phát triển, doanh nghiệp tăng trưởng, năng suất cao hơn. 

Trong tiến trình đó, một số quốc gia hưởng lợi nhiều hơn so với các quốc gia khác. Có nhiều yếu tố tác động đến sự khác biệt này nhưng quan trọng nhất có lẽ là quốc gia đó thụ động hay chủ động tìm cách tìm lợi ích từ xu thế số hóa.

AnphaBeta (một tập đoàn cung cấp dịch vụ thông tin chiến lược tại châu Á - Thái Bình Dương) vừa đưa ra định nghĩa về quốc gia số. 

Theo đó, quốc gia số là một quốc gia chủ động phát triển nền kinh tế số, khai thác được các lợi ích đáng kể cho người dân, chứ không chỉ cung ứng Internet hay dạy công nghệ thông tin cho trẻ rồi thụ động sử dụng hàng hóa và dịch vụ số (như smartphone, các ứng dụng di động...).

Từ tổng kết bài học của nhiều quốc gia, báo cáo của AnphaBeta tổng kết 7 nhóm yếu tố chính để phát triển nền kinh tế số, trong đó đáng lưu ý là: nhân tài số; môi trường đầu tư công nghệ; chính sách thuế; ổn định kinh tế vĩ mô (hạn chế rủi ro chính trị và bất ổn kinh tế) và yếu tố quan trọng nữa là nhu cầu trong nước...

Theo đánh giá của AnphaBeta với 11 quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong 7 nhóm yếu tố trên, Việt Nam được xếp hạng tốt ở yếu tố nhu cầu trong nước và yếu tố nhân tài số. Tuy nhiên, Việt Nam bị đánh giá thấp nhất trong 11 nước và vùng lãnh thổ ở nhóm chỉ số về hệ thống pháp luật và thuế.

Bước lên hay đứng đó?

Ứng xử chính sách phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ là rất quan trọng. Qua những thảo luận gần đây về quản lý Uber hay quản lý Internet tại Việt Nam, có thể thấy rằng Việt Nam vẫn đang loay hoay tìm cách "nhét" hành vi mới vào khuôn khổ quy định hay tư duy cũ. 

Hệ thống hành chính cũ hiện nay của nước ta đang phải đối mặt với những chuyển động quá nhanh của công nghệ. Việt Nam ban hành một nghị định điều chỉnh hành vi mới có thể mất từ 1 đến 2 năm, ra được rồi thì có khi đã lạc hậu, công nghệ đã thay đổi, chính vì vậy các quy định luôn cũ và đi sau các nước.

Một ứng xử rất khác với Việt Nam là Đan Mạch. Gần đây Đan Mạch đã bổ nhiệm đại sứ của mình đến Thung lũng Silicon vì như lý giải của Bộ Ngoại giao nước này: "Các công ty như Google, IBM, Apple và Microsoft hiện có quy mô lớn đến nỗi sức mạnh kinh tế và tác động của họ đối với cuộc sống hằng ngày của chúng ta vượt xa ảnh hưởng của nhiều quốc gia mà chúng ta đặt đại sứ quán truyền thống".

Trong dòng chảy rất mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, Việt Nam đang đứng trước thách thức rất lớn và rất khác. 

Yếu tố thị trường hay tài năng Việt Nam không thiếu. Nhưng những rủi ro, sai lầm về chính sách có thể làm thay đổi đường đi của vốn đầu tư, sự rời bỏ của các tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghệ... 

Cần lưu ý những chính sách kiểu quy định tội hình sự kinh doanh trái phép trên mạng, hay điều kiện ngặt nghèo để làm lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ thông tin...

Việt Nam không thể chần chừ, không nên trái xu hướng chung của thế giới trong ban hành và thực hiện chính sách để thúc đẩy sự phát triển của khoa học công nghệ, mở đường phát triển cho các doanh nghiệp non trẻ trong nước.

Áp dụng từ cái nhỏ để phục vụ dân

Trong một dịp công tác đến một chính quyền cấp quận tại Mỹ cách đây 4 năm, tôi đã nghe vị đại diện chính quyền ở đó say sưa nói về một chương trình đầu tư công, chỉnh trang lại vỉa hè.

Sự khác biệt là họ dùng rất nhiều dữ liệu, trong đó có dữ liệu về chủng loại, đặc điểm ôtô mà cư dân vùng này đang đi. Những dữ liệu này được phân tích nhằm đưa ra được độ cao, chiều rộng tối ưu của vỉa hè để phù hợp với những loại xe mà cư dân vùng này ưa thích.

Đây chỉ là một dẫn chứng cụ thể của xu thế ứng dụng "dữ liệu lớn" (big data) mà chính quyền địa phương của Mỹ đã sử dụng, theo xu thế của quốc gia số.

Đậu Anh Tuấn (Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp VN)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên