10/03/2009 08:27 GMT+7

Dừng cấp phép thành lập văn phòng công chứng tại Hà Nội: Chờ đề án quy hoạch

M.QUANG thực hiện
M.QUANG thực hiện

TT (HÀ NỘI) - Sau một thời gian kể từ khi văn phòng công chứng (công chứng tư) đầu tiên được thành lập tại Hà Nội (cuối tháng 7-2008), mới đây Bộ Tư pháp đã có văn bản yêu cầu TP Hà Nội tạm dừng cấp phép thành lập văn phòng công chứng mới. Vì sao tạm dừng đột ngột như vậy? Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp ĐINH TRUNG TỤNG cho biết:

yrUrzg5h.jpgPhóng to
Người dân đến làm thủ tục công chứng tại văn phòng công chứng Tân Bình, Q.Tân Bình, TP.HCM (ảnh chụp chiều 9-3) - Ảnh: M.Đức

- Vừa qua, Bộ Tư pháp đã có văn bản đề nghị TP Hà Nội tạm dừng việc cấp phép thành lập mới văn phòng công chứng vì phải thực hiện lại một số nội dung cho phù hợp với quy định của Nhà nước.

Trước khi Hà Nội tiến hành mở rộng, TP đã có đề án quy hoạch văn phòng công chứng, cho phép thành lập các văn phòng để hoạt động. Nhưng hiện nay TP Hà Nội đã được mở rộng địa giới hành chính với diện tích đáng kể, có số dân lớn nên cần phải có quy hoạch bổ sung trên cơ sở quy hoạch của TP mở rộng cho phù hợp với thực tế. Về giới hạn bao nhiêu văn phòng thì phụ thuộc quy hoạch của TP, trong đó Hà Nội sẽ phải xác định rõ số lượng thực tế cho phù hợp.

Tạm dừng bổ nhiệm công chứng viên

Trong sáu tháng thành lập các văn phòng công chứng tại Hà Nội, 19 văn phòng đã thu được trên 4,3 tỉ đồng lệ phí từ hơn 15.000 hợp đồng giao dịch. Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, các văn phòng công chứng tại Hà Nội phân bố không hợp lý, tập trung chủ yếu ở nội thành trong khi hướng khu vực tỉnh Hà Tây cũ, nơi có các giao dịch nhà đất đang phát triển, lại chưa có văn phòng công chứng được thành lập. Do đó từ cuối năm 2008, Bộ Tư pháp cũng tạm dừng việc bổ nhiệm công chứng viên tại Hà Nội chờ có quy hoạch bổ sung chính thức.

Sau khi Hà Nội có quy hoạch sẽ trình lên Bộ Tư pháp để bộ nghiên cứu, tổng hợp rồi hoàn chỉnh một đề án quy hoạch chung, trình Thủ tướng phê duyệt một quy hoạch chung cho cả nước. Do đó, không chỉ Hà Nội, từng tỉnh thành phải có quy hoạch của riêng mình, sau khi có quy hoạch cứ thế thực hiện. Chẳng hạn, tại TP.HCM không mở rộng địa giới hành chính, đã có quy hoạch rồi nên việc thành lập văn phòng mới không có gì trở ngại. Hiện nay TP.HCM chỉ mới có tám văn phòng được thành lập, trong khi Hà Nội có tới 38 văn phòng.

* Việc Hà Nội phải tạm dừng thành lập các văn phòng công chứng sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động công chứng hiện nay? Điều này có đi ngược lại chủ trương xã hội hóa lĩnh vực này không, thưa ông?

- Trước hết, phải nói việc tạm dừng thành lập mới văn phòng công chứng tại Hà Nội không ảnh hưởng gì đến hoạt động của hệ thống văn phòng công chứng hiện nay và phù hợp với luật định. Trước đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các tỉnh thành phải có đề án quy hoạch văn phòng công chứng cho phù hợp, đảm bảo chủ trương xã hội hóa của Nhà nước.

Về thời gian, việc tạm dừng bao lâu phụ thuộc vào TP Hà Nội sẽ triển khai lập đề án quy hoạch bổ sung, quy hoạch lại như thế nào. Tôi chắc rằng Hà Nội sẽ thực hiện khẩn trương để đảm bảo quyền lợi cho người dân và công chứng viên. Ngoài ra, trong năm nay bộ sẽ phải trình Thủ tướng đề án quy hoạch các văn phòng công chứng trong toàn quốc nên các địa phương cũng không thể chậm trễ.

* Ông đánh giá như thế nào về hoạt động của các văn phòng công chứng vừa được thành lập?

- Các văn phòng công chứng được thành lập trong thời gian qua đã mang lại nhiều hiệu quả rõ rệt, số lượng các hợp đồng giao dịch được công chứng ở các văn phòng đã thành lập rất khá, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức. Bộ rất ủng hộ các văn phòng công chứng được thành lập nhưng để hoạt động này đi vào nề nếp, theo kế hoạch chung, triển khai đều trong TP phải trên cơ sở đề án quy hoạch.

TP.HCM: sẽ lập thêm bốn văn phòng

Theo bà Ung Thị Xuân Hương - phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, hiện cơ quan này vẫn đang thực hiện theo đề án quy hoạch thành lập các văn phòng công chứng tư mà UBND TP.HCM đã duyệt. Theo đề án trên, đến năm 2010 TP.HCM sẽ có 12 văn phòng công chứng tư, nhưng đến nay TP mới có tám văn phòng công chứng được cấp phép thành lập nên có thể thành lập thêm bốn văn phòng nữa. Tuy nhiên, đến nay Sở Tư pháp chưa nhận được thêm hồ sơ xin phép thành lập văn phòng công chứng tư của công chứng viên nào. Chỉ có một công chứng viên mới “đặt hàng” sẽ xin thành lập một văn phòng tại Củ Chi vào cuối năm nay.

Vẫn theo bà Hương, theo phản ảnh của một số văn phòng công chứng, thực tế sau một thời gian hoạt động, văn phòng công chứng tư đã gặp khó khăn trong hoạt động vì nguồn thu không cao. Do tâm lý người dân chưa thể thay đổi trong một thời gian ngắn nên vẫn có tình trạng người có nhu cầu công chứng giao dịch, hợp đồng quan trọng, liên quan bất động sản (thường có mức thu phí công chứng cao) lại tìm đến các phòng công chứng nhà nước. Chỉ có một số loại công việc đơn giản khác (mức thu phí thấp) thì khách hàng mới đến văn phòng công chứng tư.

Về điều kiện cấp phép thành lập văn phòng công chứng tư, Bộ Tư pháp có một hướng dẫn mới quy định chỉ có công chứng viên có hộ khẩu TP thì mới được phép thành lập văn phòng tại TP.HCM chứ không như trước đây.

M.QUANG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên