02/08/2014 08:07 GMT+7

Dục vọng

TRẦN KIÊM HẠ
TRẦN KIÊM HẠ

TT - Sáng 31-7, TAND huyện Tân Hưng (Long An) đã đưa vụ án giao cấu với trẻ em ra xử sơ thẩm. Phiên tòa đã được mở một lần cách nay hai tháng, nhưng sau đó hoãn xử để giám định ADN đứa bé theo đề nghị vào phút cuối của bị cáo.

T5Xx49EL.jpg

1. Trước phiên xử lần thứ nhất vài tuần, tôi đi cùng vị luật sư bảo vệ quyền và lợi ích miễn phí cho P. (người bị hại) đến thăm nhà P. để nắm sự tình. Từ trung tâm huyện Tân Hưng, chúng tôi phải vượt gần 20 cây số đường đất quanh co, mờ mịt bụi mới đến được ấp Gò Pháo, xã Hương Điền B. Nói là nhà nhưng thật ra đó là túp lều dựng theo kiểu nhà sàn, nép mình dưới con đê ngăn nước mùa lũ. Cha mẹ cháu P. không giấu nổi vẻ sượng sùng chạy qua nhà hàng xóm mượn vài chiếc cốc rót nước mời khách. Trong nhà, ngoài chiếc tivi đời cũ, tuyệt nhiên không còn một vật nào đáng giá. Trên chiếc chiếu trong góc sàn, một cháu gái nằm bên cạnh đứa bé còn đỏ hỏn. Vẻ mặt ngơ ngác nhìn khách của cháu khiến người khác nghĩ cháu đang chơi trò mẹ con với “búp bê” thì đúng hơn. “Con búp bê” ấy ngọ nguậy khóc, cháu vụng về đưa tay vỗ vỗ nhưng nó không chịu nín mà chỉ chịu nằm yên khi bà ngoại đến ẵm lên.

Mẹ cháu P. tâm tình: “Khổ lắm cô chú ơi, đêm hôm hai vợ chồng tôi phải thay nhau canh chừng chớ sợ nó ngủ mê đè thằng bé ngạt thở...”!

Theo cáo trạng, bị cáo Bùi Văn Đ. (62 tuổi, nguyên phó chủ tịch Hội người cao tuổi huyện Tân Hưng) đang ở nhà thì cháu P. (sinh năm 2000) đến mời mua vé số. Ông Đ. đã thực hiện hành vi đồi bại với cháu P..

2.

Phiên tòa hôm 29-5, phòng xử chật ních người. Trước giờ xử vài phút, một người đàn ông dáng thấp đậm, mặt khá sáng sủa theo hai viên công an đến ngồi vào ghế bị cáo. Hàng ghế sau bị cáo là con, cháu, dâu, rể của ông ta. P. được phép vắng mặt, mẹ cháu tham dự phiên tòa với tư cách đại diện cho người bị hại.

Khi chứng kiến cảnh éo le ở nhà bị hại, tôi thấy căm phẫn bị cáo. Thế nhưng giờ đây, thấy bị cáo đầu đã bạc, mắt thâm quầng, không dám ngẩng nhìn ai, một mực thành khẩn nhận tội trước tòa, tôi đâm ra thương hại. Mẹ bị hại dẫu trước đây đau đớn tột cùng khi biết con mình bị chú Hai (tức bị cáo) giao cấu có thai, nhưng lời nói đầu tiên trước tòa đã làm cả khán phòng xúc động: “Tôi xin tòa giảm án cho chú Hai...”!

Kiểm sát viên đề nghị tòa xử bị cáo từ 4-5 năm tù theo điểm d khoản 2 điều 115 Bộ luật hình sự. Lời đề nghị này xem ra có phần nương tay so với khung hình phạt của điều luật là từ 3-10 năm tù. Khi nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án, bị cáo đã làm cả hội đồng xét xử và người dự khán bất ngờ: xin tòa được giám định ADN đứa bé. Sau vài giây chưng hửng, chủ tọa nhắc bị cáo: “Tại sao trong quá trình xét xử, tôi luôn hỏi có thắc mắc gì không thì bị cáo một mực nhận tội. Hãy cân nhắc thật kỹ, chi phí giám định ADN 8-15 triệu đó nghe!”. Giữa lúc bị cáo đang lưỡng lự thì dưới hàng ghế người thân của bị cáo có nhiều tiếng vọng lên: “Đề nghị thử ADN đi”. Vậy là bị cáo khẳng định lại lời đề nghị của mình và đó cũng là lý do khiến tòa phải hoãn xử.

Phía gia đình bị hại quá ngỡ ngàng trước yêu cầu này. Cha cháu P. buồn rầu nói: “Con P. nó có biết bầu bì là gì đâu. Nghe bác sĩ giải thích trong bụng có em bé, nó sợ xanh mặt vì không biết làm sao mà em bé lại chui vào bụng mình được. Cháu ngây thơ là vậy mà chú Hai nỡ nghi ngờ nó lang chạ, hỏi sao chúng tôi không buồn. Hay là chú ấy có ý định chạy án?”. Tôi an ủi: “Không chạy án được đâu. Theo luật, khi bị cáo đề nghị giám định ADN thì cơ quan tố tụng phải thực hiện để có cơ sở xét xử cho chuẩn xác đó thôi”.

3. Hai tháng sau. Khi đã có kết quả giám định ADN của Viện Pháp y quốc gia tại TP.HCM kết luận bị cáo Đ. có quan hệ huyết thống cha con với đứa bé con của cháu P., tòa mở lại phiên xử. Ngoài trời mưa to, phòng xử án khá vắng càng làm không khí phiên xử thêm lạnh lẽo.

Cũng dáng dấp như ngày nào nhưng giờ đây bị cáo đã không còn được hưởng lời đề nghị giảm án từ phía gia đình bị hại nữa. Cuối cùng, tòa tuyên phạt bị cáo Đ. 5 năm tù. Đồng thời buộc bị cáo bồi thường tổn thất tinh thần, tiền mất thu nhập, tiền viện phí thuốc men sinh nở cho bị hại hơn 49 triệu đồng.

Về tiền cấp dưỡng nuôi con, thay vì bị cáo đã thỏa thuận ở phiên xử trước là mỗi tháng 1 triệu đồng và thi hành án một lần, thì nay tòa lại tuyên mỗi tháng chỉ có 525.000 đồng và đưa hằng tháng. Luật sư của nạn nhân nói: “Tôi đã xin tòa lưu ý cho một đứa trẻ bị cướp mất tuổi hoa niên ăn chưa no lo chưa tới đã phải làm mẹ.

Số tiền nghe có vẻ lớn nhưng thật ra chỉ để dùng nuôi con bị cáo đến tuổi trưởng thành. Mỗi tháng vỏn vẹn 1 triệu đồng, thử hỏi trong chúng ta ai nuôi con đủ với ngần ấy tiền? Thế mà tòa tuyên số tiền cấp dưỡng đã ít ỏi lại còn phải liên hệ để nhận hằng tháng.

Vậy trong thời gian bị cáo đi tù thì bị hại liên hệ ai để nhận? Chắc chắn về vấn đề này giữa bị hại và gia đình bị cáo không có tiếng nói chung rồi. Cho nên câu chuyện đau lòng của cháu P. lúc nào cũng bị khơi lại, ít nhất là 18 năm sau”. Luật sư cho biết sẽ hướng dẫn gia đình cháu P. kháng cáo vì lẽ đó...

Cuối phiên xử, bước ra từ phòng xử án, nhiều người không sao giấu được tiếng thở dài. Ở cái tuổi ngoài 60, người ta an trú tâm hồn mình bằng cách xa rời những ham muốn giả tạm. Đằng này bị cáo chỉ vì dục vọng mà vướng vào vòng tù tội, và có thể sẽ còn đối mặt với phiên tòa phúc thẩm!

TRẦN KIÊM HẠ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên