08/06/2009 11:45 GMT+7

Đưa thành phố ra mặt tiền biển Đông

Theo PHAN CHÁNH DƯỠNGDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Theo PHAN CHÁNH DƯỠNGDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Như chúng ta đã biết, hệ thống sông quan trọng của vùng Đông Nam bộ nói chung, TP.HCM nói riêng là sông Đồng Nai, sông Sài Gòn. Sông Sài Gòn hợp lưu với sông Đồng Nai tại mũi Đèn Đỏ thành sông Nhà Bè. Khi đến mũi Bình Khánh tẻ ra một phân lưu là sông Lòng Tàu ra biển Đông, nhánh còn lại đổ ra biển Đông qua cửa Soài Rạp (còn gọi là sông Soài Rạp).

Cảng Sài Gòn nằm trên sông Sài Gòn, tàu viễn dương đi ra biển trước nay bằng con đường ra sông Nhà Bè, sông Lòng Tàu ra biển Đông. Sông Soài Rạp tuy rộng hơn và thẳng hơn sông Lòng Tàu nhưng đoạn ra biển Đông cạn hơn (độ sâu âm khoảng 6m, nhỏ hơn sông Lòng Tàu khoảng âm 8m) nên không được chọn làm luồng tàu cho cảng Sài Gòn.

Trước đây, nền kinh tế chúng ta chưa có yêu cầu sử dụng tàu có trọng tải lớn, nên một trăm năm qua, cảng Sài Gòn có thể đưa tàu khoảng 25 ngàn tấn cập bến qua luồng Lòng Tàu là đã đáp ứng được yêu cầu. Nhưng khi có chính sách đổi mới thu hút đầu tư nước ngoài, việc có được một cảng nước sâu để tàu có trọng tải trên 50.000 tấn đến 100.000 tấn (loại tàu mẹ thông dụng nhất hiện nay trên thế giới) hoặc cao hơn sẽ là một lợi thế cạnh tranh quan trọng của quốc gia. Chính vì vậy, Nhà nước cũng đã quy hoạch hai cảng nước sâu ở Bến Đình và Thị Vải (Vũng Tàu) như chúng ta đã biết.

DEUOWF1o.jpgPhóng to

Ngay từ khi TP.HCM có chủ trương xây dựng Khu chế xuất Tân Thuận, Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận đã điều tra nghiên cứu toàn vùng đất Nhà Bè để tính đến chuyện nâng cao khả năng cạnh tranh của khu chế xuất. Giả thuyết được nêu ra là nếu nạo vét luồng Soài Rạp đủ sâu đến âm 12m thì tàu 100 ngàn tấn sẽ qua luồng Soài Rạp vào tận sông Nhà Bè một cách dễ dàng.

Do đó, công ty đã xin lãnh đạo thành phố cho thành lập Khu công nghiệp Hiệp Phước trên xã Hiệp Phước rộng 2.000ha, trong đó có khu cảng nước sâu Hiệp Phước. Đồng thời, cho phép công ty tiến hành đo đạc và nạo vét thử để đánh giá tác động của dòng chảy và thủy triều.

Mười mấy năm qua, cùng với sự tham gia của Công ty tư vấn của Bộ Giao thông - Vận tải và các bộ phận liên quan, tính khả thi của dự án này đã được chứng minh mà cụ thể Tập đoàn P&O của Anh đã đầu tư vào cảng Hiệp Phước từ năm 2006. Sau đó, lãnh đạo TP.HCM cùng Bộ Giao thông - Vận tải đã công bố luồng hàng hải Soài Rạp, đồng thời cho phép tiến hành nạo vét tới độ sâu âm 12m (giai đoạn đầu nạo sâu đến âm 9,5m). Lễ khởi công vừa tổ chức trong tháng 5 vừa qua.

Lợi thế của luồng Soài Rạp so với luồng Lòng Tàu đã quá rõ. Khi chúng ta xây dựng cảng Hiệp Phước để thay thế các cảng hiện nay của thành phố, ngoài việc tàu hàng trọng tải lớn có thể vào được và giúp cho đoạn đường từ biển vào cảng ngắn hơn như nêu ở trên, còn một lợi thế là đoạn sông Soài Rạp rất rộng, tàu lớn có thể đậu trên sông để bốc hàng sang mạn (xà lan).

Nhờ hệ thống đường thủy của sông Vàm Cỏ, sông Cửu Long và mạng các kênh đào của đồng bằng, hàng hóa ra vào sang mạn có thể đi khắp các tỉnh đồng bằng Nam bộ và đến tận Campuchia. Ưu thế này không có cảng nào trên đất nước Việt Nam có được.

Vậy tại sao trước nay chúng ta không thực hiện đề án nạo vét này? Có lẽ là do lúc đó nền kinh tế của chúng ta chưa có yêu cầu, hơn nữa đầu tư này đòi hỏi vốn khá lớn. Mãi đến khi Tập đoàn P&O vào đầu tư cảng Hiệp Phước thì mọi việc mới rõ ràng hơn. Và lãnh đạo TP.HCM cũng kịp thời mở rộng đề án Khu công nghiệp Hiệp Phước trở thành Khu đô thị cảng Hiệp Phước như đã được thông báo.

Việc chậm nạo vét luồng Soài Rạp đương nhiên cũng là một thiệt hại đáng tiếc cho TP.HCM, hay nói rộng hơn là cả phía Nam nước ta, nhưng bây giờ tiến hành cũng không muộn. Mong rằng vài năm tới đây, chúng ta sẽ được thấy tàu trọng tải 50 đến 100 ngàn tấn cập cảng Hiệp Phước. TP.HCM sẽ vươn ra biển Đông, tiến ra mặt tiền “đại lộ” Thái Bình Dương, thoát khỏi số phận của một thành phố trẻ bị già đi như số phận đô thị cổ Hội An vì không có một cảng biển đủ tầm để nuôi dưỡng và phát triển thêm.

Để thấy hết tầm quan trọng của luồng Soài Rạp và cảng nước sâu Hiệp Phước trong tương lai đối với toàn khu vực phía Nam, chúng ta hãy hình dung như sau: Khi đường vành đai ba của TP.HCM được xây dựng lên, cầu Bình Khánh nối vùng Nhà Bè (cảng Hiệp Phước) vượt qua hai dòng sông Soài Rạp và Lòng Tàu để đến vùng đất Nhơn Trạch (Đồng Nai) và đường Xuyên Á có điểm cuối là cảng Hiệp Phước. Lúc đó, hàng hóa ra vào của vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đông Nam bộ, cả Campuchia và xa hơn nữa là của đường xuyên Á sẽ ngày đêm không ngơi nghỉ hàng hóa ra vào.

Lúc đó, chúng ta sẽ có một “sông Cửu Long trên bộ” không bao giờ cạn nước và TP.HCM sẽ là đầu rồng của dòng sông đó với cái miệng há rộng của cảng Hiệp Phước chúng ta hiện nay.

Theo PHAN CHÁNH DƯỠNGDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên