30/09/2003 06:24 GMT+7

Đưa phố về làng

MINH TỰ
MINH TỰ

TT (Thừa Thiên - Huế) - Cứ cách chừng trăm mét lại có một cột điện làm bằng đủ các loại thân cây, trên mắc một bóng đèn neon sáng rực. Con đường chạy giữa làng cùng các ngõ xóm sáng trưng ánh điện chẳng khác gì đường phố. Đó là sáng kiến, là tấm lòng của những người dân làng Mỹ Á (xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) đi xa kiếm sống gửi về làng biển nghèo nàn và hẻo lánh của mình...

ldacTwWn.jpgPhóng to

Đình làng đã được xây cất lại bề thế bằng nguồn tiền đóng góp của dân làng

TT (Thừa Thiên - Huế) - Cứ cách chừng trăm mét lại có một cột điện làm bằng đủ các loại thân cây, trên mắc một bóng đèn neon sáng rực. Con đường chạy giữa làng cùng các ngõ xóm sáng trưng ánh điện chẳng khác gì đường phố. Đó là sáng kiến, là tấm lòng của những người dân làng Mỹ Á (xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) đi xa kiếm sống gửi về làng biển nghèo nàn và hẻo lánh của mình...

Sáng rực đường làng

Vừa chạm cửa ngõ vào làng với chiếc cổng chào đang xây dở dang, chúng tôi không còn phải dò dẫm tìm đường nữa vì đã có một bóng đèn neon sang choang treo ở ngay cổng làng.

Đi thêm một đoạn lại gặp một bóng đèn như thế treo trên những cột điện làm bằng thân cây phi lao, tre... trông chẳng khác gì những cột đèn đường trên phố. Tò mò, tôi chạy xe đi hết con đường chính của làng dài gần 6km và lại bắt gặp những hàng đèn đường như thế đang tỏa sáng.

Ở những ngã ba, ngã tư hoặc hai đầu cầu thì có đến hai ba cột đèn san sát nhau. Thú vị hơn nữa là hầu hết ngõ vào các xóm chìm khuất dưới tán dừa và tre đan kín mít cũng sáng trưng ánh điện. Dưới ánh điện, những bầy trẻ con đang vui chơi la hét ầm ĩ. Cạnh đó là các ông bà già đang ngồi trò chuyện với khuôn mặt thật tươi vui. Những nhóm trai gái gác xe đạp dưới cột đèn đường trò chuyện say sưa. Hình ảnh lạ đó khiến tôi không thể nhận ra làng Mỹ Á tối tăm, buồn bã trong lần ghé vào sau cơn lụt 1999.

“Nếu anh về đây vào ngày 20-11 mỗi năm sẽ thấy người dân Mỹ Á chúng tôi còn biết đầu tư cho quốc sách” - ông An nói. Ngày đó, những người đi xa cử đại biểu về trao học bổng cho học sinh giỏi, con nhà nghèo hiếu học và quà cho thầy cô giáo. Trước đó, từ đầu năm học, mỗi học sinh của làng đậu vào trường cao đẳng sẽ được quĩ khuyến học thưởng 300.000 đồng, vào đại học thưởng 500.000 đồng, trường hợp khó khăn thì trợ cấp thường xuyên. Con cháu của làng vào học đại học ở TP.HCM thì coi như được sự bảo bọc của cả hội đồng hương.

“Mọi chuyện bắt đầu từ một nhóm thanh niên thôn 2 đi làm ăn tận Sài Gòn về quê ăn tết năm 2000” - ông Nguyễn Trường An, chủ tịch UBND xã, kể (xã này cũng chỉ có một làng Mỹ Á, chia thành năm thôn). Đêm 30 tết, trời tối đen như mực.

Thỉnh thoảng lại nghe tiếng người la ó vì xe đạp đâm vào nhau. “Vì sao mình không thắp điện cho đường làng?”, những thanh niên ấy thắc mắc với nhau. Và họ liền làm thử một phép tính, hóa ra cũng chẳng phải tốn nhiều tiền. Vậy là mỗi người góp 100.000 đồng và hôm sau họ bắt tay vào vừa thiết kế vừa thi công một hệ thống đèn đường.

Đêm đầu tiên chạy thử, đường làng sáng trưng như đường phố, cả thôn 2 đổ ra đường vui như hội. Thấy đường làng thôn 2 sáng sủa, vừa đẹp lại an toàn, vậy là các thôn khác làm theo. Người đi xa làm ra đồng tiền thì đóng góp để mua bóng đèn, dây dẫn, thuê thợ điện; người ở nhà khó khăn thì góp cây làm cột.

Trước mỗi nhà dựng một cột đèn, nối vào nguồn điện của nhà đó và giao cho chủ nhà bảo quản, lo việc bật - tắt theo đúng lịch của làng: 18g30 đồng loạt lên đèn, 21g tắt. Ngày tết và lễ thì đỏ đèn suốt đêm. Một năm sau, từ đầu làng đến cuối xóm đã sáng trưng ánh điện.

“Tiền điện này do các gia đình trả à ?”. Tôi hỏi thăm một cụ già bên đường thì cụ lắc đầu: “Không phải mô, mấy anh trong Sài Gòn gửi về trả hết”. Biết người ở làng nghèo khó nên những người đi làm ăn xa ấy đã gửi về trả luôn tiền điện hằng tháng cho mấy trăm ngọn đèn đường. Họ có khoảng hơn 500 người, phần đông là thanh niên, làm đủ thứ nghề: kinh doanh, buôn bán (tập trung ở chợ Tân Bình và An Đông), thợ may, đóng giày, dạy học và cả nghề bán hàng rong, qui tụ lại thành hội đồng hương làng Mỹ Á tại TP.HCM.

Đình làng, cổng làng và...

Một hình ảnh nữa gây bất ngờ với chúng tôi, đó là sự hiện diện của ngôi đình bề thế với bốn trụ biểu trang trí bằng mảnh ghép sành sứ lộng lẫy tọa lạc giữa làng. Ngôi đình làng trong kháng chiến là trụ sở của ủy ban hành chính bị tây đốt cháy năm 1943, dân làng còn nghèo nên chỉ dựng tạm lại cho đến năm 2000. “Nơi thờ các vị khai canh, khai khẩn mà tạm bợ thế này thì con dân của làng làm sao mà cất mặt lên được?” - những người đi xa về thăm làng cứ trắc ẩn. Nhưng làm thế nào có được một số tiền lớn để xây lại ngôi đình?

Vậy là họ vào TP.HCM họp nhau lại bàn cách quyên góp. 150 gia đình nòng cốt đóng góp mỗi nhà 1 triệu đồng để mở đầu cuộc vận động. Ông An kể rằng có những vợ chồng làm nghề bán hàng rong vẫn vui vẻ đóng góp vài chục ngàn đồng, cũng quí giá như những người khá giả ủng hộ đến 20 triệu đồng. Tiếp đó, người Mỹ Á ở nước ngoài, ở Đà Nẵng, Huế cũng không đứng ngoài cuộc.

Vậy là làng có ngay 300 triệu đồng để mạnh dạn kêu những thợ giỏi nhất về khởi công xây dựng lại ngôi đình. Một tòa chính điện uy nghi được dựng lên để thờ cúng các vị tiên hiền đã khai canh nên cái làng biển nghèo nhưng sống nghĩa tình, khí khái, đã được trao danh hiệu anh hùng (đó cũng là lý do mà làng biển này có rất ít người vượt biển đi nước ngoài). Một nhà bia ghi nhớ công ơn tiền nhân và tấm lòng của con cháu hậu thế...

Dân làng Mỹ Á sống bằng hai nghề làm nông và đi biển. Nhưng đất nông nghiệp chỉ có 145ha, hầu hết nhiễm mặn; bãi biển lại là bãi ngang nên là xã nghèo nhất trong các xã ven biển của huyện Phú Lộc. Vì vậy mà hơn 500 thanh niên đã rời làng vào Nam kiếm sống, chỉ còn 50 thanh niên ở lại làng.

Tiếp đó, các gia đình trong làng lại góp thêm món quà là những chiếc ghế đá đặt trước sân để con cháu và khách phương xa có chỗ nghỉ chân. Khi chúng tôi ghé thăm đình, một bầy trẻ con đang ngồi nô đùa trên những hàng ghế đá, gợi cảm giác về một sự sum vầy của làng quê.

Ông An chỉ tôi xem chiếc cổng chào đầu làng sắp xây xong: “Của một nhóm thanh niên đi xa đóng góp 7 triệu, thanh niên ở nhà góp thêm 3 triệu mà có đấy. Sắp tới sẽ làm thêm sáu chiếc như thế nữa ở cuối làng và đường vào các thôn. Họ tự nguyện đề xuất, sốt sắng lắm!”. Gần 2km đường liên thôn đã được đúc bêtông hết 70 triệu, cũng là công trình hợp sức của người ở làng với người đi xa.

Trong trụ sở xã có một bức tranh của cụ Cao Huỳnh Thứ, một người dân làng hiện sống ở Xà Bang, Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu, gửi về tặng, bên dưới có ghi mấy câu thơ thật đúng với những gì mà những người đi xa ấy đã làm cho làng quê mình: Xa quê hương vẫn nhớ tổ tiên nhà.

MINH TỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên