Nhân viên Tiki chuẩn bị hàng tại kho - Ảnh: T.N.
Theo các chuyên gia, sau những cuộc đua "đốt tiền", thị trường thương mại điện tử VN năm 2019 sẽ phải có những điều chỉnh về chất, mà ở đó ai cung ứng trải nghiệm cho khách hàng tốt hơn sẽ thắng thế.
Từ cuộc đua ai giao nhanh hơn
Chị Thảo (ngụ Q.7, TP.HCM) cho biết trước tết vừa rồi, gia đình có nhu cầu mua một máy chụp hình giá hơn 20 triệu đồng và chị chọn mua trên một sàn thương mại điện tử, thanh toán qua thẻ.
"Tôi không nghĩ đơn hàng của tôi được giải quyết nhanh như vậy. Sau hơn một tiếng, tôi nhận được hàng. Tốc độ giao còn nhanh hơn so với việc tự tôi ra cửa hàng" - chị Thảo chia sẻ.
Nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của sàn Tiki Trần Ngọc Thái Sơn cho biết sự "ngạc nhiên" của nhiều vị khách khi nhận món hàng mua online được phục vụ nhanh chóng chính là một trong những thách thức của thương mại điện tử hiện nay.
"Thực tế không nhiều khách hàng nhận biết về sự tiện lợi của mua sắm thương mại điện tử cho đến khi có dịp được trải nghiệm. Ở đó, khách hàng có thể tìm thấy và quyết định chọn mua bất kỳ sản phẩm nào, hàng hóa sẽ được giao tận nơi mà khách hàng không cần mất thời gian đến cửa hàng và chờ đợi" - ông Sơn nói.
Thực tế, từ cuối năm 2017, sàn thương mại điện tử của VN đã thử đặt áp lực cho mình giao hàng trong hai giờ. Hiện nay Tiki đã "chấp luôn" kẹt xe để giao hàng trong vòng hai giờ và phần lớn khách hàng bị thuyết phục bởi dịch vụ này.
Rút ngắn thời gian giao hàng cho người mua được xem như một phần chất lượng dịch vụ mua hàng trực tuyến mà các nhà bán lẻ hướng tới để xây dựng lòng tin của người tiêu dùng.
Không chỉ Tiki, những sàn thương mại điện tử khác cũng có những tính toán khá kỹ cho chiến lược giao hàng càng nhanh càng tốt đến người tiêu dùng.
Thông thường, thời gian giao hàng của các sàn hiện nay là 1-3 ngày, không ít mặt hàng có thời gian giao hàng trễ lên tới bảy ngày như với hàng điện tử, điện gia dụng, mỹ phẩm... Nhưng giờ đây, một đơn hàng online hoàn toàn có thể được giải quyết trong vòng một giờ đồng hồ.
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng - phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử VN, trong khi niềm tin vào các giao dịch mua bán trực tuyến của người tiêu dùng Việt vẫn chưa thực sự cao thì những dịch vụ logistics, hoàn tất đơn hàng nhanh chóng, cam kết chất lượng hàng chính hãng là nền tảng cho thương mại điện tử VN phát triển trong thời gian tới.
Đến lựa chọn "ai nhiều hàng chính hãng" hơn
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử VN, 2018 được coi là năm sôi động nhất của kinh doanh trực tuyến với tốc độ tăng trưởng đạt trên 30%.
Hiện nay, có đến 67% người dùng Internet đã từng mua hàng trực tuyến ít nhất một lần. Tuy vậy, những rào cản về niềm tin thị trường thương mại điện tử VN vẫn đang còn, trong đó, các bài toán mà nhà kinh doanh thương mại điện tử đang đối mặt là chất lượng hàng hóa, dịch vụ sau bán hàng, hình thức thanh toán.
Những sàn thương mại như Tiki, Sendo, Thế Giới Di Động, Lazada, Shopee vốn đã lọt vào tốp 10 sàn thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á đều đang có những tính toán giữ chân khách hàng.
Nếu như Lazada tập trung vào phát triển hệ thống gian hàng chính hãng LazMall thì Tiki tự tin đứng sau tất cả sản phẩm được trưng bày trên sàn. Đó là lý do Tiki là đơn vị duy nhất có cam kết 111% bồi hoàn.
Trong khi đó, bên cạnh hợp tác với hàng chính hãng, Shopee cũng tăng công cụ sàng lọc, siết các chính sách đưa hàng lên sàn.
Theo dõi sự chuyển động của các sàn thương mại điện tử VN, giám đốc kinh doanh của một sàn nước ngoài cho rằng năm 2019 vẫn sẽ là thời điểm tất cả các trang thương mại điện tử lao vào cuộc chiến giành thị phần, và mỗi đơn vị sẽ có những chiến lược bí mật để thực sự bùng nổ.
Tuy vậy, có thể thấy sau thời gian chạy đua để lấy đơn hàng, từ đầu năm đến nay các sàn thương mại điện tử đang có vẻ như "trầm lại" để đầu tư hơn vào chất lượng dịch vụ.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng cho rằng những năm qua chứng kiến nhiều thông tin về dòng vốn vào thị trường thương mại điện tử VN. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2019 khi các sàn thương mại điện tử VN vẫn đang cần nguồn lực để đi tiếp cuộc đua này.
"Để hấp dẫn các nhà đầu tư, các sàn vẫn cần chứng minh với các quỹ đầu tư tiềm năng của thương mại điện tử VN, sự hài lòng của khách hàng với dịch vụ của họ.
Thị trường vì thế vẫn sẽ là những cuộc đua của khuyến mãi, hỗ trợ giá, nhưng bên cạnh đó, những doanh nghiệp khôn ngoan sẽ tập trung trải nghiệm khách hàng, tăng quản lý chất lượng hàng hóa trên sàn, ưu tiên hàng chính hãng" - ông Dũng khẳng định.
Theo ông Trần Ngọc Thái Sơn, giá có thể ấn tượng và nhanh chóng hấp dẫn người dùng. Tuy nhiên, trong dài hạn, điều khiến khách hàng ở lại với thương hiệu chính là tinh thần thực hiện cam kết về chất lượng hàng hóa.
"Trong một khảo sát nội bộ, chúng tôi nhận thấy bên cạnh yếu tố giá cả, khách hàng ngày càng quan tâm hơn đến trải nghiệm mua sắm, bao gồm chất lượng sản phẩm, tốc độ giao hàng nhanh và dịch vụ hỗ trợ khách hàng" - ông Sơn nói.
Thương mại điện tử VN lọt vào nhóm 6 thị trường lớn nhất thế giới
Nhân viên Tiki giao hàng cho khách ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM chiều 18-3 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo số liệu của Statista, tổng doanh thu ngành thương mại điện tử VN trong năm 2018 đã tăng 29,4% so với năm ngoái, trong khi số lượng khách mua hàng trên trang thương mại điện tử đạt 49,8 triệu người, chính thức lọt vào tốp 6/10 thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới.
Hiệp hội Thương mại điện tử VN cho biết doanh thu ngành thương mại điện tử VN năm 2018 đạt khoảng 8 tỉ USD, tăng xa so với doanh thu năm 2016 và 2017 lần lượt đạt mức 5 tỉ USD và 6,2 tỉ USD, tăng trưởng lần lượt 20% và 24%.
Theo dự báo đến năm 2020, thương mại điện tử VN có thể đạt 13-15 tỉ USD, bỏ xa con số dự đoán trước đó là 10 tỉ USD. Sức hấp dẫn của thị trường này khiến cuộc cạnh tranh trên thị trường thương mại điện tử không chỉ là cuộc đua "đốt tiền" mà còn là công nghệ, chiến lược lấy lòng người tiêu dùng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận