17/09/2024 08:01 GMT+7

Đưa dân ra khỏi vùng nguy hiểm

Là tâm điểm các đợt mưa bão lớn tại miền Trung, nhiều năm qua cùng với việc hỗ trợ xây "hầm" tránh bão, chòi cao tránh lụt, Quảng Nam cũng thực hiện đồng loạt dự án đưa dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Đưa dân ra khỏi vùng nguy hiểm - Ảnh 2.

Các làng tái định cư tránh sạt lở ở Tây Giang, Quảng Nam - Ảnh: B.D.

Theo thống kê, toàn tỉnh Quảng Nam từng có khoảng 13.000 hộ dân sống trong vùng có nguy hiểm, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét.

Thực hiện đề án di dân tái định cư vùng bão lũ, từ năm 2015 đến nay toàn tỉnh đã đưa được hơn 7.000 hộ tới nơi an toàn.

Mấu chốt là vận động cộng đồng, bà con trồng rừng, bảo vệ rừng. Mấy năm gần đây ở Quảng Nam cho thấy lũ về từ từ chứ không ồ ạt như trước đây. Mùa hè thì cạn nước nhưng không khánh kiệt. Điều này nhờ một phần là còn rừng.

Ông HỒ QUANG BỬU (phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam)

Những ngôi làng an toàn

Tại Quảng Nam năm 2020, Trà Leng là cái tên gây đau xót bởi nóc Ông Đề bị vùi dưới sạt lở núi. 10 người tử vong, 15 nhà bị vùi lấp và hàng chục người tới nay vẫn còn nằm dưới lòng đất.

Cũng như các xã khác ở Nam Trà My, đất đai ở Trà Leng rộng mênh mông nhưng tìm ra được một mặt bằng đủ để dựng làng là điều gian nan.

Diện tích 99% là đồi núi, người dân sống bám vào các chân đồi để dựng nhà. Trước đây rừng già che chắn các ngôi làng, thiên tai cũng chưa đe dọa con người như bây giờ.

Năm 2020 nóc Ông Đề gặp thảm họa. Câu chuyện của người sống sót thúc giục chính quyền phải tìm giải pháp căn cơ lâu dài.

Để ổn định cuộc sống, chính quyền đã thống nhất với người có uy tín chọn khu đất đẹp ở gần trung tâm xã để tái định cư. Dân mất nhà được đưa về làng mới, được kéo điện, làm nhà, xây dựng kè chống sạt lở kiên cố. Từ đó tới nay người dân dần nguôi đi mất mát, gầy dựng lại làng mạc.

Nhiều năm qua kế hoạch di dời dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở được chính quyền tỉnh Quảng Nam đốc thúc gấp rút. Mỗi hộ gia đình được xen kẽ các nguồn kinh phí để hỗ trợ tổng cộng 125 triệu đồng khi di dời nhà đến nơi an toàn. 

Tỉnh sẽ chọn mặt bằng với sự thống nhất của các già làng. Người dân được vận động, giải thích để chuyển dời đi. 

Quan trọng nhất là khâu hậu di dời, bà con được hỗ trợ sinh kế, cấp phát giống, bố trí các nơi sản xuất và đi liền với việc xây dựng hệ thống cơ sở vật chất cơ bản tại nơi ở.

Địa phương đi đầu ở Quảng Nam trong việc sắp xếp dân cư, đưa các làng ra khỏi vùng sạt lở là huyện Tây Giang. Năm 2003 từ khi thành lập, huyện Tây Giang đã đưa mục tiêu di dời hơn 100 ngôi làng nằm cheo leo ở lưng chừng núi ra các bãi đất bằng. 

Tới nay cơ bản các hộ dân đã được tái định cư. Trong bối cảnh mưa lũ gây thiệt hại khắp nơi, hằng năm huyện Tây Giang vẫn là địa phương ít có những vụ sạt lở hoặc lũ quét gây thiệt hại diện rộng. 

Các ngôi làng mới đã tách hẳn vùng nguy hiểm, người dân ăn ngủ êm ấm trong suốt mùa mưa bão.

Lên các huyện vùng cao Quảng Nam hiện nay thấy nhiều ngôi làng đã được di dời về gần hơn các khu trung tâm. Ở nơi đó dân không còn nơm nớp lo sợ, bất an như trước đây. 

Tuy vậy do số lượng dân cư sống ở các nóc làng hẻo lánh quá nhiều nên hiện tại vẫn còn hàng ngàn hộ chưa được di dời, dễ thấy nhất là ở huyện Nam Trà My.

Đưa dân ra khỏi vùng nguy hiểm - Ảnh 3.

Làng tái định cư A Banh 1, 2 ở huyện Tây Giang tới nay đã giúp bà con an tâm qua mùa mưa bão - Ảnh: B.D.

Triển khai cấp tập nhiều năm qua

Theo ông Hồ Quang Bửu - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, việc di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm trong kế hoạch ứng phó thiên tai trên toàn tỉnh được triển khai cấp tập nhiều năm qua.

Theo chủ trương chung, ở vùng đồng bằng ngoài việc hỗ trợ dân kiên cố hóa nhà cửa thì mỗi gia đình ở vùng biển được hỗ trợ một khoản tiền để xây một khu vực tránh bão kiên cố. Đó có thể là hầm bê tông, là nhà tắm được gia cố vững chãi rộng từ 7-9m2 đủ để một gia đình tránh trú khi có bão lớn đổ bộ.

Với vùng ngập lụt, cộng đồng cũng được bố trí nơi tránh trú ở các nhà kiên cố; người dân được hỗ trợ chi phí xây các gác xép đủ cao để tránh lụt lớn. 

Tốn kém và quy mô nhất, tới nay đề án di dời sắp xếp dân cư các vùng lũ quét, sạt lở vẫn đang được ưu tiên làm ở các huyện vùng cao. 

Theo ông Bửu, tới nay đã có hàng chục ngàn hộ được bố trí tái định cư, đưa ra nơi an toàn và ổn định cuộc sống. Các khu vực này qua nhiều năm cho thấy bà con an toàn sau mỗi mùa mưa bão.

Để có nguồn kinh phí di dân bố trí tái định cư, Quảng Nam một phần trích ngân sách, một phần kêu gọi xã hội hóa, phần còn lại người dân đóng góp vào. 

Chính quyền ra sức vận động, giải thích để bà con hiểu rõ việc phải di dời nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản. Gắn liền với cộng đồng là các già làng, người có uy tín.

"Mỗi người dân cùng với Nhà nước phải chủ động đi tìm chỗ, xen ghép dân cư. Chỗ nào có nguy cơ sạt thì phải chủ động di dời ngay chứ không đợi tới sạt lở rồi mới đi tìm. Mấu chốt là vận động cộng đồng, bà con trồng rừng, bảo vệ rừng. 

Mấy năm gần đây ở Quảng Nam cho thấy lũ về từ từ chứ không ồ ạt như trước đây. Mùa hè thì cạn nước nhưng không khánh kiệt. Điều này nhờ một phần là còn rừng" - ông Bửu nói.

Cũng theo ông Hồ Quang Bửu, sự chủ động ứng phó luôn quyết định đến việc giảm thiểu thiệt hại. 

Chính quyền phải tăng cường vận động, tuyên truyền cảnh báo cho người dân hiểu rõ sự nguy hiểm của biến đổi khí hậu, từ đó đưa ra các giải pháp phòng chống ứng phó. Trong trường hợp mưa bão đặc biệt lớn thì phải lên kế hoạch ứng phó để giảm nhẹ thiệt hại.

Phải ứng phó lâu dài

Ông Hồ Quang Bửu cũng cho rằng với diễn biến dị thường như thời tiết hiện nay thì chống là điều không thể. Lúc này các địa phương, bộ ngành phải tham mưu cho Chính phủ ban hành một đề án phòng chống thiên tai quốc gia đủ tầm, cụ thể cho từng vùng, từng miền. Nếu không có thì cứ bị động.

"Nếu để thiên tai vào tới đâu rồi ứng phó tới đó thì mất mát quá lớn, cả con người lẫn nguồn lực xã hội. Chúng ta phải có đề án đủ tầm, đầu tư xứng đáng để ứng phó lâu dài chứ không thể chạy theo miết" - ông Bửu nói.

Đảm bảo thông tin liên lạc, điện, nước sạch

Đúc rút từ kinh nghiệm thực tế ở Quảng Nam, ông Hồ Quang Bửu cho biết dù có nhiều trận bão, lụt và sạt lở đất lớn nhưng việc đảm bảo thông tin liên lạc, điện, nước sạch luôn được làm kịp thời. Một khi mất thông tin, mất kết nối thì hậu quả sẽ gia tăng.

"Trước các đợt thiên tai Quảng Nam luôn yêu cầu các doanh nghiệp dự phòng nguồn điện. Với thông tin liên lạc, khi đứt cáp quang thì phải có hệ thống truyền dẫn thay thế.

Các trạm phát sóng trung tâm phải có nguồn điện và luồng truyền dẫn dự phòng. Nhân lực phải túc trực để cắt điện, mất sóng tới đâu thì khôi phục tới đó.

Thông tin liên lạc vệ tinh phải thông suốt để người dân và Nhà nước kết nối được với nhau mà tổ chức cứu hộ, ứng phó" - ông Bửu nói.

Đưa dân ra khỏi vùng nguy hiểm - Ảnh 3.Kinh nghiệm chống chọi với những cơn bão dữ của dân miền Trung

Miền Trung, mảnh đất đã trải qua rất nhiều cơn bão dữ từ xưa đến nay, dường như người dân đã quen với cảnh "sống chung với bão". Mỗi khi bão đến, dân quê tôi đã có nhiều cách chống chọi để giảm thiểu thiệt hại, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên