16/11/2021 20:00 GMT+7

Dù lương cao, nhân lực ngành hàng hải vẫn lo thiếu

T.D.V - THU DUNG
T.D.V - THU DUNG

Đó cũng là nội dung thảo luận trong buổi Toạ đàm 'Hành trình vươn ra biển lớn, cơ hội và thách thức đối với ngành vận tải biển' do Trường Cao đẳng Hàng hải II tổ chức ngày 16-11.

Lương từ 18 đến hơn 200 triệu đồng/tháng

Tại buổi tọa đàm, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp vận tải biển hàng đầu khẳng định, hiện nay vận tải biển Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ cho ngành dự báo tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.

Ông Trương Thanh Dũng - Hiệu Trưởng Trường Cao đẳng Hàng Hải II cho biết, trải qua 45 năm, nhà trường đã đào tạo 45.120 sinh viên, huấn luyện 16.230 sỹ quan, thuyền máy trưởng, sỹ quan hàng hải, trở thành một trong nhưng đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực. Đến nay, Bộ GTVT cũng chấp thuận cho trường được thực hiện các khóa đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng hạng nhất, ngang tầm với các trường đại học trong ngành…

Mức lương cho lao động ngành cao, nhưng "nghề biển" vẫn trong tình trạng thiếu thuyền viên, tuyển dụng gặp nhiều khó khăn. Công tác tuyển sinh còn khó khăn, tỷ lệ sinh viên được đào tạo ra trường chưa đủ đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp. Đây là bài toán đặt ra cho nhà trường, doanh nghiệp vận tải biển.

Dù lương cao, nhân lực ngành hàng hải vẫn lo thiếu - Ảnh 1.

Ông Trương Thanh Dũng trao đổi tại buổi tọa đàm - Ảnh: T.D

Đại diện Công ty Hưng Phát chia sẻ đang quản lý và khai thác một đội tàu đa dạng chủng loại dầu thô, hóa chất, nhu cầu nhân lực lớn, trong khi tuyển dụng khó. Đơn vị buộc phải sử dụng nguồn lao động nước ngoài với mức lương cao gấp 1,5 lần đến 2 lần và gặp các vấn đề do bất đồng ngôn ngữ ảnh hưởng quá trình làm việc.

Ông Võ Dũng - Đại diện công ty INLACO Saigon cho biết, trong khi dịch COVID-19 khiến nhiều ngành nghề tạm ngưng, ngành hàng hải lại tăng lương. Thực tế sinh viên mới ra trường đã có mức lương gần 20 triệu đồng, 10 năm sau trưởng thành nghề thì lương hơn 10.000 USD.

"Với tiềm năng sẵn có như vậy, chúng tôi mong rằng về phía nhà trường sẽ có thêm những chính sách thu hút học viên, đẩy mạnh đào tạo cung ứng nguồn lao động chất lượng phục vụ sự phát triển của ngành vận tải biển nước ta", ông Dũng nói.

Dù lương cao, nhân lực ngành hàng hải vẫn lo thiếu - Ảnh 2.

Đại diện các doanh nghiệp thảo luận về câu chuyện thiếu nhân lực ngành vận tải biển - Ảnh: THU DUNG

Nỗ lực giải quyết thiếu hụt

Trước thực tế trên, ông Trương Thanh Dũng cho biết, phía trường cũng đang phối hợp cùng các doanh nghiệp để tìm ra giải pháp, cơ chế chính sách để gắn kết Cung – Cầu trong đào tạo nhân lực hàng hải. Mô hình hợp tác doanh nghiệp – nhà trường – sinh viên được đẩy mạnh để thông qua đó cho học viên thấy rõ cơ hội việc làm, chế độ lương, tiềm năng phát triển khi ra trường.

Nhà trường đã ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác các công cụ truyền thông và mạng xã hội vào công tác tuyên truyền, tư vấn và làm công tác tuyển sinh...nâng cao chất lượng, trình độ cho học sinh, sinh viên. Đặc biệt, trường nỗ lực ứng dụng mô hình đào tạo quốc tế để sinh viên ra trường dễ dàng thích nghi, đáp ứng được yêu cầu quốc tế.

Ông Dũng kỳ vọng, mọi thế hệ sinh viên trường rồi sẽ trưởng thành và là những thuyền trưởng, máy trưởng giỏi, đủ khả năng đưa vận tải biển trong nước hội nhập với thế giới.

Dù lương cao, nhân lực ngành hàng hải vẫn lo thiếu - Ảnh 3.

Sinh viên trường bày tỏ mong muốn được biết rõ hơn tiềm năng ngành vận tải biển - Ảnh: THU DUNG

Bạn Nguyễn Hoàng Luân – Lớp điều khiển tàu biển quốc tế của trường cũng mong muốn, sắp tới đây, trường tạo điều kiện để học viện được tiếp cận thực tế, làm việc với doanh nghiệp nhiều hơn để quen dần với nghề, hiểu hơn về tiềm năng ngành. Điều này là động lực to lớn để sinh viên không ngừng phấn đấu, góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực vận tải biển hiện nay.

T.D.V - THU DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên