18/04/2014 21:03 GMT+7

Dư luận quốc tế thông cảm với VN

HUY ĐĂNG
HUY ĐĂNG

TT - Ông Husain Al Musallam, tổng giám đốc kiêm giám đốc kỹ thuật của Hội đồng Olympic châu Á (OCA), tán thành quyết định rút quyền đăng cai Asiad 18 của VN.

Ngoài ra, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cũng chia sẻ với quyết định rút lui của VN.

Trong email gửi đến Hãng tin Tân Hoa xã (Xinhua News), ông Musallam đưa ra ý kiến: “OCA đã nhận thức về điều này trong thời gian qua. Đây là điều tốt nhất mà VN có thể làm trong tình hình hiện nay”. Ông Musallam còn nói thêm: “VN đang rất nỗ lực cho Đại hội thể thao bãi biển châu Á 2016 (Asian Beach Games) và sự kiện này chắc chắn sẽ thành công”.

IOC hiểu nguyên nhân VN rút lui

Ngày 18-4, nhiều hãng thông tấn thế giới như AFP, Reuters, AP, Tân Hoa xã... đã đăng tin về việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra quyết định rút quyền đăng cai Asiad 18. Nhận định về điều này, Hãng tin Reuters dẫn lời ông Randhir Singh - tổng thư ký của OCA: “Chúng tôi chỉ mới nghe về thông tin này và đang chờ thông báo chính thức từ Ủy ban Olympic VN. Khi nhận được thông báo chính thức, chúng tôi mới có thể bình luận về chuyện này. Vẫn còn quá sớm để nói đến quốc gia đăng cai mới cho Asiad 18. Trước tiên phải chờ đợi xác định chính thức từ VN”.

Trong khi đó, ông Ng Ser Miang, phó chủ tịch IOC, cho biết ông hoàn toàn thông cảm với quyết định rút quyền đăng cai Asiad 18 của VN. Hãng tin Reuters dẫn lời ông Ng Ser Miang: “Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, quyết định này đến từ việc VN chịu ảnh hưởng của cơn suy thoái kinh tế toàn cầu nên không thể tổ chức tốt Asiad. Dù khá bất ngờ nhưng tôi hoàn toàn hiểu nguyên nhân này”.

Bên cạnh đó, vị phó chủ tịch IOC người Singapore còn cho biết đất nước ông khó lòng thay thế VN trong việc đăng cai Asiad 18. Ông nói: “Thời gian chỉ còn năm năm. Chúng tôi đang đặt toàn bộ nguồn tài lực và năng lượng cho việc tổ chức kỳ SEA Games 2015 nên việc tổ chức Asiad 2019 nằm ngoài khả năng của Singapore”.

Phía Indonesia, quốc gia từng chạy đua với VN để giành quyền đăng cai Asiad 18 cách đây hai năm, cũng tỏ ra lo ngại về khả năng thay thế. Bà Rita Subowo, chủ tịch Ủy ban Olympic Indonesia, nói với Hãng tin Reuters qua điện thoại: “Chúng ta cần nhận thức rằng ngân sách tổ chức một sự kiện như vậy sẽ phải khác với tình hình hiện tại. Chính phủ Indonesia có thể sẵn sàng tiếp nhận, nhưng còn thành phố tổ chức thì sao? Chúng tôi rất vui vì thành phố Surabaya sẽ đăng cai Đại hội thể thao trẻ châu Á 2021 (Asian Youth Games) nhưng chúng tôi cần thảo luận kỹ về Asiad 18 diễn ra năm 2019”.

Hàn Quốc và Singapore từng rút lui vì khó khăn

Trước VN, đã có hai lần đất nước chủ nhà phải xin rút quyền đăng cai Asiad vào các năm 1970 (Hàn Quốc) và 1978 (Singapore). Thời gian đã chứng minh đó là các quyết định sáng suốt của Hàn Quốc và Singapore.

Năm 1966, Hàn Quốc giành được quyền đăng cai Asiad 1970 nhưng ngay thời điểm đó, giới truyền thông nước này đã lên tiếng cảnh báo về tình hình kinh tế khó khăn của Hàn Quốc và sự căng thẳng với CHDCND Triều Tiên sẽ gây cản trở cho việc tổ chức Asiad. Và năm 1968, Hàn Quốc đã phải thông báo với AGF (Asian Games Federation - tổ chức chịu trách nhiệm tổ chức Asiad khi đó, sau này được thay thế bởi OCA) về việc họ xin rút quyền đăng cai với lý do không đảm bảo an ninh.

Quyền tổ chức khi ấy được trao cho Thái Lan, quốc gia đã đăng cai thành công kỳ Asiad 1966 trước đó. Do có sẵn cơ sở hạ tầng, yêu cầu Thái Lan đưa ra khi ấy cho AGF và Hàn Quốc chỉ là nguồn kinh phí để tổ chức, dự kiến khoảng 500.000 USD. Theo tác phẩm Thể thao, chủ nghĩa dân tộc và văn hóa phương Đông (Sport, Nationalism and Orientalism) của một nhóm các nhà nghiên cứu châu Á, đã có 12 quốc gia tham gia đóng góp và Hàn Quốc đóng nhiều nhất với 250.000 USD trong tổng số 412.000 USD thu được.

Hơn mười năm sau lần đổ vỡ này, Hàn Quốc cuối cùng cũng đứng ra đăng cai kỳ Asiad đầu tiên của mình vào năm 1986. Thời điểm đó, nền kinh tế Hàn Quốc đã thật sự phát triển mạnh sau nhiều năm đi theo mô hình do cố tổng thống Park Chung Hee đặt ra. Kết quả, họ đăng cai thành công Asiad Seoul 1986 và ngay sau đó là kỳ Olympic 1988. Không những vậy, Hàn Quốc còn vươn mình trở thành một cường quốc của làng thể thao thế giới sau thời điểm đó và tiếp tục đăng cai Asiad thêm hai lần vào năm 2002 (Busan) và 2014 (Incheon). Rõ ràng việc hủy quyền đăng cai Asiad năm 1970 đã không để lại một hậu quả nào đối với nền thể thao cũng như kinh tế của Hàn Quốc.

Sau Hàn Quốc là Singapore, quốc gia xin rút quyền đăng cai Asiad 1978 và quốc gia đứng ra cứu vãn tiếp tục là Thái Lan. Một cuộc quyên góp cho kinh phí tổ chức từ các nước thành viên của AGF tiếp tục diễn ra nhưng lần này Singapore chỉ phải đóng 10.000 USD trong tổng số 2,48 triệu USD thu được.

Theo tác phẩm Lý Quang Diệu: những năm tháng khó khăn của nhà báo Alex Josey, thủ tướng Lý Quang Diệu khi ấy rất khuyến khích việc phát triển thể thao. Nhưng ông đưa ra chính sách Singapore sẽ không nỗ lực chạy đua trong các kỳ đại hội thể thao mà tập trung phát triển mạnh thể thao học đường và biến thể thao trở thành một hoạt động mang tính giải trí của cộng đồng.

Quan điểm của vị thủ tướng họ Lý được kế thừa khi nhiều thập niên sau đó Singapore vẫn chưa bao giờ đứng ra xin đăng cai một kỳ đại hội thể thao tầm cỡ châu lục nào. Thay vào đó, họ lại nhắm đến việc tổ chức lâu dài các sự kiện thể thao đẳng cấp thế giới mang tính quảng bá mạnh, đó là hệ thống giải đua xe Công thức 1 (từ năm 2008) và giải quần vợt nữ WTA Championships (từ năm 2014). Nhờ việc tổ chức các sự kiện này, ngành du lịch của Singapore hưởng lợi với sự xuất hiện của các dịch vụ liên quan đến thể thao những năm gần đây. Trong khi đó, dù đã tổ chức Asiad đến bốn lần nhưng “du lịch thể thao” vẫn là một khái niệm hoàn toàn xa lạ với Thái Lan.

[box]Thời gian chỉ còn năm năm. Chúng tôi đang đặt toàn bộ nguồn tài lực và năng lượng cho việc tổ chức kỳ SEA Games 2015 nên việc tổ chức Asiad 2019 nằm ngoài khả năng của SingaporeÔng Ng Ser Miang[/box]

[box]VN sẽ bị phạt 1 triệu USD?

Một vài nguồn tin nói VN sẽ bị OCA phạt 1 triệu USD (khoảng 22 tỉ đồng) vì rút lui không tổ chức Asiad 18. Tuy nhiên, hiện OCA vẫn chưa đưa ra bất cứ tuyên bố nào liên quan đến những hình phạt mà VN có thể gánh chịu. Các tài liệu của OCA mà chúng tôi tham khảo cũng không đề cập chuyện quốc gia xin rút lui không tổ chức Asiad phải gánh chịu hình phạt nộp tiền.[/box]

[box]Không có gì xấu hổ khi rút  đăng cai Asiad 2019”

Ngày 18-4, Tuổi Trẻ đã nhận được 131 ý kiến của độc giả và hầu hết đều ủng hộ quyết định không tổ chức Asiad 18 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

* Tình hình kinh tế và đời sống của người dân còn quá khó khăn, cơ sở vật chất và an sinh xã hội vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Người dân như tôi rất cảm ơn Chính phủ và Thủ tướng vì đã lắng nghe lòng dân. Không có gì xấu hổ khi rút đăng cai Asiad 2019 mà là dũng cảm chấp nhận sự thật, sẽ còn rất nhiều cơ hội khác trong việc quảng bá VN với thế giới. 

ngoclinh19vn...

* Đất nước đang quá khó khăn về kinh tế, các công trình phúc lợi, an sinh xã hội không đầy đủ, lực lượng VĐV có thành tích (so với châu lục) kém nên việc rút và đăng cai vào một thời điểm khác là phù hợp với tình hình hiện nay. Cảm ơn Thủ tướng đã có quyết định sáng suốt.

Đỗ Anh Tú

* Hàng triệu người VN luôn có tinh thần thể thao và luôn tự hào khi được đăng cai một sự kiện thể thao mang tầm khu vực. Song như Thủ tướng đã nói: “Vấn đề là thời điểm tổ chức vào lúc này là chưa phù hợp”. Cảm ơn người đứng đầu Chính phủ đã có một quyết định đúng, hợp lòng dân.

Trần Xuân Thông

* Dù có bị Hội đồng Olympic châu Á phạt tiền thì chúng ta vẫn ít tốn kém tiền của hơn là tiếp tục tổ chức đăng cai Asiad. [/box]

HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên