Ngày 21-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và thảo luận nội dung các báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN, đấu tranh phòng chống tội phạm năm 2016; báo cáo công tác của chánh án TAND tối cao, viện trưởng Viện KSND tối cao...
Tham nhũng “ổn định” nhưng phát hiện lại giảm dần
Ủy ban Tư pháp cho rằng trong những năm gần đây, Chính phủ đánh giá về tình trạng tham nhũng dường như không có gì thay đổi: “Tình hình tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và chưa bị đẩy lùi”.
Điều đáng nói là “công tác giải quyết tố giác, tin báo, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng đều giảm so với cùng kỳ năm 2015 và không đạt chỉ tiêu theo nghị quyết của Quốc hội. Trong ba năm gần đây, số vụ án tham nhũng được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử giảm dần. Hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ án tham nhũng nhỏ ở cấp xã...”.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu: “Tôi đọc thì thấy báo cáo của Chính phủ có những đánh giá rất tốt. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được đẩy mạnh thực hiện, thường xuyên được rà soát, đánh giá, điều chỉnh phù hợp hơn đã ngày càng phát huy hiệu quả... nhưng cuối cùng kết luận công tác PCTN vẫn chưa đạt yêu cầu.
Tại sao lại mâu thuẫn như vậy? Nói là Chính phủ liêm chính thì bản báo cáo này phải thể hiện được nội hàm liêm chính như thế nào để từ nay đến cuối nhiệm kỳ còn có đánh giá”.
Tội phạm hoành hành, dân bất an
“Tình trạng vi phạm pháp luật phổ biến, đa dạng, phức tạp. Nhiều đồng chí băn khoăn với đánh giá này nhưng theo chúng tôi, đây là nhìn nhận đúng, hợp lý. Chúng ta cần phải nhìn nhận thẳng vào tình hình như vậy” - thượng tướng Tô Lâm, bộ trưởng Bộ Công an, phát biểu.
“Trong các nguyên nhân thì việc xây dựng luật pháp có quy định cũng chưa phù hợp, rất băn khoăn. Ví dụ như quy định ăn cắp phải từ 2 triệu đồng trở lên mới bị xử lý hình sự. Vì vậy nhiều trường hợp ăn cắp, ăn trộm chỉ 1,8-1,9 triệu đồng đưa lên công an phải thả về vì không được giữ người” - Bộ trưởng Tô Lâm phân tích.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Nguyễn Đức Hải nhận định, gần đây nổi lên những lĩnh vực có tội phạm rất đáng quan tâm như tội phạm về môi trường gây ảnh hưởng đến rất nhiều người, rồi tội phạm công nghệ cao đánh cắp tiền trong tài khoản ngân hàng... “Nhiều người đặt ra vấn đề trách nhiệm của các cơ quan quản lý, các đơn vị cung cấp dịch vụ. Tình trạng này khiến người dân cảm thấy hoài nghi, bất an. Vì vậy, dưới góc độ quản lý vĩ mô, cần đánh giá vấn đề này để hoàn thiện hệ thống luật pháp” - ông Hải kiến nghị.
Đề nghị kiểm tra các trường hợp bổ nhiệm người nhà Trình bày báo cáo của Ủy ban Tư pháp, Chủ nhiệm Lê Thị Nga nêu rõ: Công tác điều động, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua có một số trường hợp lạm dụng quy định để điều động, bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, là người trong gia đình, người thân; có trường hợp bổ nhiệm ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ; có trường hợp bổ nhiệm cả cán bộ có trách nhiệm trong việc làm thua lỗ, thất thoát lớn vốn, tài sản nhà nước. Thực tế này đang gây bức xúc, bất bình trong dư luận... Sự hài lòng của người dân đối với việc thực hiện trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức chưa được coi là tiêu chí, thước đo quyết định sự tồn tại và thăng tiến của cán bộ, công chức, viên chức, dẫn đến tình trạng trì trệ, thiếu động lực làm việc, thậm chí vòi vĩnh, nhũng nhiễu... Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ ghi nhận, xem xét kỹ các phản ảnh của đại biểu Quốc hội và cử tri, báo chí; chỉ đạo người có trách nhiệm kiểm tra và giải trình về các trường hợp cụ thể được phản ảnh, trên cơ sở đó Chính phủ đánh giá tổng thể thực trạng và đề ra giải pháp xử lý, khắc phục trong thời gian tới. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận