Khách du lịch vui chơi trên bãi tắm ở Nha Trang, Khánh Hòa - Ảnh: Châu Anh |
Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến các chuyên gia môi trường, dinh dưỡng về việc làm sao có một kỳ nghỉ vui vẻ, an toàn.
* Ông Trần Đình Lân (viện trưởng Viện Tài nguyên - môi trường biển):
Tắm biển ở các vùng ngoài khu vực ô nhiễm, tại sao không?
Viện chúng tôi cũng đang kiểm tra các mẫu nước, tảo, môi trường ở 4 tỉnh có cá chết bất thường. Mỗi mẫu phân tích phải tiến hành 3 lần để xác định thật chính xác nên chưa thể trả lời sớm. Nhưng trước mắt, tôi cho là tắm biển tại các vùng biển ngoài khu vực có cá chết bất thường, như Vũng Tàu, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quy Nhơn... là hoàn toàn không có vấn đề gì.
* TS Đường Văn Hiếu (trưởng khoa môi trường Đại học Khoa học Huế):
Cần đưa ra cảnh báo cho người dân
Khi đi tắm biển, ngoài những kỹ năng bơi lội, chống nắng, người dân cần hiểu biết về môi trường nước biển để tránh những hậu quả đáng tiếc về sức khỏe. Hiện nay, nhiều vùng biển trên thế giới đang tiềm ẩn một số rủi ro lớn gây ảnh hưởng đến sức khỏe như ô nhiễm kim loại độc, hay chất độc được giải phóng từ một số loài vi tảo...
Việc đưa ra các cảnh báo cho du khách, người đi biển về hiện trạng môi trường tại đó là hết sức cần thiết.
Trong trường hợp không có các cảnh báo, để tránh khỏi các vùng biển có chất lượng nước không an toàn cho sức khỏe chúng ta cần nhận biết một số dấu hiệu như: vùng nước có màu sắc khác thường (đỏ, nâu, nước màu cám, xanh lam đậm), khi tắm thấy ngứa, nóng rát mẩn đỏ ở da.
Sau khi ăn các loài thủy, hải sản, đặc biệt là ốc, hến, sò, nếu thấy các dấu hiệu như tê đầu lưỡi, đau đầu, chóng mặt, tiêu chảy, nôn mửa, đau bụng... cần đến ngay các cơ sở y tế để điều trị kịp thời.
* BS CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp (giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM):
Đừng tẩy chay thủy, hải sản
Trong dịp nghỉ lễ, du khách đi biển có thể ăn bất cứ thực phẩm nào mình thấy thích, đảm bảo cung cách dinh dưỡng bình thường. Nhất là thưởng thức các loại thủy, hải sản, chủ yếu như các loại cá, mực, cua, sò... Đây là các loại đặc sản miền biển, được đánh bắt lên còn tươi nên giá trị dinh dưỡng rất cao.
Tuy nhiên không nên ăn quá nhiều, mất cân đối với nhu cầu cơ thể. Một số trường hợp người mắc bệnh chuyển hóa, đặc biệt người bị bệnh gút, ăn toàn hải sản có tác động xấu đến bệnh lý.
Cần duy trì chế độ ăn ba bữa chính hằng ngày. Tùy theo lứa tuổi, tình trạng sức khỏe có thể ăn thêm một hoặc hai bữa phụ. Quan trọng, dù bất cứ loại thực phẩm nào du khách cũng cần chú ý đến an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nên ăn những thủy, hải sản có nguồn gốc rõ ràng, không nhiễm bệnh. Nhà hàng, quán ăn có giấy phép và các loại chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Để an tâm, mọi người có thể chọn những nhà hàng, quán ăn có thương hiệu.
Tại những vùng biển cá chết hàng loạt khi chưa biết nguyên nhân, việc tẩy chay ăn cá vô hình trung đang hại những nhà hàng, người dân làm ăn chân chính, có ý thức. Cá chết không rõ nguyên nhân đương nhiên không được ăn.
Nhưng có nhiều nhà hàng mua hải sản từ nơi khác về hoặc hải sản được đánh bắt từ lâu được đông lạnh dự trữ. Những loại hải sản này không có vấn đề gì.
Ngoài ra cơ quan chức năng cũng đã tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo cá chết không vào hệ thống buôn bán kinh doanh nên người dân phần nào yên tâm.
Người dân vùng biển đã rất nghèo khổ đừng nên tẩy chay thủy, hải sản hoàn toàn. Muốn chắc chắn, mọi người vẫn có thể yêu cầu nhà hàng cho xem loại thực phẩm mà nhà hàng chế biến, xem thực phẩm còn tươi sống hay không để yên tâm chọn lựa.
Trời nắng nóng, tránh để say nắng BS CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp - giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM - khuyến cáo đi biển tốt nhất không nên để say nắng. “Thời tiết ở biển nắng, trời nóng nên cơ thể bị mất nước. Do vậy để tránh bị say nắng và rối loạn điện giải, mọi người cần chú ý uống nước thường xuyên, nửa tiếng một lần. Tốt nhất là uống nước khoáng. Khi đi dạo trên biển nên đội mũ rộng vành, mặc áo dài tay. Đặc biệt không tắm biển giữa trưa, nhất là từ 11g-14g. Với người bị say nắng, cần đưa ngay vào bóng mát, tháo bớt quần áo cho nằm nghỉ, cho uống nước muối đường, nước oresol cung cấp điện giải, sau đó đưa đi cơ sở y tế gần đó” - bác sĩ Diệp tư vấn. |
Trao đổi về một số e dè của người dân về chuyện ăn cá biển, ông Nguyễn Thanh Phong - cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) - khẳng định việc hướng dẫn có ăn cá được hay không, cá nào nên ăn là nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) chỉ khuyến cáo đối với cá chết không rõ nguyên nhân để bảo vệ sức khỏe người dân. “Cục chúng tôi kiêm nhiệm tổ trưởng tổ công tác liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm, đã có văn bản gửi chánh văn phòng UBND 4 tỉnh từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên - Huế đề nghị tổ chức thu gom cá chết tránh ô nhiễm môi trường, đồng thời ngăn chặn tình trạng thu gom, mua bán cá chết làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Các địa phương cũng cần sẵn sàng vật tư, hóa chất, thuốc men đề phòng ngộ độc thực phẩm liên quan đến cá chết không rõ nguyên nhân” - ông Phong cho biết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận