Ảnh chụp các cặp đôi hôm 3-8-2014 tại khuôn viên American Club - nơi diễn Liên hoan bình đẳng giới Vietnam Pride Parade tại Hà Nội - Ảnh: Bloomberg |
Với mục tiêu thúc đẩy kinh tế tăng trưởng gần 7% trong 7 năm liên tiếp, Việt Nam đã miễn thị thực cho 7 nước châu Á và châu Âu từ ngày 1-1 để thu hút khách du lịch quốc tế - vốn đạt 7,9 triệu lượt trong năm 2014, tăng từ mức 7,6 triệu của năm 2013.
Trong năm 2013, ngành du lịch đóng góp 4,5% trong GDP, tạo ra 2,3 triệu việc làm - chiếm hơn 9% tổng số việc làm của cả nước.
Nghiên cứu từ Community Marketing Inc., Mỹ cho thấy có khoảng 29% trong cộng đồng LGBT Mỹ đi du lịch ít nhất 5 lần/năm. Cộng đồng này đóng góp 100 tỉ USD cho ngành du lịch của Mỹ nói riêng, 48% các hộ gia đình đồng tính có thu nhập hàng năm trên 75.000 USD. Thậm chí nhiều người trong số đó còn có thu nhập gấp đôi. "Du lịch đồng tính có xu hướng trở thành lá chắn cho suy thoái kinh tế", ông Goss nói. |
"Việt Nam đang thu hút sự quan tâm vì ngày càng thân thiện hơn với người đồng tính", giám đốc John Goss tại Utopia Asia nhận định. "Người đồng tính ở đây đã cởi mở hơn trước kia. Việt Nam không còn “xù lông” như các quốc gia Đông Nam Á khác, và điều đó sẽ tác động tích cực lên ngành du lịch quốc gia".
Chủ thương hiệu Gay Hanoi Tours - ông Nguyen Anh Tuan cho biết Việt Nam đã và đang đón dòng khách du lịch đồng tính nữ, đồng tính nam, lưỡng tính và chuyển giới (LGBT) quốc tế ngày càng tăng. Lượng khách đặt tour bên Gay Hanoi Tours đã tăng 50% trong năm 2014.
Với dân số khoảng 90 triệu người, Việt Nam có ít nhất 1,65 triệu người đồng tính thuộc độ tuổi 15-59, theo Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường ISEE.
Dù Việt Nam không công nhận hôn nhân đồng tính nhưng phó giám đốc Human Rights Watch châu Á Phil Robertson cho biết chưa một nước Đông Nam Á nào có bước tiến lớn trong vấn đề kết hôn đồng tính như Việt Nam.
Việt Nam trở thành nước dẫn đầu Đông Nam Á về việc bảo về quyền lợi của người đồng tính. Cụ thể, từ khi chính phủ quân sự Thái Lan lên nắm quyền vào tháng 5-2014, các nỗ lực xác định quyền đồng tính ở nước này đã bị đình trệ. Trong khi Campuchia, Myanmar và Lào đều không đưa vấn đề trên vào chương trình nghị sự.
Còn Philippines đang cân nhắc ban hành luật cấm, đồng thời Indonesia và Malasyia lại có "quan điểm phân biệt đối xử" với người đồng tính. Thậm chí những người đồng tính kết hôn ở Brunei còn có thể bị đòn roi và bỏ tù dài hạn.
Không xử phạt kết hôn đồng giới Nếu theo Luật hôn nhân và gia đình 2000 hiện nay, việc kết hôn giữa những người đồng giới bị cấm thì từ 1-1-2015, Luật hôn nhân và gia đình sửa đổi năm 2014 đã bỏ quy định “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính”. Tuy nhiên, Luật 2014 vẫn quy định “không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính" (khoản 2 Điều 8). Như vậy, những người đồng giới tính vẫn có thể lấy nhau, nhưng sẽ không được pháp luật bảo vệ khi có tranh chấp xảy ra. Không cấm nhưng không công nhận - đó là sự nhìn nhận bước đầu về hôn nhân giữa những người cùng giới tính của nhà nước ta. Cũng theo Luật hôn nhân và gia đình 2014, độ tuổi kết hôn của nam nữ phải là từ đủ 18 tuổi đối với nữ và đủ 20 tuổi đối với nam (trước đây chỉ ghi là nữ 18 tuổi, nam 20 tuổi). Luật cũng cho phép việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, tuy nhiên người mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ. |
Quan điểm của bạn nhìn nhận vấn đề kết hôn đồng giới như thế nào? Hãy gửi ý kiến của bạn vào ô Bình luận bên dưới. Tuổi Trẻ Online trân trọng cảm ơn ý kiến của bạn đọc. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận