Thứ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Huỳnh Vĩnh Ái, thứ trưởng cho rằng quy hoạch Sơn Trà nhằm quản lý và kiểm soát tốt hơn hoạt động đầu tư phát triển du lịch tại đây - ẢNH: V.V.TUÂN |
Cuộc tọa đàm về vấn đề Sơn Trà diễn ra sáng 30-5 nhưng các bên liên quan vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về việc có giữ nguyên hiện trạng bán đảo này hay không.
“Lắng nghe cầu thị các ý kiến”
Phát biểu mở đầu toạ đàm, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Huỳnh Vĩnh Ái cho rằng việc Thủ tướng ký ban hành quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà nhằm quản lý và kiểm soát tốt hơn hoạt động đầu tư phát triển du lịch tại bán đảo Sơn Trà.
Về kiến nghị về việc giữ nguyên hiện trạng, không xây mới các cơ sở lưu trú trên bán đảo Sơn Trà của Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, ông Ái nói rằng đây là một kiến nghị phức tạp, có nhiều quan điểm cần phải được xem xét thấu đáo.
“Nếu chấp thuận kiến nghị này thì việc xử lý các dự án đã được chấp thuận đầu tư tại Sơn Trà như thế nào? Phải chăng phải phá dỡ toàn bộ các công trình đang xây dựng dở dang và huỷ bỏ tất cả các dự án đã được phê duyệt? Giải pháp thoả đáng sẽ như thế nào?”, ông Ái đặt câu hỏi.
Theo ông Ái, toạ đàm này để cùng trao đổi, xem xét một cách khoa học, khách quan, thấu đáo về các kiến nghị nêu trên, đặc biệt là mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển cũng như quy mô phát triển du lịch và tổ chức thực hiện quy hoạch như thế nào để vừa bảo tồn, vừa phát triển, vừa đảm bảo an ninh quốc phòng.
“Chiến đấu” đến cùng vì Sơn Trà
Ông Huỳnh Tấn Vinh, chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, đưa nhiều luận điểm cho rằng chỉ tiêu phát triển du lịch đến năm 2030 Sơn Trà đón 4,6 triệu lượt khách với số lượng 1600 phòng khách sạn sẽ tác động đến môi trường.
Ông Vinh cũng quan điểm, sự phát triển này làm sự gia tăng lợi nhuận từ du lịch sẽ thúc đẩy xây dựng các khách sạn, nhà hàng; thu hẹp diện tích rừng, thu hẹp môi trường sống của động vật, tạo ra tiếng ồn làm giảm khả năng tìm kiếm thức ăn, chỗ trú; góp phần làm cạn kiệt tài nguyên; tác động đến loài vật như sâu bệnh từ người, thay đổi thói quen khi du khách cho thức ăn.
Theo ông Vinh, nếu quy hoạch Sơn Trà với mật độ xây dựng cao với khu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng sẽ phải đánh đổi hệ sinh thái nơi đây, đưa vọoc Chà vá vào danh sách tuyệt chủng và phá huỷ rạn san hô đẹp nhất VN và số tiền thu được sẽ vào túi một nhóm nhất định.
Còn khi giữ nguyên hiện trạng Sơn Trà, quản lý đa dạng tự nhiên theo phương thức bền vững, thì sẽ biến Sơn Trà thành điểm tham quan, du lịch sinh thái.
“Du khách sẽ đến Đà Nẵng để khám phá khu vực B, bán đảo Sơn Trà, nhưng sẽ ăn nghỉ tại khu vực A, TP Đà Nẵng”, ông Vinh nói.
“Chúng tôi không chọn bao nhiêu phòng, chúng tôi chọn bảo toàn nguyên vẹn vẻ tự nhiên của Sơn Trà và bảo toàn báu vật đó cho con em chúng ta mai sau. Tôi sẽ chiến đấu tới cùng vì Sơn Trà mà chúng tôi yêu thương”, ông Vinh khẳng định.
Ông Huỳnh Tấn Vinh, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, khẳng định chiến đấu đến cùng vì Sơn Trà - ẢNH: V.V.TUÂN |
Chọn nơi ít tổn thương để làm dự án
Đáp lại ý kiến của ông Vinh, ông Nguyễn Thành Tiến, phó chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng, khẳng định việc kiến nghị giữ nguyên hiện trạng Sơn Trà là chưa phù hợp.
Tuy nhiên, ông Tiến cho biết Đà Nẵng cũng ghi nhận kiến nghị của ông Vinh là hạn chế khai thác các dự án ở thềm bờ biển tiếp giáp với núi Sơn Trà để tránh nguy cơ phá huỷ rặng san hô ven bờ.
Ông Nguyễn Tấn Vạn, chủ tịch Hội kiến trúc sư VN, cho rằng hiện nay có quá nhiều nơi đang phát triển du lịch can thiệp thô bạo vào cảnh quan tự nhiên. Vì vậy, kiến nghị của ông Vinh cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc.
“Chúng ta không thể cấm việc xây dựng, nhưng thực trạng san ủi tại Sơn Trà vừa qua là phản cảm, không được sự đồng tình của dư luận. Chúng ta hoàn toàn có thể làm cho cảnh quan đó đẹp hơn mà không tàn phá tự nhiên”.
Theo ông Vạn nêu quan điểm không cấm xây dựng nhưng cách làm thế nào cho phù hợp là vấn đề cần bàn.
Ông Vũ Thế Bình, phó chủ tịch Hiệp hội du lịch VN, cũng nói rằng, bản Quy hoạch giảm từ hơn 5000 phòng xuống còn 1600 phòng là quyết định dũng cảm.
Ông Bình đề xuất, bên cạnh bản quy hoạch, cần có các quy định chặt chẽ kèm theo, đặc biệt là quy định về môi trường.
“Chúng ta hãy chọn nơi ít tổn thương đến môi trường nhất để làm dự án. Còn nếu nhà đầu tư nào không chấp thuận thì thôi không cần, chứ không thể cứ nhằm vào những chỗ cây cối xanh um để xây dựng”, ông Bình nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch một lần nữa khẳng định bản quy hoạch vừa được ban hành và công bố, hoàn toàn chưa được triển khai trên thực tế.
“Nếu không có bản quy hoạch này thì hơn 5000 phòng sẽ được triển khai xây dựng tại Sơn Trà. Vậy thì bản Quy hoạch này có công hay có tội?”, ông Tuấn đặt câu hỏi phản biện.
Tôi dừng, người ta sẽ phá Sơn Trà Bên lề tọa đàm, Tuổi trẻ trao đổi với ông Huỳnh Tấn Vinh, xung quanh việc liệu kiến nghị giữ nguyên hiện trạng Sơn Trà của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng (nơi ông Vinh đang làm chủ tịch) có liên quan tới lợi ích của Công ty cổ phần khu du lịch Bắc Mỹ An – Furama Resort Đà Nẵng (nơi ông Vinh đang làm tổng giám đốc) hay không. * Có ý kiến cho rằng phải chăng Furama sợ mất khách nên ông quyết tâm kiến nghị giữ nguyên trạng Sơn Trà? - Thứ nhất, tôi nói với tư cách là chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng. Thứ hai, khách đến Furama hiện nay vẫn đầy và đây là khách sạn giá tốt nhất. Hai việc này không xung đột lẫn nhau. Cũng có ý kiến cho rằng Furama có dự án ở Sơn Trà thì tôi khẳng định Furama không có dự án nào ở Sơn Trà. Thứ ba, nếu nói tôi làm vì tập đoàn Furama, xin nói rằng, các ông chủ của Furama có thông báo với tôi rằng tôi nên dừng lại vụ kiến nghị ở Sơn Trà, vì ảnh hưởng đến công ty. Tôi có trả lời rằng vì việc của Sơn Trà, tôi không thể dừng được. Bởi tôi dừng thì người ta sẽ phá Sơn Trà. Và tôi không thể phản bội lại 11.000 người đã ký tên ủng hộ kiến nghị bảo vệ Sơn Trà. Nếu các nhà đầu tư của Furama cảm thấy khó, tôi sẵn sàng nghỉ ở đây. * Ông nói gì về việc Furama cùng nhiều resort khác làm mất cảnh quan môi trường dọc ven biển từ Đà Nẵng đi Hội An? - Hoàn toàn không mâu thuẫn. Bởi Furama được bố trí ở những nơi dành cho du lịch và nghỉ dưỡng. Furama là dự án đầu tiên của VN về nghỉ mát ở ven biển. Đó là mô hình mẫu mà sau đó Hội An, Nha Trang... tham khảo để làm theo. Con đường Võ Nguyên Giáp từ Đà Nẵng đi Hội An nằm sâu trong bãi biển và phía trước con đường đó là toàn bộ dự án nghỉ dưỡng chứ không phải một mình Furama. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận