Con sếu (bìa phải) trở về Vườn quốc gia Tràm Chim 18 năm sau khi được đeo vòng khuyên và máy định vị - Ảnh: Nguyễn Văn Hùng |
Đó cũng chính là con sếu đầu đỏ mà vào ngày 14-3-1998, ông Hùng đã cùng các chuyên gia quốc tế và trong nước đã bắt, gắn máy định vị và đeo vòng số 150-0364 vào chân. Khi ấy con sếu này mới 3 tuổi.
Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy con sếu 1 năm tuổi là đã trưởng thành và bắt đầu quá trình tìm kiếm bạn đời. Sếu đầu đỏ có thể sống ngoài tự nhiên khoảng 30 tuổi, và có thể sống đến hơn 70 tuổi nếu nuôi nhốt |
Ông NGUYỄN VĂN HÙNG (giám đốc VQG Tràm Chim) |
Gặp lại “cố nhân”
Ngày 12-3, trời còn chưa sáng hẳn, ông Hùng đã sẵn sàng đầy đủ máy ảnh, ống kính với đồng phục ngụy trang đứng nép sẵn trong rặng tre bên bờ cỏ năng rộng hơn 1.000ha ngay giữa tiểu khu A1, trung tâm của vườn. Đây cũng chính là cánh đồng năng mà mỗi mùa xuân, sếu đầu đỏ lại tìm về đây kiếm thức ăn để rồi trở thành một biểu tượng của VQG này.
Đến trưa cùng ngày, theo hướng chỉ tay của ông Hùng, chúng tôi đã được “diện kiến” đàn sếu bốn con, trong đó có con sếu “18 năm trở về” giữa cánh đồng cỏ năng bạt ngàn của VQG Tràm Chim.
Xa xa, đàn chim chao lượn một vòng, đủ để ống kính 400 của ông Hùng chụp được một khoảnh khắc, rồi lại bay đi mất hút về phía rừng tràm. Vẫn chưa hết phấn khích khi chụp hình được chính con sếu mà mình đã từng ôm ấp, vỗ về cho ăn uống 18 năm trước, ông Hùng kể:
“Bữa đó tôi đi chụp cả ngày, tối về đổ ảnh ra xem thì thấy bức ảnh của con sếu có vòng khuyên, dù đã khá khuya nhưng tôi vẫn soạn ngay một bức thư cho ông Jeb Barzen, thành viên Quỹ Sếu quốc tế đang ở Mỹ, cùng với các tấm hình”.
Một ngày sau đó, ông Jeb Barzen đã có thư trả lời, xác định đó chính là vòng khuyên đỏ mang dòng số 150-0364, được chính ông đeo vào chân con sếu tại khu vực A4 ở VQG Tràm Chim vào ngày 14-3-1998.
Theo ông Hùng, đó là thời điểm Hội Sếu quốc tế, Viện Nghiên cứu điểu học hoàng gia Nhật Bản, Trung tâm nghiên cứu tài nguyên và môi trường (ĐH Quốc gia Hà Nội), ban quản lý VQG này cùng thực hiện dự án đeo vòng khuyên và đặt máy định vị để nghiên cứu về quá trình di chuyển và tập quán của sếu.
Tại thời điểm đó, ông Hùng đang là một chuyên viên, được tham dự trong đoàn gồm bảy người, trong đó có cả ông Jeb Barzen, cùng đi bắt sếu để gắn vòng khuyên và máy định vị.
“Lúc đó mỗi mùa xuân, đàn sếu về ăn tại đồng cỏ năng này có hơn cả trăm con. Chúng tôi phải mất một năm để chuẩn bị và gần cả tháng trời mới đặt xong được vòng cho bảy con sếu từ 3-5 tuổi, có cả đực và cái” - ông Hùng nhớ lại.
Những con sếu này được đặt các vòng nhựa mang màu sắc khác nhau, cùng với một vòng nhôm đánh số thứ tự, trong đó có bốn con được chính ông Hùng gắn máy định vị, sau đó được các thành viên trong đoàn thay phiên nhau chăm sóc trước khi thả chúng về lại môi trường.
Việc đặt máy định vị lúc bấy giờ đã giúp xác định được đường đi ăn hằng năm của sếu đầu đỏ, và phác họa được những bãi ăn ưa thích của chúng ở Việt Nam như Tràm Chim, Kiên Giang, Tây Ninh và trên đất Campuchia.
“Đến nay, con sếu này đã 21 tuổi nhưng nhìn vẫn không khác xưa là bao” - ông Hùng nói thêm.
Đeo vòng cho sếu để theo dõi - Ảnh: Đoàn Hồng |
Đề án từ con sếu trở về
Đây không phải là lần đầu tiên ông Hùng chụp được ảnh những con sếu đầu đỏ đã từng được gắn vòng khuyên để nghiên cứu. Năm 2006, ông Hùng cũng từng chụp được ba con sếu đầu đỏ có mang khuyên chân trong cùng một gia đình sếu đầu đỏ về ăn ở Tràm Chim.
10 năm trước, đàn sếu đầu đỏ về ăn ở Tràm Chim vẫn còn nhiều. Việc chụp những con sếu mang vòng khuyên lúc đó đối với ông Hùng chỉ là niềm vui khi con sếu đã không còn sang chấn tâm lý, trở lại ăn bình thường.
Nhưng lần này thì khác, những năm gần đây lượng sếu đầu đỏ trở về Tràm Chim mỗi mùa xuân đang có xu hướng giảm dần.
Từ tháng 1-2016 đến nay, ông Hùng chỉ mới ghi nhận được đàn sếu 15 con, gồm hai gia đình bốn con, hai cặp đực cái và một gia đình ba con trở về ăn ở cánh đồng năng giữa VQG Tràm Chim.
“VQG Tràm Chim là một khu ramsar, vùng nước ngập được bảo tồn gần như nguyên thủy. Và sếu đầu đỏ là biểu tượng nơi đây, nhưng việc đàn sếu đầu đỏ ngày càng ít đi đã khiến những người bảo tồn lo ngại” - ông Hùng nói.
Sinh ra và lớn lên ở vùng này, 26 năm làm công tác ở VQG Tràm Chim, ba lần có ý định phải bỏ nơi đây vì cuộc sống, cuối cùng ông Hùng vẫn còn trụ lại vì thấy mình thật sự là một phần của thiên nhiên nơi đây.
Việc gặp lại con chim 18 năm trước như giúp ông Hùng nhìn lại cả quãng đường cố gắng bảo tồn loài chim quý hiếm này.
“Việc phát hiện con sếu trở lại sau 18 năm có thể nói là một chuyện khá hi hữu, vì đã 10 năm rồi tôi không chụp được hình con sếu nào có đeo vòng khuyên trở về” - ông Hùng cho biết.
Điều đặc biệt hơn, theo ông Hùng, con sếu này còn có cả một gia đình mới với bốn thành viên và khỏe mạnh.
“Nó là động lực để tôi cùng những nhân viên VQG Tràm Chim cố gắng tiếp tục phấn đấu công tác bảo tồn cũng như tuyên truyền về ý thức bảo vệ thiên nhiên” - ông Hùng khẳng định.
Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng vẫn chưa thể nhận định gì mang tính khoa học về câu chuyện này, mà cần phải nghiên cứu thêm. Cũng theo ông, VQG đang phối hợp với Hội Sếu quốc tế và ĐH Khoa học tự nhiên xây dựng đề án nghiên cứu và phục hồi đàn sếu, hiện đang xin kinh phí địa phương.
Ngày 12-3, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Dương - chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho biết địa phương đã chính thức phê duyệt đề án này. Theo ông Dương, không riêng gì VQG Tràm Chim, thông tin con sếu đầu đỏ trở về sau 18 năm lưu lạc cũng đem lại một niềm vui cho những lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp.
“Sếu đầu đỏ là biểu tượng của VQG Tràm Chim và hình ảnh con sếu đầu đỏ trở về sau 18 năm lưu lạc sẽ giúp cho hình ảnh của VQG này trở nên đẹp hơn, hi vọng nó sẽ kéo thêm du khách về đây” - ông Dương nói.
* Ông Lê Hải Quang (Trung tâm nghiên cứu tài nguyên và môi trường, ĐH Quốc gia Hà Nội): Như được gặp lại bạn thân sau nhiều năm lưu lạc Từ Hà Nội, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Lê Hải Quang - cán bộ Trung tâm nghiên cứu tài nguyên và môi trường, ĐH Quốc gia Hà Nội, một trong bảy người tham gia việc đặt vòng khuyên và máy định vị của sếu đầu đỏ tại Tràm Chim năm 1998 - cũng không giấu được niềm vui khi cho biết: “Cả một tháng gian khổ ôm ấp, nuôi dưỡng, phục hồi sức khỏe cho con sếu đầu đỏ lại hiện ra trước mắt tôi. Sướng như khi gặp lại được một người bạn thân sau 18 năm xa cách vậy đó”. |
Góp phần thúc đẩy du lịch Anh Lê Hoàng Long - giám đốc Trung tâm du lịch và giáo dục môi trường VQG Tràm Chim - cho biết trong năm 2015, VQG đã đón 175.000 lượt khách đến tham quan, du lịch. Ngày đông nhất, vườn đã tiếp nhận và phục vụ hơn 5.000 lượt khách tham quan. “Việc con sếu đầu đỏ trở về sau 18 năm có thể sẽ giúp khách du lịch về thăm Tràm Chim tiếp tục tăng trong năm tới, bởi nó cho thấy môi trường tại đây đã được cải thiện hơn” - anh Long hi vọng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận