Một nhân viên “tự sướng” bằng máy ảnh của chị Kelly (chụp lại màn hình trang web mà chị Kelly đăng bài phản ánh) - Ảnh: L.N |
Bạn Nguyễn Thị Bích Trâm (Q.9, TP.HCM) bày tỏ cảm giác phẫn nộ khi cho rằng đến thời điểm này vẫn không có một sự tiến bộ nào trong việc bảo vệ du khách nước ngoài đến VN.
“Đã có nhiều vụ người VN đi nước ngoài và để lại ấn tượng xấu tại đó. Bây giờ khi người nước ngoài đến VN cũng lại thấy những hình ảnh không đẹp. Thử hỏi thế giới sẽ nhìn đất nước ta dưới con mắt như thế nào đây?”, bạn Trâm bức xúc.
Bạn đọc Nguyễn Duy Hy nêu: Đây chính là nguyên nhân mà du khách nước ngoài một đi không trở lại. Ngành du lịch phải mạnh tay hơn nữa, loại bỏ triệt để bọn vô văn hóa này khỏi địa bàn để tạo dựng uy tín thì mới tính đến chuyện phát triển du lịch. Cảnh quan thì quá đẹp, còn cách hành xử của ngành du lịch thì quá xấu.
Một tiếng nói xấu có thể đánh đổ công sức gầy dựng hình ảnh bao năm
Chị Nguyễn Thị Thu, một hướng dẫn viên du lịch, chia sẻ: “Người bình thường nếu có những hành động như vậy đã gây một hình ảnh không tốt đối với du khách rồi huống hồ gì lại là một hướng dẫn viên du lịch. Tôi cảm thấy xấu hổ”.
Ông Hồ Thế Sơn, tổng giám đốc công ty Nguyên Tâm, chủ dự án Dấu ấn văn hóa, một dự án chuyên về ngành du lịch, cũng khẳng định: “Trong thời đại công nghệ thông tin mạnh mẽ như bây giờ, một tiếng xấu cũng đã có thể đánh đổ công sức gây dựng hình ảnh của cả nền du lịch".
Bạn Bích Trâm đề nghị nên sớm thành lập một tổ chức bảo vệ du khách để tình trạng này không bị lặp lại. “Ở nước ngoài có rất nhiều luật đảm bảo quyền lợi của du khách. Ví dụ như đội ngũ cảnh sát du lịch của Thái Lan. Tại sao chúng ta không có những hình thức đó?”, bạn Trâm nêu ý kiến.
Anh Hồng Văn Lợi, hướng dẫn viên du lịch công ty Vietravel lại đặt vấn đề về đào tạo nhân sự cho ngành du lịch.
“Nguồn nhân lực cho ngành du lịch hiện nay đang rất thiếu. Phần lớn hướng dẫn viên tại điểm du lịch đều không qua đào tạo chính quy mà là dân địa phương. Về năng lực chuyên môn và kỹ năng chăm sóc khách hàng họ đều chưa vững. Thêm vào đó họ còn có tâm lý khách nước ngoài có nhiều tiền và không hiểu tiếng Việt nên thường đòi tiền hoặc vòi vĩnh quyền lợi”, anh Lợi cho biết.
Nên có hành lang pháp lý bảo vệ du khách
Tiến sĩ Lý Tùng Hiếu (khoa Văn hóa học, ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng đây không phải là hành vi tiêu biểu hay đại diện cho cách cư xử của người VN đối với người nước ngoài.
“Không thể đổ lỗi cho văn hóa VN hay thói quen ứng xử của người Việt mà phải có hành lang pháp lý và công cụ pháp lý đủ mạnh để đủ sức răn đe những hành vi ứng xử làm xấu ngành du lịch VN cũng như hình ảnh VN trong con mắt bạn bè thế giới. Vấn đề là từ lâu rồi, chúng ta chưa có hành lang pháp lý an toàn cho hoạt động kinh doanh du lịch”, ông Hiếu nhận xét.
Theo Luật sư (LS) Huỳnh Phước Hiệp, nên có quy định buộc các công ty du lịch phải cung cấp thông tin về những cơ quan có thể giúp đỡ du khách trong trường hợp xảy ra sự cố.
“Thường thì những vụ việc xảy ra với người nước ngoài chỉ cơ quan cấp tỉnh mới có quyền giải quyết, cơ quan cấp phường xã chỉ làm nhiệm vụ đón nhận thông tin. Những vụ việc này cũng thường phức tạp và liên quan đến nhiều vấn đề nên việc đùn đẩy trách nhiệm có thể xảy ra. Các cơ quan cũng có thể không muốn dính líu, sợ có chuyện phức tạp nên đôi khi sẽ buông lỏng, không quan tâm đến các thông tin trình báo nhận được. Điều này có thể gây hậu quả rất lớn.
Cần phải quy định lại về vấn đề này. Bên cạnh đó cũng cần chú trọng công tác tập huấn nghiệp vụ cho người thực thi pháp luật để họ biết cách sử lý những tình huống nhạy cảm liên quan tới du khách nước ngoài. Như vậy thì du khách mới có thể được bảo vệ tốt hơn”, LS Hiệp nhận định.
Quy định xử phạt Trong vụ việc này, ông Hùng thừa nhận không phải là chủ sở hữu chiếc máy ảnh mà chỉ mua lại từ người nhặt được chiếc máy. Theo quy định tại Điều 241 BLDS 2005 thì: Người nhặt được vật do người khác đánh rơi hoặc bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại vật cho người đó; nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc công an cơ sở gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Trong vụ việc này, người nhặt được máy ảnh không thực hiện việc thông báo cho chủ sở hữu cũng như cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà lại giao cho ông Nguyễn Mạnh Hùng. Trong trường hợp này dù có hay không giao dịch mua bán giữa ông Hùng và người nhặt được máy ảnh thì ông Hùng vẫn phải trả lại tài sản cho vị khách kia theo quy định tại khoản 1 Điều 241 BLDS. Trong trường hợp có giao dịch mua bán giữa ông Hùng và người nhặt được máy ảnh thì giao dịch này cũng vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật và các bên phải hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận. Việc ông Hùng cho rằng đã trả tiền cho người bán chiếc máy nên phải đòi tiền từ vị khách du lịch là không có cơ sở để chấp nhận, bởi vì ông Hùng biết rõ chiếc máy không phải là của người thợ lặn và ông Hùng cũng thể hiện rõ động cơ đòi tiền chuộc để trục lợi. Đối với những vị khách du lịch gặp trường hợp tương tự thì không nên vội vàng giao tài sản của mình để chuộc lại tài sản đã bị mất mà cần liên hệ với cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương để được hướng dẫn giải quyết. Trong trường hợp người đòi tiền chuộc có hành vi gây thương tích hoặc sử dụng những thủ đoạn khác ép buộc du khách phải trả tiền thì tùy từng trường hợp có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị khởi tố về các tội danh như cưỡng đoạt tài sản hoặc cố ý gây thương tích. Doanh nghiệp sử dụng lao động cũng cần có quy chế xử lý nghiêm những trường hợp nhân viên của mình có các hành vi trái pháp luật đối với du khách hoặc lợi dụng du khách để trục lợi. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận