04/09/2015 08:07 GMT+7

Quảng bá chợ nổi Tiền Giang: Cám cảnh cho những nhầm lẫn!

QUANG THI (quangthi@tuoitre.com.vn)
QUANG THI (quangthi@tuoitre.com.vn)

TT - Sau khi bài báo “Quảng bá chợ nổi Tiền Giang bằng hình ảnh... Thái Lan” được đăng trên Tuổi Trẻ ngày 3-9, tòa soạn đã nhận được hàng trăm ý kiến phản hồi của bạn đọc về sự việc này.

Trang của Sinhcafe Tourist vẫn sử dụng hình ảnh chợ nổi Thái Lan quảng bá cho tour chợ nổi Cái Bè
Trang của Sinhcafe Tourist vẫn sử dụng hình ảnh chợ nổi Thái Lan quảng bá cho tour chợ nổi Cái Bè

Nhiều độc giả bày tỏ thái độ không bằng lòng với trang web www.vanhoa.gov.vn của Bộ VH-TT&DL và nhiều công ty du lịch Việt Nam khác đã quảng bá chợ nổi Việt Nam bằng hình ảnh chợ nổi Thái Lan, Indonesia.

Với đa số bạn đọc, đây là vấn đề của kiến thức văn hóa và sự cẩn trọng của người làm văn hóa và làm du lịch. Vấn đề trách nhiệm trong vụ việc cũng được bạn đọc đặt ra.

Đạo diễn Tấn Phát chia sẻ: “Rõ ràng người chọn hình minh họa cho bài viết đã quá cẩu thả. Nếu như bài viết về chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang) mà minh họa nhầm bằng chợ nổi Phụng Hiệp (Cần Thơ) thì còn có thể hiểu được. Đằng này sai sót đến tận... chợ nổi Thái Lan. Nếu không lên tiếng thì những trường hợp như vậy sẽ còn tiếp diễn!”.

Bạn đọc Lưu Hồng Tài nhân đây cũng cám cảnh cho câu chuyện nhầm lẫn không chỉ riêng chợ nổi Cái Bè: “Tôi ở Sóc Trăng, thấy trang web của Bộ VH-TT&DL đăng tải hình ảnh và bài viết về chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng) cũng khiến tôi thất vọng.

Tôi chưa bao giờ thấy những hình ảnh ghe mũi nhọn, không phải ghe tam bản, hay xuồng ba lá, hay những người mặc trang phục như vậy họp chợ ở chợ nổi Ngã Năm. Không hiểu tại sao những hình ảnh quảng bá cho đất nước Việt Nam lại được duyệt và đăng tải một cách qua loa, sơ sài như thế!”.

Hiện tại, trang web www.vanhoa.gov.vn cũng đã có động thái sửa sai. Những hình ảnh minh họa cho chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng) đã được rút xuống. Hình ảnh chợ nổi Thái Lan minh họa cho bài viết giới thiệu chợ nổi Cái Bè trước đây cũng được thay thế bằng hình ảnh chợ nổi Cái Bè.

Nhưng việc sửa sai này lại làm một người nữa không vui, đó là nhiếp ảnh gia Vinh Hiển. Anh cho biết trang web www.vanhoa.gov.vn của Bộ VH-TT&DL lấy bức ảnh chụp chợ nổi Cái Bè của anh thay thế cho hình ảnh chợ nổi Thái Lan nhưng lại không xin phép và không đề tên tác giả.

“Tôi đã nói trên báo là tôi có thể cho rồi. Nếu ảnh mình được giới thiệu để quảng bá cho chợ nổi Cái Bè thì tôi cũng vui. Nhưng đằng này họ sử dụng mà không xin phép, không đề tên tác giả của tôi. Họ làm như vậy... tôi cũng hết biết nói sao nữa!” - anh cho biết.

Các trang web của các công ty du lịch cũng sửa sai rất mau lẹ. Nếu trước đó chỉ cần gõ “chợ nổi Cái Bè” trên trang tìm kiếm Google sẽ thấy tràn lan hình ảnh chợ nổi Thái Lan, Indonesia thì sau khi bài báo ra, các hình ảnh đó đã hầu hết được gỡ xuống.

Tuy nhiên, trên trang web www.sinhcafetourist.com.vn và www.sinhcafetourist.vn của Công ty du lịch Sinhcafe Tourist, minh họa cho tour du lịch chợ nổi Cái Bè vẫn là hai hình ảnh chợ nổi Damnoen Saduak của Thái Lan.

Đảm bảo quyền tác giả: chuyện nhiều kỳ

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 3-9, phó giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin (thuộc Bộ VH-TT&DL) Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết việc chọn và dùng hình ảnh không có nguồn gốc, tên tác giả... là lỗi của các biên tập viên website vanhoa.gov.vn đã không cẩn thận kiểm tra đầy đủ.

“Chúng tôi sẽ cho kiểm tra và chọn lại hình ảnh đảm bảo quyền tác giả của bức ảnh” - bà Huyền nói.

Khoảng 15 phút sau, khi chúng tôi mở lại website này thì bức ảnh thứ ba có logo của một mạng mua bán in chìm trong tấm ảnh minh họa đã bị gỡ mất, hai bức ảnh còn lại vẫn còn nguyên nhưng có phần chú thích: ảnh Internet.

Trao đổi qua điện thoại, bà Huyền cho biết sẽ lại chỉnh sửa theo tên tác giả “Vinh Hiển” mà báo Tuổi Trẻ đã đăng “vì báo Tuổi Trẻ đã liên lạc được với tác giả”.

Chúng tôi đặt câu hỏi: “Tại sao Trung tâm công nghệ thông tin yêu cầu “ghi rõ nguồn Cinet.vn khi sử dụng thông tin từ website này” nhưng lại sử dụng hình ảnh minh họa cẩu thả như vậy, thậm chí không có ý định liên lạc với tác giả?”, khi ấy bà Huyền bảo: “Anh cho tôi xin số của tác giả để hỏi sử dụng hình ảnh của họ nhé”.

Sau đó, đến 17g10, tấm ảnh thứ hai không rõ tác giả cũng đã bị gỡ xuống.

Câu chuyện sử dụng ảnh dễ dãi từ website trực thuộc bộ này và ở hàng loạt website khác cho thấy chuyện tôn trọng bản quyền ảnh còn là một câu chuyện dài, cũng như sai sót kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia” sẽ còn tiếp diễn.

L.N.

QUANG THI (quangthi@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên