19/04/2015 08:36 GMT+7

​Hang động mới trên cao nguyên đá Đồng Văn

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

TT - Một hang động mới khá dài và rộng, với vô số nhũ đá dạng rèm buông từ trên xuống, nhiều cột đá hình thù kỳ thú đội đá vươn lên.

Hang động này vừa được công bố phát hiện trong lòng cao nguyên địa chất toàn cầu Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Hà Giang mới phát hiện một hang động tuyệt đẹp. Tuy nhiên, tỉnh quyết định đóng cửa động vì tự nhận chưa đủ khả năng để khai thác - Ảnh: Việt Dũng

Hang nằm trong lòng một quả núi lớn ở thôn Lùng Khúy, xã Quản Bạ (huyện Quản Bạ, Hà Giang) nên được đặt tên là hang Lùng Khúy.

Hang động được bảo vệ nghiêm ngặt

Khi nghe chúng tôi muốn đi thực địa lòng hang, bà Triệu Thị Tình, phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Hà Giang, cho biết dù rất muốn báo chí quảng bá để mời gọi đầu tư nhưng chưa thể thực hiện do hang đang đóng cửa.

“Lãnh đạo tỉnh đã thị sát và chỉ đạo tạm đóng cửa hang để nghiên cứu, lên các phương án bảo tồn, khai thác du lịch... Cấm tuyệt đối những cá nhân, tổ chức tự động vào hang” - bà Tình nói.

Đặc biệt, theo bà Tình, chính quyền địa phương hiện đang cắt cử công an, dân phòng ngày đêm canh gác để bảo vệ một trong những hang động đẹp nhất cao nguyên đá...

Tuy nhiên sau nhiều cuộc điện thoại, cuối cùng chúng tôi cũng được sự đảm bảo của lãnh đạo huyện Quản Bạ sẽ mở cửa hang để vào chiêm ngưỡng vẻ đẹp nguyên sơ của những nhũ đá, cột đá.

Hang nằm ở lưng chừng một quả núi lớn chỉ cách trung tâm thị trấn Tam Sơn (nơi có thắng cảnh “núi đôi” huyền thoại cùng bảy cột đá lớn “Thạch Sơn Thần” mọc lên từ đất) khoảng 2-3km đường chim bay. Ôtô phải vòng vèo leo qua vài con dốc cua tay áo mới đến được chân núi.

Từ đây muốn đến cửa hang nằm lưng chừng quả núi phải đi bộ leo dốc theo lối mòn dân sinh mất khoảng 40 phút.

Chúng tôi tới cửa hang cũng xế trưa. Giữa cái nắng chang chang, nóng hừng hực vẫn có mặt ba công an cùng dân phòng xã canh chừng, dù cửa hang đã được xây đá phía ngoài với hai cửa sắt khóa cẩn thận.

Hai cán bộ văn hóa huyện đã được giao chìa khóa cửa hang, nhưng anh trưởng nhóm bảo vệ vẫn kiên quyết không cho vào vì nhóm chúng tôi không có giấy giới thiệu có dấu đỏ của lãnh đạo huyện. Sau hai cuộc điện thoại cho chủ tịch xã, rồi trưởng công an xã, nhóm bảo vệ mới đồng ý cho chúng tôi vào.

Theo quan sát của chúng tôi, hai cửa vào hang nằm sát nhau, mỗi cửa chỉ cao chưa đầy 1,5m và rộng chưa đến 1m. Muốn vào hang mọi người phải khom lưng...

Ngay khi qua cửa hang là một khoảng rộng khá bằng phẳng như “nhà chờ” để mọi người sau chặng leo núi được ngồi nghỉ ngơi. Khí lạnh lùa từ lòng hang ra cửa mát lạnh.

Mỗi người được phát một đèn pin cực sáng, và theo khuyến cáo của hai cán bộ dẫn đường, hang rất sâu và tối, cực kỳ trơn trượt, nhiều ngóc ngách nên mọi người phải hết sức cẩn thận.

Phóng viên Tuổi Trẻ cùng cán bộ Phòng văn hóa - thông tin huyện Quản Bạ khảo sát lòng hang Lùng Khúy - Ảnh: Việt Dũng

 

Sẽ là điểm đến du lịch hấp dẫn

Càng dò dẫm đi vào càng thấy lòng hang sâu hun hút, đen ngòm, nhiều đoạn phải tụt xuống những nấc sâu hơn dưới lòng đất. Lòng hang khá rộng, có những chỗ rộng tới khoảng 50m với những vòm hang khá cao.

Từ trên vòm hang, nhiều thạch nhũ to nhỏ, dài đến 2-3m với các hình thù kỳ thú buông xuống. Nhiều nhất vẫn là những khối nhũ dạng rèm, nhiều lớp đá mỏng buông xuống.

Phía ngoài hang, các nhũ đá, cột đá màu vàng sẫm thô ráp như rải lớp cát lên. Nhưng càng vào trong xuất hiện rất nhiều nhũ đá màu trắng trong suốt dạng rèm với những sợi nhũ mảnh hơn, dài hơn xếp thành hình răng lược tựa như một chiếc đàn đá khổng lồ hay khối thạch nhũ dạng một tòa tháp, một cây hoa.

Trong hang có nhiều hố, vũng chứa nước, và từ vòm hang nhiều chỗ nước mát vẫn nhỏ từng giọt tí tách... Với vẻ đẹp nguyên sơ và giá trị địa chất, địa mạo, hang Lùng Khúy hứa hẹn là điểm nhấn của du lịch địa phương trong thời gian tới.

Tuy nhiên, bà Vàng Thị Chứ (60 tuổi, người Mông sống ngay chân núi hang Lùng Khúy) cùng một số người Mông quanh đây cho biết người dân đã biết hang này từ rất lâu.

Hằng ngày mọi người lên nương làm việc hay vào hang để lấy nước uống. Những lúc mưa gió hay nắng gắt, người dân làm nương quanh đó cũng chui vào hang nghỉ ngơi, dưỡng sức.

Và theo bà Tình, trong một chuyến khảo sát thực địa mới đây, ông Triệu Tài Vinh - bí thư Tỉnh ủy Hà Giang - đã khẳng định hang Lùng Khúy là một hang động đẹp có giá trị du lịch cao đối với công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn.

Cùng với những giá trị địa chất, danh lam thắng cảnh của cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu, hang Lùng Khúy cần được bảo tồn, gìn giữ để trở thành điểm dừng chân, tham quan lý tưởng của du khách trên hành trình khám phá cao nguyên đá Đồng Văn.

Ông Nguyễn Tiến Hồng, trưởng Phòng văn hóa - thông tin huyện Quản Bạ, cho biết mới đây khi địa phương rà soát để xây dựng đề án phát triển du lịch Quản Bạ năm 2012-2015 và tầm nhìn 2030, hang Lùng Khúy được báo cáo, đưa vào đề án.

“Quản Bạ cũng có khá nhiều hang, động đẹp nhưng do ý thức người dân, do thiếu đầu tư, định hướng nên một số hang động đẹp đã bị người dân xâm hại. Vì thế, khi đưa hang Lùng Khúy vào đề án phát triển du lịch, địa phương muốn làm chặt chẽ để bảo tồn và khai thác tốt vẻ đẹp của hang động này” - ông Hồng nói.

Nhũ đá trong hang Lùng Khúy

Nằm trong khuôn viên cao nguyên đá Đồng Văn nên núi đá khu vực Quản Bạ cũng có sự đa dạng địa chất rất cao, cùng với sự thay đổi của khí hậu nên theo thời gian đã tạo ra các vườn đá, rừng đá cùng hệ thống hang động mang vẻ đẹp kỳ thú, huyền ảo, chứa đựng các giá trị văn hóa đặc sắc.

Riêng hang động đang được tạm đóng cửa để mời gọi các chuyên gia đến nghiên cứu, mời gọi các nhà đầu tư quan tâm để cùng địa phương biến hang Lùng Khúy thành một địa điểm du lịch không thể thiếu khi du khách đến với cao nguyên đá Đồng Văn - công viên địa chất toàn cầu.

 

ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên