09/02/2016 13:14 GMT+7

​Diệu thủ châu Âu & lời cảnh báo du lịch ngày tết

LÊ VĂN NGHĨA
LÊ VĂN NGHĨA

TTO - Du lịch nước ngoài ngày tết, chỉ khen thôi chưa đủ, còn chuyện móc túi nữa, người ta cứ làm như nó chỉ có ở xứ ta, trong khi đó, trời Âu cũng quá trời “diệu thủ thư sinh”!

Cảnh sát bắt một nghi phạm tại sân ga Lepzich (Đức) - Ảnh: HOÀI LINH

 Xu hướng ăn Tết Nguyên đán của người Việt ngày nay là đi du lịch. Người kha khá thì du lịch trong nước. Người khá giả thì đi nước ngoài. Thường thì khách du lịch khá giả đi những nước châu Á, nhưng nhiều người cũng đã bắt đầu thích “hội nhập” các tour châu Âu qua các nước Pháp, Ý, Bỉ...

Thường, khi đi về toàn chỉ nghe người ta khen nức nở xứ trời Âu. Đại để như cảnh đẹp tuyệt vời, văn minh cao ngút trời... Những lời khen này hoàn toàn chính xác. Chỉ có điều, chỉ khen không thôi là chưa đủ. Ví dụ như cái chuyện móc túi, người ta cứ làm như nó chỉ có ở xứ ta, trong khi đó, trời Âu cũng quá trời “diệu thủ thư sinh”!

Theo cách kể của những du khách VN bị móc túi, cũng như của hướng dẫn viên du lịch thì dân móc túi châu Âu rất đẳng cấp. Trip Advisor là trang web tư vấn du lịch nổi tiếng thế giới cho biết đứng đầu danh sách top 10 của nạn diệu thủ châu Âu là thành phố Barcelona của Tây Ban Nha. Tiếp theo là Roma (Ý) xếp vị trí thứ 2. Vị trí thứ 3 và 4 lần lượt là hai thủ đô Praha của Czech và Madrid của Tây Ban Nha. “Kinh đô ánh sáng” Paris đứng vị trí thứ 5...

Riêng trang web money.co.uk khảo sát ý kiến của 2.000 du khách Anh đến châu Âu trong 12 tháng qua về tệ nạn lừa đảo, móc túi họ gặp phải ở những nước này. Theo thống kê, 22,6% du khách từng bị móc túi ở các nước châu Âu.

Được biết, chiêu phổ biến nhất là dính chặt “con mồi”. Trong đám đông, mọi người đứng sát nhau và bỗng nhiên nạn nhân cảm thấy có một bàn tay luồn nhẹ vào trong túi xách hay túi quần áo. Hoặc kẻ móc túi chờ nạn nhân qua cửa soát vé tự động, lúc đó hắn mới ra tay hành động.

Khi nạn nhân nhận ra thì quá muộn, diệu thủ đã ở bên kia cửa, còn nạn nhân ở bên này, không có đủ thời gian để đuổi theo kẻ gian.

Chú S., nguyên trưởng phòng báo chí Ban tư tưởng văn hóa thành ủy, có lần sang công tác tại Pháp, dù cẩn thận để ví tiền trong túi trong sơmi, phía ngoài là áo lạnh, thế mà cũng bị dân hai ngón thuổng khi ông đi trên xe buýt.

Có người đang đi trong tàu điện ngầm khi còi tàu cất lên, báo hiệu chuẩn bị chuyển bánh, bọn “hai ngón” sẽ móc túi hoặc giật tài sản rất nhanh rồi chạy vụt ra khỏi tàu trước khi cửa khép lại. Thời gian để nạn nhân hiểu ra thì quá muộn. Cửa đã đóng và tàu chuyển bánh. Kẻ móc túi đứng trên ke tàu nhìn nạn nhân một cách đắc thắng, thậm chí còn vẫy tay chào.

Bọn “diệu thủ” còn dùng chiêu “vô tình” làm bẩn quần áo của nạn nhân. Nếu nạn nhân là một người đàn ông thì người “vụng về” sẽ là một phụ nữ, và ngược lại. Chúng nhanh chóng giả vờ lau chùi chỗ bẩn. Trong khi nạn nhân đang bực tức, hay đang tập trung lau vết bẩn, thì kẻ đồng lõa đứng bên cạnh móc túi nạn nhân.

Thường dùng nhất là một cô gái xinh đẹp vô tình chạm vào nạn nhân. Trong một lần đi dự hội chợ thủy sản tại Bỉ, một ông chủ xí nghiệp thủy sản đã bị bay vài ngàn đô Mỹ khi đứng trước một khách sạn. Lúc đó, tôi thấy đại gia này có cặp mắt ngơ ngác như con cá để cái tay sau túi quần jean mà nhớ đến cái cô gái có bộ ngực như “hỏa diệm sơn” vừa đụng phải vào người ông.

Có một điều phải ghi nhận là dân hai ngón châu Âu cũng còn chút tính nhân đạo. “Nhân đạo” ở chỗ họ chỉ lấy tiền chứ không lấy hộ chiếu.

Cô V. - một cán bộ về hưu - kể trong chuyến du lịch sang Pháp, khi cô đang ngồi trong công viên nhìn chim bồ câu thì một cô gái da trắng ngồi cạnh bên khều vai cô. Khi cô quay lại thì cô gái Tây ấy chỉ cho cô thấy cái ví tay của cô V. đang nằm trên băng ghế. Cô V. biết ngay mình bị móc túi liền nhặt vội ví lên xem thì tiền bạc đã mất hết, chỉ còn lại cái hộ chiếu màu xanh lá cây nằm cô đơn lạc lõng trong nỗi... mừng của cô. Phải mất tiền nhưng mừng vì không bị mất hộ chiếu.

Mất hộ chiếu ở xứ người còn khổ hơn mất tiền. Cô V. quay lên tìm cô gái nọ thì nàng đã tan biến vào dòng người đông đúc, chắc để tìm một con nhạn du lịch là đà nào đó để tiếp tục cái màn “nhân đạo”.

Một khách du lịch khác thì kể rằng anh ta đang đi thì có một người cứ chạy theo kêu. Không biết chuyện gì xảy ra, anh ta quay lại thì người đàn ông lịch sự đưa lại cho anh cái hộ chiếu màu xanh lá cây. Thấy hộ chiếu Việt Nam anh liền cầm để xem có phải người nào trong đoàn làm rớt hay không. Mở trang đầu tiên thì anh tá hỏa vì thấy gương mặt quen thuộc của mình trong tấm ảnh. Anh thò tay vào túi quần: trống không. Còn người đàn ông sau khi làm “từ thiện” thì đã phú lỉnh đi nơi khác, mà có đứng thì anh cũng chẳng làm được gì.

Có người đã bắt tận tay, day tận mặt mà còn bị dân hai ngón cự nự: “Tao lượm bóp cho mày, tại sao mày nắm tay tao”! Từ khoảng 5, 6 năm trở lại đây, Paris, thành phố du lịch nổi tiếng thế giới, trở thành “trung tâm” của tệ nạn lừa đảo, cướp giật và móc túi khách du lịch.

Phần lớn thủ phạm là những băng đảng thuộc cộng đồng người Rom (du mục) đến từ hai nước Bulgaria và Romania, còn lại là từ một số nước châu Phi.

Một hướng dẫn viên du lịch đã kể rằng “người của công ty hai ngón” tưởng là nhân đạo nhưng có nhiều khi là để “ẵm trọn gói” cho nó ngon. Bọn này thường tập trung ở nhà vệ sinh trong các khu buôn bán hàng hóa lưu niệm. Khi xe vừa ngừng thì đa số khách du lịch đều có nhu cầu “đi hát” cho nhẹ bụng trước khi mua sắm nên đi ngay vào nhà vệ sinh.

Và đây là giờ “hoàng đạo” của bọn chúng. “Bàn tay hai ngón, ôi bàn tay hai ngón”... lần lượt vuốt ve từng cái bóp đàn ông, cái ví đàn bà để lấy tiền và chỉ tiền mà thôi, sau đó trả lại bóp và ví cho khổ chủ một cách nhẹ nhàng đến nỗi nạn nhân không biết mình vừa bị chôm chỉa.

Vì không biết nên chẳng ai tri hô mà cứ thi nhau sắp hàng đi vào WC. Đến khi mọi người trở ra, mua hàng mới phát hiện tập thể chúng ta đã cùng nhau mất tiền. Lúc này không còn cảnh người này tỏ vẻ thương hại người kia nữa mà cùng nhau kết đoàn chửi thằng hai ngón lấy tiền mà còn để lại cái bóp.

Nhà “hai ngón học” Héloĩse Leussier trên trang Francetv còn kể lại một tuyệt chiêu - thuộc loại làm ăn với tinh thần tập thể. Bọn chúng đóng giả cảnh sát mặc thường phục nhưng có băng đeo tay và thẻ cảnh sát, chặn đoàn xe du lịch rồi nói ngọt như mía lùi: “Xin lỗi vì làm phiền quý vị, quý vị vừa mua đô ở một cửa hàng bị nghi thường đổi tiền giả. Xin quý vị làm ơn cho xem những tờ tiền mà họ trả lại”. Khi khách chìa số tiền đó ra, chúng nhanh chóng tráo đổi một nửa số tiền đó mà khách du lịch không hề hay biết.

Chiêu này còn được “biến tấu” theo cách bọn hai ngón giả vờ thân thiện với khách du lịch rồi hỏi “không biết tiền của nước mày ra sao, mệnh giá so với ơ-rô như thế nào, cho tao xem được không?”. Du khách sẽ móc bóp lấy tiền nước mình ra cho họ xem rồi họ đề nghị trao đổi tiền để làm kỷ niệm và một lát sau toàn bộ tiền ơ-rô biến mất. (Ở thành phố ta thi thoảng một vài chủ tiệm vàng đổi đôla lậu thường bị).

Tất nhiên, đây chỉ là một phần tiêu cực nhỏ trong chuyến du lịch châu Âu đầy những cảnh đẹp và di tích kỳ thú hết sức đáng đồng tiên bát gạo đã bỏ ra. Nhưng để một chuyến du lịch đừng có những chuyện phải bực mình, xin quý bạn đọc lưu tâm đến bài viết này, nếu không thì hãy hỏi các hướng dẫn viên du lịch đầy kinh nghiệm - người ít nhất đã một lần trông thấy gương mặt buồn xo của những du khách thường cho rằng “Tây mà, không tệ như xứ mình đâu”. Coi chừng, lầm chết!

LÊ VĂN NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên