25/08/2004 14:46 GMT+7

Du lịch Việt Nam còn thiếu tính chuyên nghiệp

PHẠM PHỤNG TƯỜNG
PHẠM PHỤNG TƯỜNG

TTO - Một đặc điểm dễ nhận thấy trong chiến lược quảng bá cho du lịch tại một số nước trong khu vực như: Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia... là mục đích đưa hình ảnh đất nước với nhiều tính độc đáo, hơn là nhấn mạnh đến bản thân mỗi doanh nghiệp.

Bởi lẽ, họ hiểu rằng quyền lợi bản thân mỗi doanh nghiệp chỉ thật sự tăng lên và có tính bền vững khi chiến lược quốc gia được thực hiện tốt. Họ không ngại bỏ tiền thuê tư vấn nước ngoài làm các khâu từ thiết kế logo, biểu trưng đến những chương trình quảng cáo quốc tế rầm rộ. Chính vì sự chu đáo này mà khi xem những hình ảnh tuyên tuyền du lịch của các nước dễ dàng nhận thấy sự độc đáo, thân thiện và đầy sứ thu hút. Hiệu quả đến từ cách nghĩ và cách làm chuyên nghiệp.

Ở nước ta, ngành du lịch vẫn chưa thể hiện được điều đó. Mặc dầu số lượng du khách đến liên tục tăng, tuy nhiên, so với các nước trong khu vực ta còn kém xa. Có thể phải đến năm 2010 chúng ta mới đạt được con số bằng với hiện tại của các nước lân cận, trong khi tiềm lực hiện có không yếu chút nào.

Du khách nước ngoài đến Việt Nam phần nhiều không phải vì những thông tin có được một cách trực tiếp từ các chương trình quảng bá mà hầu hết do gián tiếp nhờ sự năng động của các công ty lữ hành nước ngoài. Trong suy nghĩ của họ, Việt Nam đồng nghĩa với đất nước sau chiến tranh, nghèo khổ hơn là nơi có những cảnh đẹp nên thơ, hùng vĩ, một nền văn hoá đậm đà bản sắc.

Tuy nhiên kích thích sự tò mò không phải là giải pháp hay để thu hút du khách, bởi lẽ như thế chỉ có thể làm họ đến một lần rồi không trở lại, hiệu quả tuyên truyền gián tiếp đến các khách hàng tiềm năng khác sẽ không cao.

Tỉ lệ du khách quay trở lại Việt Nam rất thấp (khoảng 15%) đã thể hiện cho điều đó. Những chương trình quảng cáo của chúng ta trên các phương tiên truyền thông quốc tế còn quá ít, manh mún, trong khi đây là một kênh thông tin rất mạnh, được hàng triệu người trên toàn thế giới quan tâm.

Các doanh nghiệp trong ngành thì mỗi nơi làm một kiểu, không thống nhất theo một phương hướng chung nào hết. Mỗi lần ngồi lại với nhau thì chỉ nghe kiến nghị, tranh cãi, bên này đỏ cho bên kia là nguyên nhân là cho giá tour cao, kêu ca chính sách hỗ trợ...để rồi sau đó đâu lại hoàn đấy, mỗi người tự lo cho công việc kinh doanh của mình.

Cách nghĩ còn "ngắn hạn" đã làm cản trở không ít những cố gắng đưa hình ảnh du lịch quốc gia đến với bạn bè quốc tế. Tính cộng đồng trong quá trình làm du lịch là điều mà chúng ta còn thiếu.

Để góp phần nâng cao tính cạnh tranh của toàn ngành, ngoài sự nỗ lực của bản thân các doanh nghiệp đòi hỏi phải nâng cao tính chuyên nghiệp, ý thức cộng đồng trong tuyên truyền, quảng bá, bởi lẽ những lợi ích mà quá trình này đem lại tuy không trực tiếp làm cho con số lợi nhuận tăng cao nhanh chóng nhưng có vai trò quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành. Hợp tác để cạnh tranh là vậy.

PHẠM PHỤNG TƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên