16/11/2015 02:07 GMT+7

Du lịch mang mì gói, nước khoáng, tăm... cho chắc ăn

AN NHIÊN
AN NHIÊN

TTO -  Pháp luật chưa nghiêm, quản lý yếu kém, kinh tế đi lên, lương tâm đi xuống… là những nguyên nhân bạn đọc chỉ ra về tình trạng người Việt “chặt chém” chính người Việt.

Ép du khách mua dừa với giá trên trời - Ảnh: TTO

"Một bộ phận trong chúng ta sống ích kỷ, tham lam và độc ác. Xã hội ngày càng hiện đại, con người càng chà đạp lên nhau để tranh giành hưởng sự “hiện đại, tiện nghi”.

Đó là chia sẻ của nhiều bạn đọc sau hai câu chuyện người Việt “chặt chém” người Việt mà TTO đã đăng tải.

Kinh tế đi lên, lương tâm đi xuống?

Dẫn lại câu chuyện của mình, bạn đọc Tô Thanh cũng không hiểu vì sao mình phải trả 50.000 đồng cho một tô phở, trong khi những người khác chỉ phải trả 30.000 đồng. Lời lý giải dành cho anh Tô Thanh là: Vì bác là người miền Nam nên tôi làm tô có nhiều thịt.

Kinh tế thị trường, giá trị vật chất càng cao thì lương tâm con người xuống thấp là nhận định thật buồn của nhiều bạn đọc. Phải chăng giờ đây “chặt chém” nhau, “móc họng” nhau là chuyện thường ngày và người dân phải “sống chung với lũ”?

Bạn đọc cho rằng khuyết điểm của con người trong xã hội hiện đại chính là chỉ biết chăm chăm vào lợi ích của bản thân, mặc kệ sự thương tổn của người khác.

“Niềm tin vào chính lương tâm của con người bây giờ đã bị đồng tiền làm xói mòn. Hết chuyện cướp cơm từ thiện, rồi chuyện bé cỏn con cũng giết người, rồi gần Tết thì các bạn xem lại chặt chém loạn xạ về giá cả, dịch vụ….”- một bạn đọc chua xót nói.

Nhiều bạn đọc đồng tình rằng hành vi “chặt chém” là phá hoại đất nước, làm mất đi lượng lớn khách du lịch nước ngoài, một nguồn thu đáng kể cho kinh tế Việt Nam.

Luật có quy định nhưng thực tế khác lắm

Một ý kiến khác được bạn đọc chia sẻ nhiều là việc xử lý những hàng quán “chặt chém”, bán giá trên trời này, theo quy định và theo thực tế là khác nhau xa, nghe thì dễ nhưng đụng chuyện mới thấy nhiêu khê ra sao.

Câu chuyện của anh Nguyễn Trung Hiếu sẽ lý giải rõ hơn những nhiêu khê này: "Tôi đã từng bị chặt chém, cũng đã từng gọi cho bên phường và ngồi chờ gần nửa ngày để phường xuống giải quyết, rồi thêm nữa ngày làm bản tường trình... nói chung là nhiêu khê. Vì vậy, thôi bấm bụng móc bóp trả cho rồi còn đi, lần sau không đến nữa, chứ nhờ bên cơ quan chức năng xuống thì mất toi một ngày lương, chưa kể còn bị công ty phạt cắt thưởng tháng vì đi làm không chuyên cần".

“Thủ tục còn nhiêu khê vậy thì tình trạng chặt chém còn dài dài không làm sao giải quyết được?"- anh Trung Hiếu nói.

Pháp luật chưa nghiêm, quản lý yếu kém là hai nguyên nhân được nhiều bạn đọc nói đến.“Là khách du lịch, đâu có ở lại lâu được, chờ cơ quan chức năng xử lý xong thì hết tiền về xe”- một bạn đọc trào phúng.

Nhiều bạn đọc cũng kêu lên rằng “Ôi, chuyện nói mãi, có giải quyết được đâu” vì hết chuyện “chặt chém” ở nhà hàng, quán ăn thì đến chuyện mua dừa giá cắt cổ, hay chuyện thấy người nước ngoài thì kê khống giá lên.

“Tịch thu giấy phép kinh doanh thì họ thuê người khác đứng tên và lại “chặt chém” tiếp! Phạt thì có gì để ngán, chỉ cần “chém” 1 lần đóng phạt 10 lần vẫn còn lời! Còn kêu gọi tự giác chấp hành thì ai làm khi đồng tiền làm mờ mắt họ?”- một bạn đọc chỉ rõ hàng loạt lý do vì sao đã có quy định nhưng những người “chặt chém” vẫn còn đất sống.

Để rồi, nhiều người dặn dò nhau rằng nếu đi du lịch vài ngày thì đem theo mì gói, nước khoáng, tăm xỉa răng...là đảm bảo nhất.

Bãi giữ xe cũng tranh thủ "chặt chém" những ngày lễ - Ảnh: TTO

Cái kết của sự không trung thực

Nhiều bạn đọc đề ra giải pháp để “dẹp” nạn chặt chém, trong đó có việc tận dụng sức mạnh của mạng xã hội để tẩy chay những quán ăn làm ăn không trung thực, thiếu chân chính.

“Cứ chụp hình hóa đơn và món ăn, đem lên trang xã hội quảng bá cho mọi người biết hàng quán chặt chém mà tránh. Gian riết sớm muộn gì cũng đóng cửa tiệm thôi”, bạn đọc đề xuất.

Bạn đọc cho rằng nếu đồng lòng tẩy chay các hàng quán không niêm yết giá thì những người mua bán bất lương mới không có cơ hội tồn tại.

Mạnh mẽ hơn, nhiều bạn đọc đề nghị nên tăng mức hình phạt lên gấp 100 lần số tiền những gian thương này “chặt chém” khách. Nếu tái phạm hoặc không đóng phạt thì buộc đóng cửa quán, cấm hành nghề và phải đi lao động công ích.

Một đề xuất khác là nên bêu tên cơ sở đó lên như cơ quan Thuế từng làm, chắc chắn tình trạng “chặt chém” sẽ giảm.

“Buôn bán và làm ăn không trung thực thì cũng sẽ bị đào thải và không tồn tại đâu! Phải lấy chữ tín làm đầu. Chụp giựt như vậy chỉ được một lần thôi! Lần sau cạch mặt còn ai dám đặt chân đến nữa!” - hầu hết bạn đọc khẳng định.

AN NHIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên