![]() |
“Trèo càng cao, té càng đau” - N.Tuấn (cựu DHS Mỹ) thở dài đầy ngao ngán khi nhớ về khoảng thời gian cắp cặp sang xứ người.
Xuất thân trong một gia đình khá giả, N.Tuấn chỉ có nhiệm vụ duy nhất là học. “Hết lớp 11, ba mẹ biết tôi khó qua được ải thi đại học nên chọn đường du học để “bảo toàn danh dự” cho hai bên. Lúc đó bản thân còn khù khờ với lại nghe mọi người khuyên cũng thấy bùi tai nên tôi cũng miễn cưỡng đi” - Tuấn nói. Kéo vali qua Mỹ chưa được hai tháng, Tuấn đã nằng nặc đòi về và dĩ nhiên gia đình không đồng ý. Chưa đủ điều kiện vào thẳng cao đẳng cộng đồng, Tuấn chỉ học tiếng Anh là chủ yếu. “Nhưng ở VN học đã không vô thì ra nước ngoài có cách chi nhét vô đầu được?” - N.Tuấn giải thích.
Ở khu San Jose (bang California), nơi có tiếng “ra đường là đụng người Việt”, anh chàng cũng mất dần động lực học tiếng Anh. Du học thời gian dài nhưng tới giờ Tuấn vẫn luýnh quýnh mỗi khi phải mở miệng với người ngoại quốc. Chán đời do cô đơn, rào cản ngôn ngữ và không nhận được sự đồng cảm từ gia đình, Tuấn thường tìm đến những quán café người Việt để ngồi đọc báo, đánh cờ tướng cho qua ngày tháng. “Cuối tuần thì tôi lại lên đồ để đi nhảy đầm, party (tiệc tùng) thâu đêm cùng mấy đứa bạn Việt. Như vậy là còn “nhẹ đô” đấy, tôi còn biết vài đứa tiêu tiền như rác cho mấy vụ xe cộ, áo quần, bài bạc…”, “Tương lai sẽ ra sao nếu học hoài mà không ra trường?”, tôi hỏi. Tuấn cho rằng đó là chuyện của ba mẹ.
Phương (DHS Úc đi học bằng học bổng từ cấp THPT) giải thích cho nhiều trường hợp “giữa đường gãy gánh”: “Nhiều phụ huynh quan niệm khá sai lầm là học ở nước ngoài yêu cầu nhẹ hơn trong nước, nên dù con mình sức học làng nhàng, thi vào trường THPT tốt hoặc ĐH công lập không đậu, cũng cố kiếm tiền cho đi du học. Thực tế, cách học ở nước ngoài khác hẳn trong nước, yêu cầu HS-SV phải có khả năng tự học rất cao, chưa kể trình độ tiếng Anh dù đã có bằng này cấp nọ nhưng vào giảng đường cứ như vịt nghe sấm, nếu không có sự cố gắng vượt bực sẽ gãy ngay”.
“Đã có không ít DHS ở Singapore làm rạng danh cộng đồng người Việt trên xứ người, tất nhiên đó là những bạn có ý thức tự giác cao, năng lực học tập tốt” - L.Quang, 24 tuổi, cựu DHS Singapore khẳng định và không quên liệt kê hàng loạt trường hợp kèm theo một câu thòng: “Nhưng đa phần các bạn đó đi theo diện học bổng hoặc được chính phủ tài trợ nên có áp lực nhất định, còn những DHS tự túc như tụi mình thì…”.
L.Quang hiện vẫn thất nghiệp dù đã về VN gần nửa năm sau khi tốt nghiệp một trường ĐH tư ở Singapore. Từng là học sinh khá ở VN, Quang không gặp khó khăn trong việc học tập ở xứ người. “Nhưng do học chuyên ngành không yêu thích nên tôi chẳng mấy tập trung, bên cạnh đó chi phí sống đắt đỏ mà bản thân du học theo diện tự túc nên tôi cứ vùi đầu vào việc kiếm tiền trên mạng…”, L.Quang bộc bạch. Do ở một mình không ai nhắc nhở nên Quang bị nghiện game, sức khỏe giảm sút vì ăn uống thiếu điều độ.
Khác với hình dung của anh chàng trước lúc đi du học, nhiều công ty lớn Quang đến xin việc chẳng nơi nào mê cái mác DHS cả, họ chỉ chọn người làm được việc, trong khi DHS cứ đòi hỏi đồng lương tương xứng với vốn liếng mình đã bỏ ra đi du học. Anh chàng đã chịu “xuống nước” vào làm các công ty nhỏ với đồng lương còi cọc nhưng làm ở đâu cũng chỉ được năm bữa nửa tháng lại thấy nản rồi lại nghỉ. Nhiều DHS học ngành quản lý du lịch nhưng về nước đâu có công ty nào chịu tuyển một người không có kinh nghiệm vô làm quản lý. Có cô được giao việc dọn phòng khách sạn liền giãy nảy lên: “tôi học ở nước ngoài về mà phải làm việc này sao?”.
“Tôi rất sợ gặp lại bạn bè cũ vì đối với ai thì mác DHS đồng nghĩa với lương cao, cơ hội ngập tràn, tiếng Anh như gió… trong khi mình thì thứ gì cũng chả có” - L.Quang nói như mếu. Nếu được quay lại, anh chàng khẳng định sẽ suy nghĩ kỹ hơn và chắc chắn chọn một con đường khác…
Tuổi Trẻ Cười số 471 ra ngày 01/03/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận