Phóng to |
Cảnh trong phim Dù gió có thổi - Ảnh: H.Lê |
Ðiều thú vị là bộ phim này có kịch bản gốc của Hàn Quốc nhưng khán giả xem thấy rất VN - điều mà nhiều bộ phim chuyển thể từ kịch bản nước ngoài trước đó chưa có được.
Không còn chất Hàn
Một trong những yếu tố tạo nên sự thành công của bộ phim đó là dàn diễn viên diễn xuất tốt, đồng đều. Bình Minh - Lê Khánh tung hứng với nhau rất ăn ý trong vai người chồng siêng năng nhưng tằn tiện có người vợ tốt bụng nhưng đểnh đoảng. Cặp đôi Quý Bình và Vân Trang cũng diễn xuất rất ra dáng cặp tình nhân "yêu nhau lắm, cắn nhau đau". Ðặc biệt, nghệ sĩ hài Anh Tuấn lần đầu tiên tham gia phim truyền hình đã khiến khán giả cười nghiêng ngả trong vai ông chú Mẫn trẻ con, lúc nào cũng tìm cách moi tiền người khác.
Thế nhưng điều mà người xem cảm thấy thích nhất và bày tỏ nhiều trên các diễn đàn đó là chất Hàn trong phim đã được thay thế bằng hình ảnh một gia đình Việt với nhiều xung đột do có những khác biệt về văn hóa vùng miền, có mâu thuẫn giữa người trẻ - người già và những quan điểm sống khác nhau của các thành viên.
Nickname Teawa trên diễn đàn dienanh.net viết: "Kịch bản và dàn diễn viên diễn xuất đều rất tuyệt. Những tình tiết trong phim thật sự gần gũi với đời sống người Việt. Tình huống được đưa ra và giải quyết rất thỏa đáng giữa những thành viên trong gia đình. Coi phim sao mà thấy nhiều chỗ giống gia đình tôi ghê: xung đột có mà đầm ấm cũng có. Phim làm tôi lúc thì cười sặc sụa, lúc phải suy ngẫm, đặc biệt là cách đối xử với những người xung quanh".
Chia sẻ với Teawa, nickname Ðầu Ðất nhận xét: "Mình đồng cảm với phim có lẽ vì gia đình mình giống gia đình ông Phát, đó là Bắc - Nam lẫn lộn nên văn hóa và cách ứng xử cũng pha trộn. Mình thích phim này vì so với những phim khác thì các diễn viên đều có cách diễn xuất đồng đều, hay, không giả tạo, không màu mè. Cách xây dựng nhân vật gần gũi với cuộc sống đời thường. Không có kiểu người tốt ơi là tốt, người xấu ơi là xấu. Dù gió có thổi đã thổi một luồng gió mới vào phim".
Khi đạo diễn xếp sau biên kịch
Ít ai biết trên thực tế nhà sản xuất đã bỏ không ít tiền của để làm lại 20 tập phim đầu này.
Bà Phương Thủy - giám đốc Công ty Trí Việt, đơn vị kết hợp cùng Hãng phim Chánh Phương sản xuất phim Dù gió có thổi - cho biết: "Ðạo diễn ban đầu đã đưa quá nhiều yếu tố hài hước vào phim khiến tính cách nhân vật bị thay đổi so với kịch bản đã được Việt hóa. Nhóm kịch bản sau khi xem phim đã đưa ra ý kiến là phải làm lại phim cho đúng với tinh thần ban đầu. Và chúng tôi đồng ý với quyết định này dù biết về mặt tài chính sẽ ảnh hưởng không nhỏ. Tuy nhiên, đây là bộ phim đầu tay nên chúng tôi phải đặt chất lượng lên hàng đầu. Ðây cũng được xem là cách làm phim truyền hình mới theo xu hướng quốc tế. Biên kịch là người quyết định chứ không phải đạo diễn".
Ðạo diễn Phương Ðiền - người thực hiện từ tập 21 trở đi - cũng khẳng định: "Sở dĩ bộ phim tạo được sự chú ý là do kịch bản phim rất chắc tay. Chính vì thế mà công việc đạo diễn của tôi cũng nhẹ nhàng, cứ theo kịch bản mà làm. Hiện nay với công nghệ quay bốn máy, chúng tôi chỉ mất một ngày là quay xong một tập (mỗi tập dài 35 phút) nhưng giám sát Hàn Quốc còn chê hơi chậm. Mặt khác với kiểu làm phim cuốn chiếu, sản xuất từng đợt 30 tập phim nên biên kịch sẽ cập nhật nhiều thông tin mang đậm chất thời sự vào các tập phim kế tiếp, ví dụ như dịch cúm A/H1N1 chẳng hạn...".
Vẫn còn đó những lời thoại đôi chỗ khó nghe, nhiều tập phim cũng hơi bị đuối, nhưng nhiều người hi vọng Dù gió có thổi nếu cứ giữ được "phong độ" như 20 tập đầu thì khả năng giữ khán giả trước màn ảnh nhỏ không phải là quá khó.
Dù gió có thổi được Việt hóa như thế nào? Dù gió có thổi dài đến 200 tập, được làm lại từ bộ phim cùng tên của Hãng KBS (Hàn Quốc). Phim giữ lại tính cách nhân vật giống như trong kịch bản gốc, biên kịch chỉ tập trung xây dựng thêm hoàn cảnh sống, lý lịch học vấn, nghề nghiệp... cho từng nhân vật. Toàn bộ tình tiết của đời sống Hàn Quốc trong phim bị bỏ và phải viết lại hoàn toàn. Điều khiến nhóm biên kịch đau đầu là phim được sản xuất vào những năm điện thoại di động chưa phổ biến ở Hàn Quốc, trong khi bối cảnh cho bộ phim tại VN là năm 2009. Những vấn đề thời sự ở VN như chuyện giải tỏa, giá đất tăng cao, tranh chấp đất đai, “lô cốt”... được đưa vào phim. Đây là bộ phim mở đầu cho giờ phim Việt trên HTV3. 20 tập đầu của phim do đạo diễn Charlie Nguyễn và Thái Hòa thực hiện. Đạo diễn Phương Điền sẽ làm các tập tiếp theo. Phim có sự tham gia của NSƯT Lê Thiện, NSƯT Kim Xuân, NSƯT Nguyễn Văn Phúc cùng các diễn viên trẻ Đức Thịnh, Bình Minh, Vân Trang, Quý Bình, Lê Khánh, Hiền Mai, Phương Trinh... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận