23/08/2022 16:52 GMT+7

Dự báo mưa, bão hiện nay dựa trên công nghệ nào?

TTXVN
TTXVN

TTO - Đối với hạn dự báo cực ngắn trước khoảng 6-12 tiếng, công nghệ chính hiện nay dựa trên các hệ thống quan trắc vệ tinh và radar, với tần suất dữ liệu cập nhật liên tục từ 5-10 phút.

Theo giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm, độ chính xác trong dự báo mưa phụ thuộc vào thời hạn dự báo (trước bao nhiêu lâu) và loại hình mưa (mưa, mưa lớn, mưa rất lớn, mưa xảy ra ở diện hẹp có tính chất cục bộ...). 

Đối với hạn dự báo cực ngắn trước khoảng 6-12 tiếng, công nghệ chính hiện nay dựa trên các hệ thống quan trắc vệ tinh và radar, với tần suất dữ liệu cập nhật liên tục từ 5-10 phút. Trước 1-3 tiếng, kết hợp với các hệ thống quan trắc mưa tự động có thể giúp cảnh báo sớm các hiện tượng mưa cục bộ do dông gây ra với độ chính xác đạt trên 70%.

Đối với dự báo từ 3-10 ngày, công nghệ dự báo mưa hiện nay chủ yếu dựa trên công nghệ dự báo thời tiết số, cho phép đưa ra các cảnh báo sớm với độ tin cậy cao về các đợt mưa lớn mang tính chất điển hình, xảy ra trên một vùng diện tích rộng lớn (một vài tỉnh trở lên). 

Hiện nay, ngành khí tượng thủy văn đã có rất nhiều đổi mới trong công tác dự báo mưa lớn diện rộng. 

Các đợt mưa lớn diện rộng đều được dự báo trước từ 2-3 ngày với độ tin cậy khoảng 75%, một số trường hợp còn có khả năng cảnh báo mưa lớn trên diện rộng từ trước 5-7 ngày.

Những thông tin dự báo, cảnh báo sớm về các đợt mưa lớn diện rộng sẽ là đầu vào quan trọng để ngành khí tượng thủy văn ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo sớm về lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt… 

Các thông tin cảnh báo sớm như vậy đều được chuyển đến các cơ quan hữu quan và người dân để có thể xây dựng các phương án chủ động ứng phó. 

Do vậy, để cải thiện công nghệ dự báo mưa định lượng chi tiết, đối với hạn dự báo mưa cực ngắn trước 6-12 tiếng, công nghệ giám sát và ước lượng mưa từ các hệ thống quan trắc radar, vệ tinh, mưa tự động được áp dụng hiệu chỉnh liên tục kết hợp với sản phẩm dự báo số.

Cùng với đó, các công nghệ đồng hóa số liệu với khả năng cập nhật các dạng quan trắc chi tiết hơn từ bề mặt, trên cao, quan trắc radar của Việt Nam vào các mô hình số thời tiết đã và đang được từng bước triển khai áp dụng trong nghiệp vụ để giảm thiểu những sai số lớn trong công tác dự báo mưa.

Bên cạnh việc tăng cường nghiên cứu triển khai các công nghệ dự báo thời tiết số, việc đào tạo cho các dự báo viên phải được chú trọng, đặc biệt là trong việc khai thác các hệ thống hỗ trợ dự báo thông minh (cho phép tích hợp toàn bộ các loại hình quan trắc, dự báo và cho phép dự báo viên hiệu chỉnh mang tính chất cụ thể, chi tiết định lượng đến dự báo về mưa, nhiệt độ, hiệu chỉnh sự phân bố theo không gian của mưa) và trong việc khai thác thêm các dạng sản phẩm hỗ trợ về mặt ra quyết định như dự báo tổ hợp. 

Ngoài ra, việc tăng khả năng truyền tin kịp thời lên mọi nền tảng cảnh báo (web, tivi, app mobile..) về cảnh báo mưa lớn, mưa cực đoan và cả cảnh báo những hệ quả xảy ra đi kèm cũng được chú trọng trong dự báo khí tượng thủy văn.

Bão Maon giật cấp 12 đang hướng vào khu vực phía bắc Biển Đông Bão Maon giật cấp 12 đang hướng vào khu vực phía bắc Biển Đông

TTO - Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, khoảng đêm 23-8 bão sẽ đi vào khu vực phía bắc của Biển Đông.

TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên