26/10/2010 05:35 GMT+7

Dự án bôxit: Các nhà khoa học sẵn sàng đối thoại

LÊ KIÊN ghi
LÊ KIÊN ghi

TT - Các nhà khoa học sẵn sàng đối thoại với chính quyền, doanh nghiệp về vấn đề bôxit Tây nguyên. Đó là quan điểm của ông Hồ Uy Liêm, phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.

yW2E4cAQ.jpgPhóng to
Công trình xây dựng Nhà máy alumin Tân Rai tại huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng - Ảnh: NGUYỄN HÀNG TÌNH

Ông Liêm nói:

- Năm 2009, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã phản biện về vấn đề bôxit Tây nguyên, trình bày tại Bộ Chính trị và đã được tiếp thu một số nội dung. Cụ thể, trước đây chỉ có đánh giá tác động môi trường của dự án bôxit nhưng theo kiến nghị của chúng tôi, phía dự án chấp nhận xây dựng đánh giá môi trường chiến lược nhưng kết quả đến nay như thế nào thì liên hiệp hội vẫn chưa được biết.

Các ý kiến về vấn đề môi trường tại Tân Rai và Nhân Cơ cũng được xem xét lại cho chặt chẽ hơn. Thời điểm đó, liên hiệp hội đánh giá việc xây dựng dự án tại Nhân Cơ (Đắk Nông) sẽ không có hiệu quả kinh tế mà đưa việc sản xuất alumin xuống vùng ven biển sẽ giảm thiểu được rất nhiều nguy cơ về môi trường, đảm bảo các vấn đề kinh tế, an ninh quốc phòng. Tuy nhiên kiến nghị này không được chấp nhận.

rW6JhM5O.jpgPhóng to
Ông Hồ Uy Liêm - Ảnh: VIỆT DŨNG

* Như vậy sau hơn một năm liên hiệp hội có kiến nghị, Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN (TKV) đã thực hiện được những nội dung nào thưa ông?

- Các tổ chức khoa học của liên hiệp hội đã đi thực địa nhiều nơi nhưng rất cần một báo cáo của TKV, trên cơ sở ấy đi thực địa sẽ chặt chẽ hơn. Vừa rồi một số trí thức, trong đó có nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, cũng có kiến nghị về vấn đề này nhưng đó là cái tâm, đối với các nhà khoa học cần có căn cứ khoa học chặt chẽ và phải đưa ra được giải pháp chứ không thể phản bác hoàn toàn.

Nội dung nào cần phản bác thì phản bác, còn nội dung nào các nhà khoa học thấy cần phải làm chặt chẽ hơn, cẩn thận hơn thì kiến nghị để họ thực hiện.

GS Nguyễn Lân Dũng (đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk):

Băn khoăn về hiệu quả kinh tế

Quốc hội nên thảo luận và có nghị quyết về vấn đề bôxit. Nếu Quốc hội không đưa vào chương trình thảo luận thì đại biểu cũng sẽ phát biểu. Sở dĩ lần trước tôi ký vào bản kiến nghị nhưng lần này không ký, các đại biểu Quốc hội cũng không ký là vì chúng tôi có diễn đàn riêng ở Quốc hội.

Tôi còn rất băn khoăn là hiệu quả kinh tế rất thấp, có thể không có lãi. Tôi cũng băn khoăn là bây giờ nên dừng lại hay cho làm tiếp, dừng lại thì có vẻ hơi khó vì mình đã ký kết rồi. Cho nên cần phải bàn bạc và tính kỹ.

* Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang khẳng định sẵn sàng đối thoại với các nhà khoa học về vấn đề bôxit, quan điểm của ông thế nào?

- Chúng tôi, các nhà khoa học, sẵn sàng đứng ra đối thoại về vấn đề này. Sau sự kiện bùn đỏ của Hungary thì vấn đề bôxit Tây nguyên trở thành vấn đề nóng của xã hội nên liên hiệp hội đang gấp rút tiến hành đánh giá một cách chính xác về những tác động của dự án bôxit đến môi trường và những ý kiến của liên hiệp hội đã được tiếp thu như thế nào.

Các tổ chức của liên hiệp hội đang cấp tập đẩy nhanh tiến độ để có một báo cáo chi tiết vào khoảng cuối tháng 11-2010.

* Trước ý kiến công nghệ xử lý bùn đỏ của chúng ta khác các nước và an toàn hơn, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

- Ông Phạm Khôi Nguyên (bộ trưởng Bộ TN-MT - PV) nói cách xử lý bùn đỏ của chúng ta khác Trung Quốc và các nước một chút. Ở các nước thì làm thành hồ chứa cỡ lớn nhưng Việt Nam làm từng khoang một. Điều này tất nhiên là an toàn hơn thật nhưng vẫn có hai vấn đề.

Thứ nhất, nếu như mưa lớn xảy ra như ở Hà Tĩnh, Nghệ An trong thời gian vừa rồi, lên đến 200-300mm trong một ngày đêm thì không có đập nào cản được hết mà bùn đỏ sẽ tràn. Trên vùng Tây nguyên, ở các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng mưa cũng hàng trăm milimet/năm nên khả năng xảy ra mưa như Hà Tĩnh, Nghệ An rất lớn.

Thứ hai, khi bể chứa vỡ, bùn đỏ tràn ra thung lũng sẽ tiếp tục tràn ra kênh rạch khu vực xung quanh, rất nguy hiểm. Tất nhiên, nhà sản xuất sẽ làm một đê phụ rất lớn để chặn phía dưới, tăng cường độ an toàn cho hệ thống bể chứa nhưng nói vỡ cũng không làm sao là không đúng. Bùn đỏ sẽ chảy, thẩm thấu xuống mạch nước ngầm ra môi trường... Đây là nguy cơ có thể gây thảm họa nếu như xảy ra tình trạng vỡ hồ chứa bùn đỏ như ở Hungary.

TS Vũ Ngọc Xuân(nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Bộ KH-ĐT):

MB1oo0B9.jpgPhóng to
Ông Vũ Ngọc Xuân - Ảnh: M.Q.
Không thể đổ bùn đỏ ra bãi thải lớn như thế

Chuyện xử lý bùn đỏ thật sự nóng lên khi Hungary bị vỡ đập. Các nước mới giật mình về tác hại của nó. Năm 1984, Liên Xô và Hungary đã bàn với nhau về việc xử lý bùn đỏ nhưng khi đó Hungary nói chưa có kinh nghiệm và giá thành cao nên để sau này mới xử lý.

Theo ước tính tại thời điểm Liên Xô tiến hành xử lý bùn đỏ, chi phí tiền điện xử lý 1 tấn bùn đỏ tương đương tiền điện sản xuất ra 1 tấn thép. Trong khi đó, sản phẩm xử lý từ bùn đỏ là gang trắng, giá thành thấp hơn nên các nước đều không mặn mà.

Tại thời điểm tôi nghiên cứu đề tài, các giáo sư Liên Xô đều nêu vấn đề nếu cứ giữ bùn đỏ trong hồ thì tương lai dung dịch vẫn có thể thấm ra môi trường rất nguy hiểm. Cả hai công nghệ ướt và khô để cất giữ như hiện nay đều tiềm ẩn những nguy cơ thẩm thấu dung dịch xút ra môi trường.

TKV nên đặt vấn đề nghiên cứu toàn diện hơn, xử lý bùn đỏ một cách triệt để, biến bùn đỏ thành nguyên liệu sản xuất cho ngành luyện gang, hoặc là nguyên liệu ximăng như Liên Xô (cũ) đã nghiên cứu chứ không nên đổ ra một bãi thải lớn như thế.

Dự án ở Nhân Cơ nên tạm dừng một thời gian để nghiên cứu chính xác, đánh giá toàn diện rồi hãy quyết định thực hiện hay không.

Ông Vũ Ngọc Xuân bảo vệ luận án phó tiến sĩ kỹ thuật luyện kim màu tại Viện Nghiên cứu WAMI (Leningrad, Liên Xô) năm 1974 với đề tài “Nghiên cứu hoàn nguyên ôxit sắt để áp dụng gia công tổng hợp bôxit”. Lĩnh vực nghiên cứu của đề tài này chuyên về xử lý triệt để bùn đỏ trở thành nguyên liệu cho ngành công nghiệp sản xuất gang trắng.

___________

Luật sư Nguyễn Đăng Trừng (TP.HCM):

aAyLSyHm.jpgPhóng to
Luật sư Nguyễn Đăng Trừng - Ảnh: V.D.
Quốc hội phải giám sát toàn diện

Là đại biểu Quốc hội, tôi rất muốn nghe đầy đủ về vấn đề bôxit, vì đây là vấn đề không đơn giản. Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang trả lời báo Tuổi Trẻ cũng thừa nhận một số đề nghị của các nhà khoa học là phù hợp, có căn cứ. Ví dụ như đặt nhà máy ở Bình Thuận về mặt kinh tế có lợi hơn mà nguy cơ về môi trường cũng đỡ hơn. Như vậy, chứng tỏ ý kiến của các nhà khoa học có cơ sở.

Thứ trưởng Quang nói rằng sẵn sàng đối thoại với các nhà khoa học, tôi biết các nhà khoa học cũng sẵn sàng tranh luận với cơ quan chức trách, tôi đề nghị Chính phủ sớm tổ chức cuộc đối thoại, tranh luận giữa các bên giúp các đại biểu Quốc hội có nhiều thông tin để nắm đầy đủ, chân thực về vấn đề này.

Trước đây, khi Quốc hội chất vấn Chính phủ, tôi cũng đề nghị làm rõ là có hay không việc chia nhỏ dự án để không phải thông qua Quốc hội, khi đó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã tuyên bố công khai là đặt dự án dưới sự giám sát của Quốc hội. Như vậy, trách nhiệm của Quốc hội là phải giám sát toàn diện, nhất là khi tình hình nóng trở lại, được dư luận, cử tri hết sức quan tâm.

LÊ KIÊN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên