01/04/2019 17:17 GMT+7

Đột phá kỹ thuật ghép đầu: Nối thành công tủy sống

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Những con khỉ và chó bị cắt rời tủy sống đã có thể đi lại sau ca nối thành công chưa từng có tiền lệ.

Đột phá kỹ thuật ghép đầu: Nối thành công tủy sống - Ảnh 1.

Hai chuyên gia giải phẫu Ren Xiaoping và Sergio Canavero. Ảnh: SCMP

   Hai chuyên gia phẫu thuật người Trung Quốc và Italy tuyên bố nghiên cứu đăng trên tạp chí y khoa Surgical Neurology International (Mỹ) ngày 27/3 đã bổ sung thêm minh chứng cho khả năng của họ trong điều trị các thương tật tủy sống để tiến hành ca ghép đầu người đầu tiên trên thế giới.

   Theo SCMP, trong nghiên cứu vừa công bố, hai bác sĩ Ren Xiaoping và Sergio Canavero nói rõ về việc khỉ và chó trong thí nghiệm của họ đã có thể đi lại được sau khi bị cắt đứt hoàn toàn tủy sống và nối lại sau đó. Hai nhà giải phẫu thần kinh mô tả kết quả thu được "chưa từng có tiền lệ" về mặt y khoa.

   Các kỹ thuật mang tính thí nghiệm cao này đã được tiến hành tại Đại học Y tế Cáp Nhĩ Tân ở Trung Quốc.

   Ông Canavero, sống tại Turin, Italy, nổi tiếng trong giới y khoa là một người theo thuyết duy cảm. Ông cho rằng các nhà phẫu thuật thần kinh lâu nay đã "mắc kẹt với suy nghĩ tủy sống bị đứt thì không thể chữa được bằng bất cứ cách nào". Chuyên người Italy cho biết hai nghiên cứu vừa công bố ngày 27/3 cùng với một nghiên cứu năm ngoái đã hoàn toàn bác bỏ quan điểm trên.

   Trong trao đổi thư điện tử từ Cáp Nhĩ Tân, ông Ren nhấn mạnh những nghiên cứu của ông và đồng nghiệp là minh chứng rằng thí nghiệm trên con người nên được tiến hành, đồng thời ông nêu rõ trong khi thành tựu đặc biệt này diễn ra ở Trung Quốc, ông cũng sẵn sàng làm nó ở bất kỳ đâu trên thế giới.

   Tuy nhiên, ngay cả khi bước tiến này - liên quan đến việc dùng hợp chất polyethylen glycol hay còn gọi PEG để hợp nhất tủy sống cổ – vượt qua sự kiểm tra kỹ lưỡng và cuối cùng có khả năng hỗ trợ bệnh nhân bị chấn thương tủy sống hoặc liệt… thì nó vẫn bị hoài nghi.

   Điều này một phần là do trước đây hai ông từng tuyên bố muốn sử dụng kỹ thuật với chất PEG làm nền tảng cho kỹ thuật nối đầu người.

   Ông Canavero ước tính chi phí ca phẫu thuật ghép đầu người có thể lên đến 100 triệu USD cũng như đòi hỏi sự hỗ trợ của hàng chục bác sĩ phẫu thuật và chuyên gia. Ông cho biết người hiến thân thể sẽ là một bệnh nhân chết não để ghép với đầu của người nhận không mắc bệnh.

   Theo kế hoạch, ông Canavero sẽ đồng thời cắt đứt tủy sống của người cho và người nhận bằng một lưỡi dao kim cương cực sắc bén. Để bảo vệ bộ não của người nhận trước khi được gắn vào cơ thể mới, bộ phận này sẽ được làm mát đến trạng thái hạ thân nhiệt sâu.

   Sau đó, đầu của bệnh nhân sẽ được đặt lên cơ thể của người hiến tặng và dùng chất keo PEG gắn hai đầu tủy sống cổ với nhau. Tiếp đến, các cơ bắp và mạch máu sẽ được khâu nối lại và bệnh nhân sẽ được gây mê toàn phần trong 4 tuần để phần đầu và phần cơ thể có thể tương thích và gắn lại với nhau.

   Trong khi các thí nghiệm ghép đầu trên động vật nhỏ như chuột và chó đã đạt được một số thành công nhất định thì nó vẫn là một ý tưởng gây tranh cãi về mặt đạo đức và tâm lý.

   Năm 1970, người ta đã thử ghép đầu cho một con khỉ song bị thất bại. Người thực hiện thí nghiệm năm xưa là Tiến sĩ Robert White tại Đại học Y khoa Case Western. Con khỉ đã chết 8 ngày sau phẫu thuật do phần đầu phản ứng chống lại cơ thể mới. Con vật không thể tự thở cũng như cử động do phần tủy sống không thể nối liền.



Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên