05/12/2015 08:30 GMT+7

Đột phá giáo dục sau phổ thông: cổ phần hóa trường đại học

TUẤN PHÙNG thực hiện (tuanphung@tuoitre.com.vn)
TUẤN PHÙNG thực hiện (tuanphung@tuoitre.com.vn)

TT - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có quyết định phê duyệt danh sách thực hiện cổ phần hóa đối với Học viện Hàng không và Trường trung cấp nghề GTVT Thăng Long.

Học viện Hàng không và Trường trung cấp nghề GTVT Thăng Long là hai đơn vị của Bộ GTVT được cổ phần hóa. Trong ảnh: Giờ thực hành kiểm soát tiếp cận có rađa của học sinh lớp không lưu 20N1, Học viện Hàng không Việt Nam, ngày 4-12 - Ảnh: Như Hùng

Dự kiến tiếp theo sẽ là Trường ĐH GTVT TP.HCM và Trường CĐ nghề Hàng hải 1. Đây có thể xem là bước đột phá trong lĩnh vực giáo dục sau THPT.

Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Anh Minh - vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT) - về chủ trương cổ phần hóa (CPH) các trường học thuộc Bộ GTVT. Ông Minh cho biết:

- Việc CPH các đơn vị giáo dục là thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ về đẩy mạnh CPH các đơn vị sự nghiệp công lập với mục tiêu đầu tiên là nâng cao chất lượng các dịch vụ công lập. Thứ hai là CPH dựa trên nguyên tắc: những gì mà các thành phần kinh tế khác làm được thì nên tạo điều kiện mở rộng để họ làm.

Thời gian qua, chúng ta thực hiện chủ trương xã hội hóa lĩnh vực y tế, giáo dục theo hai hình thức. Thứ nhất là cho phép các thành phần kinh tế được thành lập trường, bệnh viện. Thứ hai là xã hội hóa những đơn vị công lập nhà nước đang nắm giữ bằng CPH để huy động các nguồn lực ngoài công lập.

Hình thức CPH các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay sẽ tạo ra những cơ hội cho nhà đầu tư, thành phần kinh tế khác tham gia vào sử dụng, tận dụng có hiệu quả toàn bộ nguồn lực của đơn vị sự nghiệp công lập đó gồm: nguồn lực hữu hình như tài sản, đất đai...; nguồn lực vô hình như nguồn nhân lực, thương hiệu, thị trường... đang có.

Đồng thời, nhà đầu tư sẽ bổ sung các nguồn lực tài chính, thị trường, công nghệ, năng lực quản trị... để thúc đẩy đơn vị đó phát triển lên, tạo ra những sản phẩm dịch vụ tốt hơn, người dân được hưởng cái đó. Đó là mục tiêu cao cả nhất.

Mục tiêu thứ hai là giảm áp lực ngân sách chi cho đơn vị sự nghiệp công lập đó. Thứ ba là giúp được một phần cho việc giảm biên chế. Đó là các mục tiêu hướng tới.

Ảnh: T.Phùng

Thời gian qua, có nhiều nơi xây dựng trường học, bệnh viện theo hình thức xã hội hóa nhưng không phải mọi cái đều thành công. Bởi vì đây là ngành rất đặc thù, giá trị nằm ở chất lượng nguồn nhân lực chứ không phải nằm ở tài sản. Bỏ tiền xây dựng cơ sở vật chất thì không khó nhưng để người dân vào học, vào chữa bệnh thì phải có thương hiệu, quá trình được đánh giá lâu dài. Vấn đề là phải được đánh giá bằng một quá trình, trong đó nhà đầu tư có nguồn lực tốt, đầu tư vào chiều sâu, thu hút được nguồn nhân lực

Ông Vũ Anh Minh

Không làm đồng loạt

* Việc CPH các trường học sẽ thực hiện thế nào, phải chăng Bộ GTVT đã có kinh nghiệm trong CPH các đơn vị sự nghiệp công lập?

- Năm 2005, Bộ GTVT thí điểm CPH năm đoạn quản lý đường thủy nội địa là các đơn vị sự nghiệp công lập. Năm 2014, bộ báo cáo Thủ tướng cho phép CPH mười đoạn quản lý đường thủy nội địa nữa. Đặc biệt là Bộ GTVT xin đề xuất CPH Bệnh viện GTVT trung ương, thí điểm CPH Bệnh viện Nam Thăng Long. Đến nay, Bệnh viện GTVT đã thực hiện CPH. Bệnh viện Nam Thăng Long đã hoàn thành phê duyệt giá trị doanh nghiệp, đang trình Thủ tướng phê duyệt phương án CPH.

Trên cơ sở kết quả đạt được CPH các đơn vị sự nghiệp công lập vừa qua, Bộ GTVT tiếp tục báo cáo Thủ tướng cho phép được CPH tiếp mười đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có bốn trường học (ĐH GTVT TP.HCM, Học viện Hàng không Việt Nam, Trường trung cấp nghề GTVT Thăng Long và CĐ nghề Hàng hải 1), hai bệnh viện và bốn trung tâm đăng kiểm.

Vừa rồi Thủ tướng có văn bản chấp thuận cho Bộ GTVT lựa chọn 1 - 2 trường học và 1 - 2 trung tâm đăng kiểm thực hiện CPH. Bộ GTVT lựa chọn Học viện Hàng không Việt Nam, Trường trung cấp nghề GTVT Thăng Long để thực hiện thí điểm CPH. Sau đó, tổng kết để rút kinh nghiệm rồi triển khai tiếp những trường có đủ điều kiện chứ không CPH đồng loạt.

* Về nguyên tắc, CPH các trường học sẽ thực hiện thế nào, Bộ GTVT đã có dự kiến về tỉ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ trong các trường học ở mức nào?

- Hiện nay chưa đến bước xây dựng phương án CPH hai trường học trên. Trong quá trình xây dựng phương án sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền để quyết định tỉ lệ vốn Nhà nước nắm giữ.

Còn quy định pháp luật để CPH trường học thì đã có quyết định 22 của Thủ tướng về việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần. Bộ GTVT sẽ là đơn vị thí điểm đầu tiên CPH trường học. Nhưng về quy trình CPH trường học không có gì khác nhau so với một doanh nghiệp. Cách định giá trường học cũng không khác một doanh nghiệp.

Theo đó phải định giá, xác định giá trị tài sản hữu hình và vô hình. Sau đó xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển cho đơn vị đó trong tương lai theo mô hình doanh nghiệp. Trên cơ sở đó xây dựng phương án CPH bán cho người lao động, bán cổ phần ra công chúng, chọn cổ đông chiến lược. Với người lao động là các chuyên gia giỏi thì được bán cổ phần với tỉ lệ cao hơn so với khối doanh nghiệp. Đó chính là những cơ chế mà Nhà nước ưu đãi cho những người là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Giờ thực tập mô phỏng chuyến bay của học sinh lớp tiếp viên hàng không K46 Học viện Hàng không VN - Ảnh: Như Hùng
Giờ thực tập mô phỏng chuyến bay của học sinh lớp tiếp viên hàng không K46 Học viện Hàng không VN - Ảnh: Như Hùng

Giá trị nguồn nhân lực là sức hút nhà đầu tư

* Với các trường học việc định giá tài sản sẽ khó khăn hơn doanh nghiệp, nhất là tài sản vô hình?

- Việc định giá đã có hướng dẫn của quy định pháp luật. Với quy trình như hiện nay và theo quyết định 22 của Thủ tướng và các văn bản pháp luật khác thì tôi cho rằng không có khó khăn gì. Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành cơ bản đầy đủ các quy trình trong CPH từ định giá tài sản, xây dựng phương án giống như nâng cao lên việc xây dựng một kế hoạch tự chủ.

Trước đây, không có cơ chế nên các đơn vị sự nghiệp công lập huy động nguồn lực bên ngoài vào rất khó khăn vì phải hoạt động theo cơ chế đơn vị sự nghiệp. Sau này cơ chế mở ra, chuyển sang mô hình doanh nghiệp kinh doanh giáo dục trong hoạt động giáo dục thì sẽ mở rộng hơn.

Hiện nay, về giá trị nguồn nhân lực thì chúng ta không định giá vì những cái đó rất khó để định giá lại. Nhưng đây cũng chính là sức hút mà các nhà đầu tư quan tâm tới khi CPH.

* Hiện nay đã có nhà đầu tư quan tâm tới CPH hai đơn vị trên chưa? Bộ GTVT có tin tưởng các trường này sẽ tăng chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội và ngành GTVT sau khi CPH?

- Hiện nay cũng có một vài nguồn quan tâm nhưng chưa rõ ràng. Sau này trên cơ sở định giá giá trị của các đơn vị đó mới xây dựng phương án. Sau đó có tiêu chí nhà đầu tư chiến lược cụ thể thì mới xem họ có lọt vào không. Như Học viện Hàng không đào tạo chuyên ngành hàng không thì sẽ có sự quan tâm của các hãng hàng không là nơi đang sử dụng nguồn nhân lực từ đây nhiều nhất để hoàn thiện chuỗi dịch vụ của họ thay vì họ phải đi đặt hàng, thuê nước ngoài đào tạo.

Mong muốn của Bộ GTVT là CPH để huy động các thành phần kinh tế khác, giảm sự lệ thuộc của các đơn vị đó vào Nhà nước và cung cấp những dịch vụ, sản phẩm tốt hơn. Tin tưởng là sẽ CPH thành công như bệnh viện vừa rồi.

Cái thuận lợi của trường học, bệnh viện mà Bộ GTVT thực hiện CPH là trường đang có học viên, bệnh viện đang có bệnh nhân. Đó là cái quan trọng nhất, nghĩa là tôi đang có thị trường, đang có nguồn nhân lực đã được đánh giá, được ghi nhận. Với nền tảng họ đang có, chúng tôi muốn bổ sung vào nguồn lực từ bên ngoài của các thành phần kinh tế khác để nâng cao cơ sở vật chất, tăng cường đào tạo thêm nguồn nhân lực nữa nhằm phát triển lên.

Phải đầu tư chiều sâu

* Dư luận nghi ngại CPH trường học có sự tham gia của tư nhân sẽ đặt mục đích lợi nhuận cao hơn chất lượng hoặc thay đổi mục đích sử dụng tài sản, đất đai ở các đơn vị đó. Ý kiến của ông thế nào?

- Tất cả mọi nhà đầu tư đều hướng tới mục đích cuối cùng là lợi nhuận. Nhưng để đạt được lợi nhuận với giáo dục, y tế thì phải đầu tư chiều sâu. Và cuối cùng phải có khách hàng, có thị trường thì mới có lợi nhuận. Khi đào tạo sinh viên tốt thì mới có thêm sinh viên theo học. Ví dụ như sau CPH, họ hướng tới việc đào tạo chuẩn hóa như khu vực và quốc tế thì cuối cùng chất lượng được nâng cao với giá thành hợp lý của thị trường.

Thứ hai, sau khi CPH việc hỗ trợ của Nhà nước cho giáo dục cũng sẽ đúng mục đích, đối tượng hơn. Trước đây, Nhà nước hỗ trợ cho cả đơn vị sự nghiệp công lập nhưng sau CPH sẽ chuyển từ hỗ trợ tổ chức sang hỗ trợ cho đối tượng. Nghĩa là những học viên khó khăn, gia đình chính sách thì sẽ trực tiếp nhận chính sách hỗ trợ của Nhà nước thay vì Nhà nước hỗ trợ cho cả tập thể nhà trường như trước đây. Chuyển hóa như vậy thì đúng mục đích hơn sẽ hiệu quả hơn.

Còn nghi ngại nhà đầu tư nắm cổ phần rồi chuyển đổi mục đích sử dụng tài sản thì đã có quy định trong năm năm không được chuyển đổi. Còn đơn vị đó đang làm dịch vụ y tế hay giáo dục thì vẫn thực hiện theo quy hoạch. Chuyển đổi mục đích đất phải thực hiện theo quy định về dịch vụ đất đai, theo quy hoạch của địa phương chứ không được tùy tiện. Việc đó không đáng nghi ngại.

TUẤN PHÙNG thực hiện (tuanphung@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên