Giáo viên Trường THPT Phú Điền “đột kích” nhà em Gia Bảo - Ảnh: Ngọc Tài |
Với nhiều phụ huynh, sự có mặt của những vị khách không mời này là rất bất thường nhưng với học trò lại hết sức bình thường vì cứ vào cao điểm ôn thi, các em lại nhận được “hung tin”: “Bắt đầu từ tuần này thầy cô sẽ kiểm tra việc ôn tập của các em, liệu hồn ở nhà học bài nhé”. Về phần mình, giáo viên xem những chuyến đi ban đêm ban hôm như thế giống như những chuyến “đột kích”.
Sự quan tâm càng trở nên có ý nghĩa khi kịp thời giúp các em vượt qua giai đoạn khó khăn và người thầy, người cô không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là người đồng hành với học trò thân yêu của mình |
Thầy Nguyễn Thanh Tiền (giáo viên chủ nhiệm lớp 12CBA Trường THPT Phú Điền) |
Những vị khách không mời
20g, xe vừa trờ tới chợ cá, thầy Lê Văn Út (hiệu phó Trường THPT Phú Điền), thầy Nguyễn Thanh Tiền (giáo viên chủ nhiệm lớp 12CBA), cô Lê Thị Xuân Lan (chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên) rảo chân qua các lối đi nhớp nháp, mùi cá của ban ngày vẫn còn phảng phất đâu đó trên các sạp hàng.
Cộc, cộc,... cộc, cộc, cộc,... tiếng gõ cửa gấp gáp càng lúc càng lớn nhưng cánh cửa quầy tạp hóa Diệu Hiền vẫn đóng im ỉm. Thầy Tiền gọi vài cuộc điện thoại ngay sau đó nhưng vẫn không có người trả lời. “Mấy người là ai, làm gì mà giờ này gõ cửa um sùm vậy?” - một thanh niên dáng người cao to đứng gần đó hỏi. Lúc này cánh cửa quầy tạp hóa mới hé mở. “Dạ mời thầy cô vào nhà” - Huỳnh Phi Hơn, học sinh lớp 12CBA, lí nhí nói.
Góc học tập của Phi Hơn chính là chiếc giường ngủ khá chật hẹp, bao quanh là rất nhiều kiện hàng hóa chất cao. Phi Hơn loay hoay dọn dẹp một số thùng cactông để bày mấy chiếc ghế mời thầy cô ngồi, nhưng càng dọn lại càng bừa bộn. Thầy Út nhanh nhảu: “Thầy cô ngồi trên giường em cũng được”.
Đảo mắt một vòng thầy Út chú ý đến mẩu giấy nhỏ với dòng chữ lý 7, hóa 7,5, toán 8,5, tổng cộng 23 điểm. “Mục tiêu cao vầy định thi vào trường nào vậy Hơn” - thầy Út mở đầu. Hơn bắt đầu lấy lại được bình tĩnh rồi nở nụ cười: “Nếu đạt được mục tiêu con định đăng ký vào Đại học Bách khoa. Có khó quá không thầy?”.
Nắm được sức học của học trò, thầy Tiền liền trấn an: “Con cố gắng hết mình thầy nghĩ con sẽ làm được, nhưng lúc rày thầy cô bộ môn thường phàn nàn con đi học trễ. Thầy thấy con đừng có thức khuya quá, phải biết sắp xếp thời gian học và nghỉ ngơi hợp lý, nhất là phải tập thói quen dậy sớm một chút. Đến lúc thi cũng quen giờ giấc, thức sớm chuẩn bị dụng cụ, ăn sáng, có tâm lý thi tốt. Con quen dậy trễ tới lúc đó không thức nổi, đến phòng thi trễ, làm bài không tốt thì uổng lắm”.
Hơn chăm chú lắng nghe, trên khóe mắt bắt đầu hoe đỏ: “Tới nhà em thầy cô không còn là những người đứng lớp nghiêm khắc mà là người thân của em”. Trời bất chợt đổ mưa, cuộc trò chuyện của bốn thầy trò vẫn sôi nổi, lúc là chuyện ôn tập sao cho hiệu quả, khi thì việc tìm nhà trọ, những việc cần lưu ý trong phòng thi.
Cực thì có cực, nhưng...
Buổi “đột kích” của thầy cô tối hôm trước nhanh chóng râm ran trong đám học sinh vào sáng hôm sau. Đứa “bị” thầy cô đột ngột kiểm tra kể lại với giọng vừa hãnh diện vừa run run. Việc thông tin lan truyền với tốc độ chóng mặt lại rất đúng với ý đồ của giáo viên, vì các em hiểu rằng thầy cô không phải dọa mà sẽ làm thật. Hơn nữa học trò cũng không lường trước được hôm nào thầy cô sẽ ghé thăm nên hầu như đều ở nhà tập trung ôn tập.
Với những giáo viên nhiều lần đến thăm nhà học sinh như thầy Út, thầy Tiền hay cô Lan, những chuyến đi lại càng vun bồi tình yêu nghề, nhất là khi tận mắt chứng kiến những cảnh nhà túng thiếu, những góc học tập tạm bợ, những con đường đến trường xa xôi và không bằng phẳng mà các em vẫn quyết chí học hành làm thầy cô cảm thấy rất vui.
“Lắm lúc tới nhà mới phát hiện các em còn ham chơi, cha mẹ ít quan tâm. Lúc đó mình không về liền mà ở lại tìm hiểu hoàn cảnh gia đình rồi tỉ tê với phụ huynh để họ hiểu mà quan tâm đến các em hơn. Khi giáo viên tận tình với học sinh, lâu ngày các em cũng hiểu và ráng học hơn. Sự quan tâm của thầy cô đối với các em chẳng bao giờ là uổng phí cả, và việc lù lù tới nhà người ta vào buổi tối cực thì có cực nhưng hiệu quả nên đến giờ vẫn duy trì” - thầy Út tâm sự.
Hai năm trước việc “đột kích” được giao cho các thầy cô chủ nhiệm. Đối tượng thường là những học sinh quậy, học lực trung bình yếu. Tuy nhiên, năm nay do tính chất quan trọng của kỳ thi THPT quốc gia, nhà trường quyết định sẽ cử một nhóm giáo viên bao gồm lãnh đạo nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, Đoàn trường hoặc hội liên hiệp thanh niên. Đối tượng học sinh cũng mở rộng sang những học sinh khá giỏi để động viên tinh thần các em. Trung bình mỗi tuần giáo viên sắp xếp đi từ 3 - 4 buổi tối. Thời gian kết thúc của những chuyến đi cũng tùy hôm, tùy quãng đường xa gần nhưng ít khi nào các thầy cô trở về trước 22g.
Ngoài việc động viên các em chăm học, những chuyến đi thế này thầy cô còn phát hiện được những hoàn cảnh khó khăn để quyết định hùn hạp tiền hỗ trợ “nóng” cho các em. Có khi chỉ là dăm chục ngàn hoặc vài trăm ngàn đồng nhưng khi ra về giáo viên cảm thấy nhẹ lòng. Những trường hợp quá sức thì thầy cô sẽ trình bày lại lãnh đạo nhà trường và ban đại diện cha mẹ học sinh để hỗ trợ học bổng cho các em.
Phụ đạo miễn phí 2.000 tiết/năm Trường THPT Phú Điền là ngôi trường khá “khuất nẻo” và chỉ mới thành lập được chín năm. Mặc dù thế ngôi trường làng này đã có nhiều thành tích đáng nể như năm học 2008 - 2009 trong khi cả nước tỉ lệ tốt nghiệp khá thấp thì tỉ lệ tốt nghiệp của trường đạt 84%, đứng thứ tư cả tỉnh. Ba năm gần đây trường đều duy trì tỉ lệ tốt nghiệp 100%, tỉ lệ đỗ đại học cao đẳng dao động từ 40 - 50%. Ngoài ra, hằng năm thầy cô còn tổ chức dạy phụ đạo miễn phí hơn 2.000 tiết và duy trì đã được chín năm qua. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận