![]() |
Dinh tỉnh trưởng Sa Đéc đầu thế kỷ 20 |
Triển lãm sẽ trưng bày hơn 100 tài liệu về lịch sử và quá trình biến đổi địa giới hành chính tỉnh Đồng Tháp với ba chủ đề lớn. Đây là những tài liệu đang được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia.
Đồng Tháp thời kỳ phong kiến gồm các văn bản ghi chép việc mở cõi tại Nam Bộ dưới thời các chúa Nguyễn, gắn với tên tuổi của những vị quan có nhiều công lao như Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Văn Thư, Trần Văn Năng…
Trong các cuộc khai hoang lập ấp này, địa giới tỉnh Đồng Tháp nằm trong tổng Kiến Đăng của dinh Trấn Định thuộc huyện Kiến Đăng, tỉnh Định Tường và đạo Đông Khẩu của dinh Long Hồ thuộc huyện Vĩnh An, tỉnh An Giang.
Đồng Tháp thời kỳ Pháp thuộc giới thiệu một số văn bản do thống đốc Nam Kỳ ban hành về việc thay đổi địa giới hành chính như chia tách, thành lập, xác định ranh giới các hạt thanh tra thuộc Đồng Tháp.
Thời kỳ này, Đồng Tháp phần lớn nằm trong địa giới tỉnh Sa Đéc và năm tỉnh: Tân An, Mỹ Tho, Long Xuyên, Châu Đốc và Cần Thơ.
Đồng Tháp thời kỳ 1945 – 1975 gồm các văn bản về việc phân chia ranh giới hoặc sáp nhập các tỉnh Nam Bộ, trong đó có tỉnh Đồng Tháp.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đồng Tháp thuộc các tỉnh Long Châu Tiền và Long Châu Sa.
Năm 1950 tỉnh Đồng Tháp Mười được thành lập trên cơ sở một số xã của các huyện Cai Lậy, Cái Bè tỉnh Mỹ Tho; Cao Lãnh tỉnh Sa Đéc và Mộc Hóa tỉnh Tân An.
Dưới chế độ Việt Nam cộng hòa, tỉnh Kiến Phong được lập năm 1956, trên cơ sở quận Cao Lãnh và các phần đất thuộc các tỉnh Mỹ Tho, Long Xuyên, Châu Đốc cũ. Tỉnh Sa Đéc được lập năm 1965 trên cơ sở quận Châu Thành và quận Lai Vung cũ.
Ông Hà Văn Huề, giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, cho biết hiện nay những tài liệu lưu trữ có niên đại hình thành trước năm 1945 mà địa phương còn lưu giữ được rất ít, hầu như không có trong các lưu trữ tỉnh. Điều này gây không ít khó khăn đối với các nhà nghiên cứu khi tìm hiểu tra cứu nguồn sử liệu gốc để thực hiện đề tài nghiên cứu về lịch sử địa phương trước 1945.
Vì vậy, những tài liệu trưng bày lần này là những minh chứng xác thực, cung cấp thông tin quan trọng để làm sáng tỏ hơn về những thay đổi địa giới hành chính tỉnh Đồng Tháp trước 1975.
Ông Đoàn Tấn Bửu, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ việc trưng bày hình ảnh, tư liệu (văn bản hành chính, sắc phong, văn bia, bản đồ…) phản ánh đầy đủ quá trình xác lập và biến đổi địa giới hành chính của tỉnh sẽ giúp người xem hiểu rõ hơn về lịch sử Đồng Tháp qua các thời kỳ, góp phần vun đắp tình yêu và trách nhiệm đối với quê hương cũng như quảng bá du lịch của tỉnh.
Triển lãm sẽ kéo dài hết ngày 31-5.
![]() |
Chợ Tân Phú Đông |
![]() |
Nhà lồng chợ Cao Lãnh thập niên 1950 |
![]() |
Nhà việc Mỹ Trà |
![]() |
Sắc Nguyễn Trọng Trì |
![]() |
Sắc phong Thư Ngọc hầu Nguyễn Văn Thư, người huyện Kiến Phong, Định Tường, năm Gia Long thứ 13 (1814) |
![]() |
Sắc Thành hoàng bổn cảnh thôn Tân Tịch, huyện Vĩnh An, Phủ Tân Thành, năm Tự Đức thứ 7 (1854) |
![]() |
Sắc Thành hoàng thôn Tân An 1845 |
![]() |
Tỉnh Sa Đéc trước 1950 |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận