13/11/2022 10:40 GMT+7

Dòng sông ở Sài Gòn bị biệt thự xâm lấn mỗi ngày

TỰ TRUNG
TỰ TRUNG

TTO - Giữa tháng 10-2022, Tuổi Trẻ nhận được thư của chị Thủy Vũ. Chị xót xa kể về chuyện dòng sông bị lấp thành vườn cây bên cạnh một ngôi biệt thự lớn ven dòng Rạch Đĩa, huyện Nhà Bè, TP.HCM.

Dòng sông ở Sài Gòn bị biệt thự xâm lấn mỗi ngày - Ảnh 1.

Những hàng cọc được cắm và đổ đất đá lấn bờ sông tại ngã ba Rạch Đĩa - Cây Bông, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè (TP.HCM) - Ảnh: TỰ TRUNG

Từ thư của bạn đọc Thủy Vũ, phóng viên Tuổi Trẻ đã đi xác minh thực tế sự việc. Trong những ngày chờ trả lời từ cơ quan chức năng địa phương, dòng sông vẫn tiếp tục bị lấp. 

Ai là chủ công trình này? Và cơ quan chức năng sẽ xử lý như thế nào? Trong khi chờ đợi thêm thông tin từ cơ quan chức năng, Tuổi Trẻ gửi đến bạn đọc hình ảnh và câu chuyện công khai lấn sông này.

Sáng 13-10, tại đoạn sông Rạch Đĩa, khu bán đảo giữa rạch Cây Me và rạch Cây Bông, cạnh một khu biệt thự rộng hàng ngàn mét vuông, xe đào đất và xe ben đang san lấp bờ sông.

Ở mặt tiền phía giáp dòng sông bị lấp,có một cái cọc đã được đóng như kiểu "cắm mốc" lấn ra sông giáp với sông Rạch Đĩa. Một khoảnh đất vừa lấp xong rộng ra hàng chục mét vuông. Đất lấp tới đâu, những cây cổ thụ được đưa đến trồng tới đó, trong khi nguyên trạng bờ sông trước đó là những bụi dừa nước.

Sáng 18-10, chúng tôi quay lại hiện trường. Ở chỗ cây cọc hôm nọ, khoảng lấn chiếm nhọn như "mũi tàu" đã thành góc tù, khoảng san lấp hoàn chỉnh ước tính rộng hàng trăm mét vuông. Trên khoảnh đất mới ấy, một xe cuốc đang vội vã san gạch đá xà bần xuống từ một xe ben loại 5 tấn. Hơn 30 phút theo dõi, chúng tôi đếm được ba lượt xe chở gạch đá vào. Người dân khu vực cho biết khoảng một tháng nay mỗi ngày có hàng chục lượt xe ben chở xà bần vào đây.

Đến sáng 20-10, toàn bộ hai mặt tiền giáp rạch thoát nước cho khu dân cư và bờ sông Rạch Đĩa đã lộ rõ hàng trăm mét vuông sân vườn gần như hoàn chỉnh.

Ngày 25-10, quay lại đoạn sông này trên một chiếc thuyền nhỏ, chúng tôi tận mắt chứng kiến sự biến đổi của bờ sông. Những rặng dừa nước, bần ổi tự nhiên đã hoàn toàn biến mất, thay vào đó là những cây bonsai cổ thụ, những gốc sứ trắng vừa được trồng xuống sát mép nơi vừa lấn ra sông. Bên các gốc cây, chiếc xe cuốc vẫn đang miệt mài làm việc…

Tuổi Trẻ trực tiếp đem sự việc đến phản ánh với UBND huyện Nhà Bè. Sau hai tuần, ông Hà Minh Tân, trưởng Phòng quản lý đô thị huyện Nhà Bè, cho biết huyện đã được phản ánh về việc một hộ dân lấn chiếm bờ sông tại khu vực ngã ba sông Phước Long - rạch Cây Bông và UBND xã Phước Kiển đã từng lập biên bản.

Theo quy định mới, việc quản lý sông lớn do Trung tâm quản lý đường thủy (Sở Giao thông vận tải TP.HCM) quản lý. Vậy nên khi phát hiện lấn sông, địa phương sẽ cùng cơ quan quản lý đường thủy phối hợp xử lý. Theo quy định, bước đầu xã sẽ lập biên bản xử phạt hành chánh, yêu cầu tháo dỡ công trình. Trường hợp người dân không khắc phục thì sẽ xử lý theo quy định cưỡng chế trả lại hiện trạng ban đầu.

Ông Tân cho biết thêm thời gian qua huyện và xã đã xử lý một số vụ việc hộ dân làm chuồng gà, chuồng heo trên mặt sông và trên địa bàn chưa xảy ra trường hợp nào xây nhà lấn sông.

Sau khi trao đổi với cơ quan chức năng, chúng tôi quay lại hiện trường. Chiếc xe máy xúc vẫn đang cần mẫn làm việc. Đoạn bờ sông đã thành vườn cây. Và chị Thủy Vũ, bạn đọc đã báo tin cho chúng tôi, lại xót xa khi nhìn dòng sông lúc nước ròng: "Mặt sông đã hẹp hẳn lại, thành eo thắt ngay đoạn ấy. Vườn cây thênh thang nhà ai rất đẹp, nhưng dòng sông bị đe dọa. Và tôi lại mới thấy hàng cọc nữa nhô lên. Ai sẽ giúp tôi cứu dòng sông này?".

Tôi đang sống trong một khu căn hộ ở Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP.HCM. Nhà xoay hướng phía đông nam, nhìn về Nhà Bè. Ngày ngày tôi đều đứng ở các cửa sổ nhìn ngắm dòng sông Rạch Đĩa - Phước Long uốn lượn phía dưới và những rặng dừa nước xanh rì ngút mắt.

Nhưng vài tháng nay, tôi phải chứng kiến một cảnh tượng lạ bên dòng sông Rạch Đĩa. Ngay tầm nhìn của tôi, bên ngã ba Rạch Đĩa - rạch Cây Me - rạch Cây Bông có một căn biệt thự ngói đỏ với sân vườn bao quanh rất đẹp. Và những sà lan liên tiếp đổ những thứ như đất cát xuống lòng sông, quanh khu vực bờ sông bao quanh khu nhà đó.

Chẳng lẽ đây là cách chủ nhà tại đó muốn biến khúc sông đó thành đất vườn nhà mình sao? Chỉ ít lâu sau, một hàng cây to đã được trồng xuống ngay chỗ trước đó chỉ là những rặng dừa nước. Lòng sông đã bị thu hẹp đáng kể.

Cách nay mấy tuần, từ căn nhà đó lại tiếp tục xuất hiện cần cẩu vươn ra đóng cọc xuống lòng sông. Chỉ hai ngày, một hàng cọc đã được đóng xuống lòng sông, lần này lấn rất xa ra phía giữa sông. Tôi không thể tin vào mắt mình!

Thêm hàng chục tấn đất đá sắp được đổ xuống để biến lòng sông này thành một cái lạch nước hay sao? Tôi không thể tiếp tục im lặng quan sát dòng sông bị bức hại thêm nữa. Chủ nhân căn biệt thự kia không thể là chủ nhân của dòng sông, không thể có quyền bức tử dòng sông theo cách này.

Tôi viết thư này khẩn thiết gửi đến báo Tuổi Trẻ, mong công luận hãy lên tiếng để các cấp chính quyền đến cứu dòng sông Rạch Đĩa, trả lại sự sống cho dòng sông xanh êm đềm của cả quận 7 và Nhà Bè.

Bạn đọc Thủy Vũ (quận 7, TP.HCM)

Dòng sông ở Sài Gòn bị biệt thự xâm lấn mỗi ngày - Ảnh 3.

Ngày 13-10: lấn tới đâu thì hàng cổ thụ được trồng tới đó - Ảnh: TỰ TRUNG

Dòng sông ở Sài Gòn bị biệt thự xâm lấn mỗi ngày - Ảnh 4.

Ngày 18-10: xe ben nhỏ và máy đào san lấp lấn chiếm bờ sông - Ảnh: TỰ TRUNG

Dòng sông ở Sài Gòn bị biệt thự xâm lấn mỗi ngày - Ảnh 5.

Ngày 20-10: hai mặt tiền sông rạch Cây Bông và sông Rạch Đĩa bị lấn - Ảnh: TỰ TRUNG

Dòng sông ở Sài Gòn bị biệt thự xâm lấn mỗi ngày - Ảnh 6.

Ngày 25-10: xe ben vẫn tiếp tục đổ đất đá và hàng cây cổ thụ hoàn chỉnh ở mép sông - Ảnh: TỰ TRUNG

Dòng sông ở Sài Gòn bị biệt thự xâm lấn mỗi ngày - Ảnh 7.

Ngày 10-11: xe đào đất đang làm đẹp mặt bằng vừa lấn sông - Ảnh: TỰ TRUNG

Mong ai cũng được tận hưởng sông Sài Gòn

Chỉ cần dỡ bỏ một bức tường thì ai cũng có thể đi vào con đường tuyệt đẹp ven sông Sài Gòn dài hơn 1,5km từ cầu Văn Thánh đến cầu Thủ Thiêm 1 ra hướng trung tâm TP.HCM và ngược lại.

Con đường này đang sử dụng cho nội bộ trong khu đô thị. Nhiều người đến đây phải quay vòng cả cây số trở ra đường Nguyễn Hữu Cảnh. Tình trạng này không phải cá biệt. Theo thống kê, hơn 116 lô đất trong hành lang sông Sài Gòn có 76 công trình đã xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng, cơ quan chức năng đã có quyết định cưỡng chế hoặc yêu cầu tháo dỡ từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.

Thậm chí có những công trình xây dựng ra tận lòng sông. Còn rất nhiều nhà hàng và dự án bất động sản lấn chiếm sông Sài Gòn với những căn biệt thự, cao ốc, nhà hàng sang trọng mọc san sát nhau. Hành lang bờ sông Sài Gòn dọc đường Nguyễn Hữu Cảnh và Nguyễn Văn Hưởng trước đây là các dải đất trống được bao phủ hoa cỏ, mảng xanh, ít dân cư, không ngập nước, không ùn tắc giao thông, nhưng nay phần nhiều đã không còn là đất công cộng phục vụ cộng đồng.

Quỹ đất hai bên sông lâu nay như bị bỏ quên nên xảy ra tình trạng lấn chiếm, xây dựng bừa bãi. Quỹ đất ven sông Sài Gòn được cho là vị trí "kim cương", tiếc rằng tài sản chung vô giá này chưa được "đánh thức" để tối ưu hóa lợi ích xã hội, góp phần giảm kẹt xe và thoát nước.

Đã có bao nhiêu đề xuất quy hoạch thiết kế phục vụ cộng đồng, xây dựng đường ven sông nhưng chỉ dừng ở ý tưởng và các dải đất này lại nằm trong các dự án bất động sản.

Bờ đông phía TP Thủ Đức và bờ tây phía trung tâm cần được thông suốt, có dải công viên cây xanh và nơi sinh hoạt cộng đồng để ai cũng có thể dạo bộ, đạp xe, ngắm cảnh, tham quan, du lịch, ngắm sông... Hành lang bảo vệ sông Sài Gòn phải được xem là tài sản công, không ai có thể chiếm dụng của công.

Cần rà soát, kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý và sử dụng hành lang bờ sông Sài Gòn. Công trình xây dựng vi phạm đã được xác định, lập biên bản, kết luận và ban hành quyết định cưỡng chế cần thực thi kịp thời.

Cẩn trọng trong việc cấp phép thêm các dự án ảnh hưởng mặt tiền sông. Nếu đã có quy hoạch cục bộ nhưng không phù hợp thì cũng nên điều chỉnh sao cho hài hòa lợi ích để ai cũng có thể được tận hưởng sông Sài Gòn.

Phú Mỹ Hưng đã trở thành tên gọi đầy ấn tượng về đô thị hiện đại văn minh tại quận 7, TP.HCM. Công viên và các cung đường được đưa vào phục vụ cộng đồng, ai cũng có thể lưu thông, lại vừa là một địa điểm cho nhiều người đến vui chơi, dạo bộ, ngắm cảnh, chụp ảnh.

Các dự án khu đô thị ven sông Sài Gòn cũng nên phóng khoáng, mở cửa với cộng đồng như Phú Mỹ Hưng thì càng tạo thêm giá trị.

TRẦN VĂN TƯỜNG

Vụ lấn sông Hàn: Sẽ điều chỉnh quy hoạch Vụ lấn sông Hàn: Sẽ điều chỉnh quy hoạch

TTO - 'TP sẽ đàm phán với nhà đầu tư một phương án điều chỉnh quy hoạch phù hợp nhất, làm thế nào đó tăng diện tích không gian công viên cây xanh cảnh quan ven sông', ông Đặng Việt Dũng, phó chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng, nói.

TỰ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên