13/07/2013 09:22 GMT+7

"Đống nợ" chồn nhung đen

TIẾN LONG
TIẾN LONG

TT - Nhiều hộ dân đang khốn khổ với một vật nuôi mới du nhập được gọi tên là “chồn nhung đen”. Nuôi không được mà bán cũng không xong vì chưa có trong danh mục cho phép, trong khi người bán giống chồn này từng cam kết tiêu thụ đã “lặn” mất tăm.

L0sDkETD.jpgPhóng to
Khốn khó theo chồn nhung đen - Ảnh: T.L.

Vào tháng 5-2013, ông Lê Viết Tăng (huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) mua 40 con giống chồn nhung đen với giá 2 triệu đồng/con do ông Đoàn Việt Châu (Hoàng Mai, Hà Nội) cung cấp. Theo thỏa thuận, khi chồn đẻ ra con giống đủ 400g, ông Châu sẽ bao tiêu sản phẩm với giá 1 triệu đồng/con, người chăn nuôi phải trả cho ông Châu phí vận chuyển 500.000 đồng/con giống. Ông Châu còn yêu cầu các hộ nuôi cam kết không được bán giống cho bất cứ ai.

Sau khi nuôi được hơn một tháng thì bị chính quyền phát hiện, ông Tăng gọi điện cho ông Châu thì nhận được câu trả lời “đang chờ quyết định của Bộ NN&PTNT” rồi “lặn” mất tăm, không ai liên lạc được. Trong khi đó, sau khi địa phương phong tỏa không cho mua bán, gia đình ông Tăng như ngồi trên lửa do không biết giải quyết “đống nợ” này như thế nào. “Nếu bây giờ tự ý hủy thì khi ông Châu trở lại, tui lấy đâu ra chồn mà nhận lại tiền. Nhưng cứ chờ thế này mãi cũng khốn khổ theo con chồn” - ông Tăng nói.

Riêng gia đình ông Lê Văn Lộc (Phú Vang) chỉ mới nhận nuôi thử 100 con chứ chưa trả tiền cho ông Châu. Theo ông Lộc, sau ba tháng đàn chồn đã đẻ được 26 con đủ tiêu chuẩn 400g, nhưng không liên lạc được với ông Châu nên gia đình ông đã xin UBND xã và tiêu hủy đàn chồn. Đến thời điểm này, cơ quan chức năng tại Thừa Thiên - Huế chỉ mới phát hiện bảy hộ đang nuôi chồn nhung đen với tổng số hơn 700 con. Tuy nhiên, thực tế chồn nhung đen còn xuất hiện ở thành phố Huế cùng nhiều địa bàn ngoài huyện Phú Vang.

Ông Đặng Ái, chuyên viên Sở NN&PTNT Thừa Thiên - Huế, cho biết không chỉ người nuôi mà ngay cả cơ quan chức năng cũng không biết giải quyết như thế nào. Sở đã có tờ trình xin ý kiến Cục Chăn nuôi để có biện pháp xử lý cụ thể. Nếu cho nuôi thì phải nuôi như thế nào, có nên cho khoanh vùng nuôi thử nghiệm hay không? Còn nếu tịch thu thì biện pháp xử lý như thế nào, tiêu hủy, thả hay nhốt ở đâu?

Có thể gây hậu quả khó lường

Bà Nguyễn Thị Hoa Quỳ, trưởng phòng chăn nuôi Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, cho biết sau khi có khuyến cáo từ Cục Chăn nuôi về việc nuôi chồn nhung đen, sở đã yêu cầu các địa phương thống kê số lượng, báo cáo tình hình, đồng thời khuyến cáo người dân không nên nuôi đại trà loài vật này vì chưa có trong danh mục được phép. Trong khi đó, tiến sĩ Cao Thị Lý (ĐH Tây nguyên), chuyên gia về động vật, cho biết thực chất chồn nhung đen là một loài gặm nhấm và sinh trưởng rất nhanh. Chồn nhung đen có xuất xứ ngoại lai và khá mới đối với VN nên cần có nghiên cứu, nuôi thử nghiệm. “Khi chưa có những nghiên cứu về loài, về tính hiệu quả thì chưa nên cho người dân nuôi với số lượng lớn vì có thể gây ra những hậu quả khó lường sau này” - tiến sĩ Lý nói.

Ông Nguyễn Bá Hồng - chủ trang trại Hồng Tiến (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), một trong những địa chỉ nuôi chồn nhung đen số lượng lớn tại Đắk Lắk - cho biết năm 2010, gia đình ông đã mua bảy cặp giống tại Viện Nghiên cứu chăn nuôi (Hà Nội) về nuôi thử. Điều ngạc nhiên là loài này sinh trưởng rất nhanh, mỗi năm một con cái có thể đẻ 4-5 lứa, mỗi lứa 2-6 con. Cho đến cuối năm 2012, trang trại Hồng Tiến đã bán hàng trăm cặp chồn nhung đen giống tại tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, mấy tháng trở lại đây chồn nhung đen được đưa về từ Trung Quốc bán khá nhiều nên trang trại này đã ngưng bán chồn nhung đen ra ngoài và không mua vào nữa.

TR.TÂN

TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên