06/02/2009 08:19 GMT+7

Động đất Tứ Xuyên là do nhân tai?

HIẾU TRUNG (Theo AP)
HIẾU TRUNG (Theo AP)

TT - Một đập nước nhân tạo có thể chính là nguyên nhân gây ra thảm họa động đất tại tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) hồi tháng 5-2008.

MykVHIC2.jpgPhóng to
Đập Tử Bình Phô bị nứt trong trận động đất ở Tứ Xuyên - Ảnh: AP

Có những cơ sở để dẫn đến kết luận đáng buồn trên. Đập nước Tử Bình Phô (Zipingpu), lớn nhất tại Tứ Xuyên, nằm cách đường nứt gãy gây ra địa chấn vỏn vẹn 550m và gần tâm chấn động đất. Quy mô của nó càng đáng nói: đập nước Tử Bình Phô cao tới 156m, trọng lượng của hồ chứa nước trong đập lên đến 315 triệu tấn.

Tiền lệ ở Ấn Độ

Ông Phạm Hiểu (Fan Xiao), kỹ sư trưởng Cục Địa chất và khoáng sản Tứ Xuyên, cho rằng trọng lượng khổng lồ của hồ chứa nước Tử Bình Phô có thể đã làm đường nứt gãy mong manh hơn, ảnh hưởng đến thời điểm động đất xảy ra và cường độ của nó. Dù động đất không phải là chuyện hiếm khi xảy ra ở Tứ Xuyên, nhưng theo ông Phạm, địa chấn có cường độ mạnh đến thế chưa từng xuất hiện suốt hàng ngàn năm qua. “Động đất sẽ xảy ra kể cả khi không có con đập, nhưng con đập có thể đã thay đổi thời điểm và cường độ địa chấn khiến nó trở nên mạnh hơn rất nhiều” - chuyên gia Phạm khẳng định.

Theo AP, ông Phạm là một trong nhiều chuyên gia đặt nghi vấn về vai trò của đập Tử Bình Phô. Hồi tháng 1-2009, tạp chí Science đã có bài viết trích dẫn quan điểm của các chuyên gia này. Mới đây, báo chí Trung Quốc cũng đăng tải một nghiên cứu kết luận con đập Tử Bình Phô thật sự có ảnh hưởng đến các rung động địa chấn trong khu vực.

Trên thực tế, giới khoa học thừa nhận các hồ chứa nước lớn có thể gây áp lực lên các đường nứt gãy nằm sâu trong lòng đất dẫn tới động đất. Các nhà khoa học cũng thừa nhận đập nước có thể gây động đất với cường độ nhỏ, phần lớn dưới 5 độ Richter. Hồ chứa nước với đập Koyna chính là nguyên nhân gây ra trận động đất 6,4 độ Richter làm ít nhất 180 người thiệt mạng tại Maharashtra (Ấn Độ) năm 1967.

Hiện chưa rõ phía Trung Quốc có biết về đường nứt gãy ở Tứ Xuyên trước khi động đất xảy ra hay không. Giới khoa học cho biết phần lớn các trận động đất tại Trung Quốc là kết quả của việc kiến tạo địa tầng Ấn Độ di chuyển về phía bắc va vào địa tầng Âu - Á. Đường nứt gãy gây động đất ở Tứ Xuyên là một đường ranh giới chủ chốt giữa lòng chảo Tứ Xuyên và cao nguyên Tây Tạng. “Nếu được xây ở Mỹ, con đập đó đã không gần một đường nứt gãy đang hoạt động đến thế” - nhà địa chất học David Schwartz thuộc Cơ quan Nghiên cứu địa chất Mỹ (USGS) nhận xét.

Yếu tố thời gian

Trận động đất 7,9 độ Richter tại Tứ Xuyên tháng 5-2008 đã cướp đi sinh mạng 70.000-80.000 người, đẩy hơn 5 triệu người rơi vào cảnh mất nhà cửa.

Tuy vậy, cũng có nhiều nhà khoa học phủ nhận nhận định đập Tử Bình Phô là nguyên nhân chính dẫn đến thảm họa động đất ở Tứ Xuyên. Nhà địa chất Lôi Hưng Lâm (Lei Xinglin), thuộc Cơ quan động đất Trung Quốc, nói sẽ ngớ ngẩn nếu cho rằng con đập gây ra động đất bởi cơn địa chấn là quá lớn. Còn chuyên gia Ro van der Hilst của Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) khẳng định trọng lượng của hồ chứa nước đập Tử Bình Phô không đủ lớn để gây động đất.

Tuy nhiên, phần lớn chuyên gia thừa nhận con đập có thể là yếu tố khiến cơn địa chấn diễn ra sớm hơn dự kiến. Nhà địa chất học Christian Klose thuộc ĐH Columbia (Mỹ) ước tính đập Tử Bình Phô tạo ra áp lực cao gấp 25 lần so với áp lực đường nứt gãy tích tụ trong một năm, dù rất nhỏ so với áp lực tự nhiên tích tụ trong hàng ngàn năm. Dù vậy, áp lực phụ do con đập tạo ra có thể là đủ khiến trận động đất xảy ra sớm hơn hàng chục năm so với “thời biểu” tự nhiên.

“Nó giống như một tòa lâu đài trên cát rung chuyển trong gió mạnh, bạn chạm rất nhẹ vào nó và nó sụp đổ” - chuyên gia David Schwartz so sánh. Trận động đất chắc chắn sẽ xảy ra, chỉ có điều là trong một khoảng thời gian sau đó nếu không có con đập. Các nhà khoa học đang lên tiếng kêu gọi tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về tác động của đập nước đối với các xung động địa chất trong lòng đất để rút ra kết luận cuối cùng.

Trong những năm qua, chính quyền Trung Quốc liên tục xây dựng nhiều con đập lớn để xây nhà máy thủy điện nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng đang bùng nổ và giảm lũ lụt. Giới khoa học trong và ngoài Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo về việc các con đập nhân tạo khổng lồ có thể gây tác động nghiêm trọng đến cấu trúc tự nhiên của các con sông và dẫn đến những thảm họa sinh thái. Đập Tam Hiệp, dự án thủy điện lớn nhất thế giới, được xây dựng để ngăn lũ lụt trên sông Dương Tử và tạo nguồn năng lượng thay thế, nhưng trong thời gian qua đã gây ra vô số vấn đề cho chính quyền Trung Quốc, từ chuyện tái định cư cho đến những vụ lở đất khiến nhiều người thiệt mạng.

HIẾU TRUNG (Theo AP)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên