12/11/2012 04:57 GMT+7

Đón sương bằng các giác quan!

MINH TRANG
MINH TRANG

TT - Nghe chiếc giày, cành cây và cả những giọt sương sớm... kể chuyện đã trở thành “đặc sản” của nhóm múa độc lập Arabesque.

Trở lại lần này vào hai đêm 13 và 14-11 tại Nhà hát TP.HCM, Sương sớm - một trong những vở dựng thành công nhất của Arabesque - lại hứa hẹn nhiều bất ngờ...

12LvY2ng.jpgPhóng to

Một cảnh trong Sương sớm đã công diễn lần đầu tại VN tháng 7-2012, trước đó vở từng ra mắt tại Hàn Quốc - Ảnh: Trần Tiến Dũng

Cách đây không lâu, trước khi sô tái diễn lần năm của vở Chuyện kể những chiếc giày ra mắt cuối tháng 8-2012, gặp biên đạo múa Tấn Lộc trên sân tập của Nhà hát TP vào một buổi chiều muộn, tay xách giày, người nhễ nhại mồ hôi, anh bảo: “Tôi không biết người ta múa đương đại như thế nào nhưng với Arabesque, chúng tôi tự thấy đã dùng đến ngôn ngữ hình thể thì trước phải đẹp, sau phải có câu chuyện để kể cho khán giả xem”.

Quả thật khi xem xong suất tái diễn ấy, khán giả đã hoàn toàn bất ngờ vì những “thay đổi không được báo trước” khiến vở diễn sắc nét, sinh động và ấn tượng hơn hẳn lần đầu công diễn tháng 9-2009.

Sương sớm lần này cũng trở lại trong tâm thế đón nhận háo hức như vậy với ít nhiều thay đổi. Ví như nghệ sĩ vào vai chàng nông dân múa cặp cùng NSƯT Tố Như lần này không phải là Ngọc Anh - một diễn viên chuyên nghiệp, dạn dĩ trên sân khấu - mà là Genta Fujikawa, chàng trai sinh ra và lớn lên ở đất nước mặt trời mọc. “Ngọc Anh là một chọn lựa rất an toàn. Nếu Anh diễn, tôi tin vở sẽ hoàn hảo. Nhưng biết đâu đấy, mạo hiểm sẽ mang lại bất ngờ” - biên đạo Tấn Lộc chia sẻ. Còn Genta - đã sống ở VN hơn sáu năm nay, bập bẹ được vài câu tiếng Việt - bộc bạch: “Đời sống nông dân ở đâu cũng giống nhau. Em cũng xuất thân từ miền quê lên. Chỉ diễn lại thôi mà cảm giác nhớ quê cứ cồn cào”...

Bước vào không gian tập luyện của các nghệ sĩ Arabesque tại rạp Lệ Thanh chiều 4-11, năm giác quan lập tức căng phồng để đón lấy từng chuyển động khe khẽ xung quanh. Mũi được hít hà mùi sả chanh thơm nồng khoan khoái. Tai nghe tiếng dế trũi kêu inh ỏi, tiếng gõ mõ, chuông chùa xa vọng. Mắt được xoe tròn với những đạo cụ lạ: quang gánh, thúng mủng, gáo dừa... dính đầy những hạt thóc vàng. Vị giác được chiêu đãi ly nước mủ trôm mát dịu, thanh thanh, cắn cái bánh bò chấm vừng thơm ngọt. Tay chạm vào chiếc đũa cả có khắc chữ “sương sớm” mà không khỏi bùi ngùi về một ký ức tuổi thơ xa xôi...

Cơm thì bữa nào người Việt chẳng ăn, thế nên hạt gạo trở thành điều bình thường nhất trong số những điều bình thường, nhưng “Ai ơi bưng bát cơm đầy. Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần” - câu ca dao muôn đời vẫn cứ văng vẳng ấy đã thôi thúc những nghệ sĩ múa trẻ mong mỏi được tìm về với “chân đất, đầu trần”. Mà phải đâu chỉ là sự khó nhọc, buồn vui của nhà nông, Sương sớm còn là bức tranh lộng lẫy về làng quê Việt xưa.

Có câu chuyện vui là trong quá trình chuẩn bị cho Sương sớm lần này, cả đoàn múa đã phải chia nhau về miền Tây... săn tìm đạo cụ! Giữa Sài Gòn hiện đại, tìm đâu nia, thúng, máy đập lúa bằng tay? “Cô bán thúng dặn dò: cái này đựng đồ chơi chơi thôi à nghen, bỏ gạo nặng vào là nó sút ráng chịu. Thế là mua thúng rồi lại tự mua dây về niền lại cho chắc mà... đựng gạo. Nghĩ chừng 20 năm nữa, chắc mấy thứ này thành... cổ vật hết quá!” - nghệ sĩ Tấn Lộc nửa đùa nửa thật.

170kg gạo đã được vận chuyển lên sân khấu. Và 15 nghệ sĩ múa, nhạc sĩ Tôn Thất An (hiện đang sống tại Pháp), nhạc sĩ Đức Trí, nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng, nghệ sĩ cải lương Hồng Thắm... cùng thiết kế phục trang của Thuận Việt sẽ đồng tâm hiệp lực để chuyển tải bảy chương múa nhiều cảm xúc của Sương sớm lần này với lời hứa: sẽ để khán giả đón sương bằng tất cả các giác quan!

Chuyện kể những... chiếc vé

0VzhfJLS.jpgPhóng to

Biên đạo múa Tấn Lộc - Ảnh: Trần Tiến Dũng

Nghệ sĩ Tấn Lộc chia sẻ: “Mỗi lần làm một chương trình, anh em phải ngồi lại “bão não” (brainstorm - tìm ý tưởng) đến... bại não luôn về cái khoản chi - thu. Ai cũng biết nghệ sĩ của Arabesque sống bằng tiền đi diễn hội nghị, diễn... đám cưới, gom góp nhặt nhạnh, vận động hành lang dữ dội lắm mới làm được một chương trình không có tài trợ mà vừa đủ huề vốn, không bị lỗ như mấy chương trình gần đây. Rồi mọi người lại hỏi tiếp: thế không lời, làm làm gì? Tôi chỉ biết nói đó là công sức, mồ hôi của anh chị em múa. Nó không quy đổi ra tiền được! Chẳng lẽ lại cứ ngồi nghe người ta chê ỏng eo, chê mình khi nào mới có nổi một vở múa thu hút đến độ khán giả phải tranh nhau mua vé đi xem như ở trời Tây? Phải làm thôi, cách này không được, cách kia không được, rồi tìm được một cách, dù chỉ được một nửa thì cũng phải làm”.

Vậy nên cũng bớt ngạc nhiên khi không có một vé mời nào được phát ra lần này, kể cả dành cho báo chí! Sương sớm dừng lại ở mức từ 150.000-600.000 đồng/vé - một mức giá tương đối dễ chịu trong thị trường giải trí hiện nay. Nhưng trăn trở của những người làm sô lại là làm sao có thể giảm giá thêm nữa cho sinh viên, mà nghe chừng khó quá! “Nếu giảm giá còn 100.000 đồng/vé cho các bạn sinh viên thì mỗi người của nhóm múa sẽ phải bù thêm 50.000 đồng cho một vé bán ra. Thật tình là kẹt cho các bạn lắm!”. Sự cân đong đo đếm ấy, nghĩ lại cứ thấy... thương thương cho người làm nghệ thuật.

MINH TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên