16/12/2012 07:14 GMT+7

Dồn sức để Phú Quốc cất cánh

NGUYỄN TRIỀU - HOÀNG TRÍ DŨNG
NGUYỄN TRIỀU - HOÀNG TRÍ DŨNG

TT - Đây là tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị sơ kết tám năm thực hiện đề án phát triển đảo Phú Quốc đến năm 2010, tầm nhìn năm 2020, diễn ra ngày 15-12.

23aczvTn.jpgPhóng to

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đại biểu tham quan nhà ga sân bay quốc tế Phú Quốc sáng 15-12 - Ảnh: Nguyễn Triều

Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Văn Thi - chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - cho biết qua tám năm thực hiện quyết định 178, tình hình kinh tế - xã hội của Phú Quốc đã chuyển biến rõ nét. Đáng kể nhất là Phú Quốc luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bình quân 22%/năm, GDP năm 2012 ước đạt 2.145 tỉ đồng, gấp gần năm lần năm 2004. Hiện thu nhập bình quân đầu người của Phú Quốc đạt 50 triệu đồng/người/năm, bằng 5,78 lần so với tám năm trước.

Đề xuất “cởi trói” cơ chế

Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Thi, dù Phú Quốc là một trong năm khu kinh tế ven biển được ưu tiên đầu tư nhưng khung chính sách đi kèm không đồng bộ, như một “chiếc áo chật” khiến Phú Quốc chưa thể phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế của một huyện đảo nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á. “Một số cơ chế, chính sách trong đầu tư - xây dựng còn ràng buộc nhiều vấn đề, gây mất nhiều thời gian, nhất là trong đấu thầu tư vấn, thi công. Chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư không ổn định, thiếu nhất quán làm các nhà đầu tư hoang mang, chưa thu hút được nhà đầu tư lớn có năng lực tầm cỡ thế giới” - ông Thi liệt kê.

Để thu hút đầu tư, tổ công tác nghiên cứu cơ chế, chính sách phát triển đảo Phú Quốc kiến nghị áp dụng giá đất giao cho các nhà đầu tư thống nhất theo từng khu vực, thay vì theo từng dự án như hiện nay. Các dự án đầu tư trên đảo Phú Quốc được tiếp tục hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án, không phân biệt dự án đầu tư mới hay nâng cấp, mở rộng để tạo sự bình đẳng cho tất cả nhà đầu tư.

Tổ công tác cũng kiến nghị cho phép Ban quản lý phát triển đảo Phú Quốc được giải quyết đăng ký kinh doanh theo thẩm quyền và quy mô vốn tương đương cấp tỉnh. Nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, du khách nước ngoài, cần điều chỉnh kéo dài thời hạn lưu trú miễn thị thực của người nước ngoài đến Phú Quốc từ 15 ngày lên 30 ngày. Ngoài ra, cần cho phép Việt kiều được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Phú Quốc và người nước ngoài cư trú tại VN được mua nhà để ở và được thuê đất ở lâu dài trên đảo Phú Quốc.

Về quy hoạch, tổ công tác kiến nghị Thủ tướng giao chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang quyết định thuê tư vấn trong hoặc ngoài nước xây dựng đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2020 tầm nhìn 2030 để trình Thủ tướng phê duyệt.

Phú Quốc sẽ là đặc khu hành chính kinh tế

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cơ bản thống nhất với kiến nghị của tổ công tác và khẳng định sự phát triển của Phú Quốc không chỉ có ý nghĩa riêng với huyện đảo này, của tỉnh Kiên Giang mà còn thúc đẩy sự phát triển của cả vùng Nam bộ và của cả nước. Thủ tướng đồng ý cho phép ứng vốn từ nguồn trái phiếu chính phủ từ nay đến năm 2015 để tập trung đẩy nhanh tiến độ, thi công hoàn tất các công trình hạ tầng giao thông.

“Đường trục Bắc - Nam nối An Thới, Dương Đông lên khu vực bắc đảo và đường vòng quanh đảo là xương sống, là mạch máu nên phải ưu tiên làm nhanh để tạo động lực cho Phú Quốc phát triển. Tương tự, phải tính việc phát triển cơ sở lưu trú cho du khách vì sân bay quốc tế chúng ta có rồi, bến cảng cũng có rồi nhưng thiếu đường đi, thiếu chỗ ở là không thể phát huy tác dụng” - Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam đẩy nhanh tiến độ khởi công dự án kéo cáp ngầm từ đất liền ra đảo ngay trong đầu năm 2013. Ngoài ra cũng lưu ý một trong những tài sản lớn nhất của Phú Quốc là rừng, do đó bằng mọi giá phải bảo vệ được rừng và bảo vệ bằng được môi trường trong lành trên đảo.

Thủ tướng giao Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh - trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ - chủ trì cùng các bộ ngành dự thảo quyết định mới thay thế quyết định 178 trên cơ sở những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ tướng Chính phủ để giải quyết nhanh, tháo gỡ vướng mắc hỗ trợ thúc đẩy Phú Quốc phát triển. Đồng thời xây dựng đề án đề xuất mô hình thành lập đặc khu hành chính - kinh tế Phú Quốc trực thuộc trung ương lộ trình đến năm 2020 để Chính phủ trình Bộ Chính trị quyết định. Trước mắt từ nay đến năm 2015 tỉnh Kiên Giang cần tập trung xây dựng Phú Quốc thành TP trực thuộc tỉnh.

Khánh thành sân bay quốc tế Phú Quốc

* Thông tin VietJet Air của gia đình một lãnh đạo là bịa đặt

Sáng 15-12, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đã được khánh thành tại xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, Kiên Giang. Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt và sân bay quốc tế Phú Quốc là sân bay đầu tiên được xây dựng mới hoàn toàn kể từ ngày thống nhất đất nước. Thủ tướng biểu dương nỗ lực của chủ đầu tư, đơn vị thi công, UBND tỉnh Kiên Giang trong việc phối hợp triển khai hoàn thành dự án đúng tiến độ.

Dự án có tổng mức đầu tư 3.000 tỉ đồng, do Tổng công ty Cảng hàng không VN đầu tư. Đường băng hạ cất cánh dài 3.000m, rộng 45m. Sân đậu máy bay có năm vị trí đậu máy bay Boeing 747 hoặc bố trí cho tám máy bay Airbus A321. Các hạng mục quan trọng khác như đài kiểm soát không lưu, nhà ga hành khách, phòng chờ... được thiết kế hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong đó, nhà ga hành khách được xây dựng hai tầng, có khả năng phục vụ trên 2,65 triệu hành khách/năm.

* Cũng trong sáng 15-12, tại sân bay quốc tế Phú Quốc đã diễn ra lễ cắt băng khai trương đường bay TP.HCM - Phú Quốc của Hãng hàng không VietJet Air.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng, việc hãng hàng không tư nhân như VietJet Air khai trương đường bay TP.HCM - Phú Quốc chứng tỏ các hãng hàng không tư nhân hoàn toàn được cạnh tranh bình đẳng với hãng hàng không nhà nước. Trước đó, Vietnam Airlines cũng đã khai trương đường bay Hà Nội - Phú Quốc.

Ông Thăng cho biết VietJet Air được hình thành từ vốn góp của 30 cổ đông là các tổ chức, cá nhân người VN, trong đó có bốn cổ đông sáng lập vào tháng 9-2007, với số vốn góp khoảng 500 tỉ đồng. Thời điểm hiện tại VietJet Air có 20 cổ đông là các tổ chức, cá nhân VN, với số vốn góp là 600 tỉ đồng, trong đó các cổ đông có số vốn góp lớn nhất là: Công ty cổ phần Sovico (42,512%, tương ứng 225,05 tỉ đồng), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (30%, 180 tỉ đồng), ông Nguyễn Thanh Hùng (19%, 114 tỉ đồng), Ngân hàng HD Bank (5%, 30 tỉ đồng), Công ty cổ phần đầu tư Bắc Hà (1%, 6 tỉ đồng), bà Nguyễn Thanh Hà (0,5%, 3 tỉ đồng). Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: “Thông tin cho rằng Hãng hàng không VietJet Air của gia đình một lãnh đạo của Đảng, Nhà nước là bịa đặt”.

NGUYỄN TRIỀU - HOÀNG TRÍ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên