28/12/2013 16:26 GMT+7

Dồn nguồn lực hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số thoát nghèo

HƯƠNG GIANG
HƯƠNG GIANG

TTO - “Chúng ta không thể chấp nhận và thấy rất phản cảm khi người mới đến thì giàu có, nhà cao cửa rộng, còn nhà bên cạnh của người dân tộc thiểu số thì vẫn dột nát...".

GFfew38n.jpgPhóng to
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử (thứ ba và tư từ trái) gặp gỡ các đại biểu về dự hội nghị sáng 28-12 - Ảnh: H.Giang

Đó là phát biểu của ông KSor Phước - ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội - tại Hội nghị triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 do Ủy ban Dân tộc tổ chức sáng 28-12 tại Hà Nội.

Là một người tâm huyết và gắn bó lâu năm với công tác dân tộc thiểu số (DTTS), ông KSor Phước tha thiết: “Đây là hội nghị về công tác dân tộc. Chúng ta không nói thì ai nói?”.

Đại diện nhiều tỉnh có đông người DTTS đã nêu lên những khó khăn khác nhau của địa phương mình trong công tác DTTS.

Ông Nguyễn Hữu Hải, phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, nói địa phương ông có rất nhiều dân sống gần rừng nhưng không biết làm gì để kiếm ăn: đất canh tác ít và luật bảo vệ rừng không cho phép họ khai thác rừng như cũ nhưng lại chưa có cơ chế, chính sách lâm nghiệp tạo điều kiện để dân sống gần rừng sống được nhờ rừng. “Phải giúp dân sống nhờ rừng thì mới bảo vệ được rừng, nếu không càng giữ càng mất” - ông Hải nói.

8riAr4OL.jpgPhóng to
Các đại biểu tại Hội nghị sáng 28-12 tại Hà Nội - Ảnh: H.Giang

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Quyền, phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa, đề nghị Chính phủ tổng điều tra chính sách DTTS để chính sách nào bất cập thì loại bỏ, dồn nguồn lực hạn hẹp cho những chính sách có ích và sát thực tiễn, hiệu quả.

Ông cũng khuyến nghị nên xem xét việc đặt ra thời hạn hỗ trợ người nghèo thoát nghèo để tránh hiện tượng ỷ lại, đợi chờ: “Những ai có điều kiện sức khỏe, ruộng đất thì chỉ nên hỗ trợ 3-5 năm".

Ông KSor Phước cho biết đầu năm nay Hội đồng Dân tộc đã thực hiện khảo sát ở 10 tỉnh thành phát triển kinh tế nhất (TP.HCM, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng,…). Các tỉnh này có 1,1 triệu người DTTS - chiếm gần 10% trong tổng số hơn 13 triệu người DTTS cả nước - nhưng không có đại biểu Quốc hội nào là người DTTS. Về khoảng cách giàu nghèo cũng “quá trời quá đất”: chỉ so sánh ở cấp huyện, tỉ lệ hộ nghèo của người DTTS cao hơn ba lần người Kinh.

Để giải quyết tình trạng này, theo ông KSor Phước, phải xây dựng đoàn kết nhân dân: “Điều này cần vai trò lãnh đạo của Đảng, tổ chức của chính quyền và vai trò của các tổ chức đoàn thể. Các tỉnh đã có làm nhưng vẫn còn ít. Cần xây dựng và nhân rộng mô hình kết nghĩa ngay tại từng địa bàn giữa người Kinh và người DTTS".

Kết thúc hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định công tác DTTS là việc làm của cả hệ thống chính trị: "Đây là việc làm của cả hệ thống chính trị chứ không riêng của người làm công tác dân tộc, riêng miền núi, Tây nguyên… Càng không thể khoán trắng cho các địa phương được".

HƯƠNG GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên