05/03/2012 08:40 GMT+7

Đòn lừa qua cầu thần

DÃ QUỲ
DÃ QUỲ

TTC - “Quả cầu thần” hay còn gọi là quả cầu phong thủy, thật ra chỉ là đồ chơi phong thủy mang tính tượng hình mỹ thuật. Nhưng người bán luôn thổi vào đó những câu chuyện kỳ bí như giúp phát tài phát lộc, trừ tà, giúp thăng quan tiến chức...

E29xHo09.jpgPhóng to

Thật giả lẫn lộn

Dạo một vòng trên những con đường như Hai Bà Trưng, Phan Đình Phùng, Phan Đăng Lưu, Cộng Hòa, Trần Quốc Thảo, 3/2... ta dễ dàng bắt gặp những cửa hàng chuyên bán đồ phong thủy như tượng phật, lân, long, hổ. Trong đó nhiều nhất là các quả cầu có chất liệu bằng đá thạch anh, ru bi, mắt mèo, dạ minh châu, xà cừ...

Nhìn bề ngoài, nó chẳng khác gì một vật vô tri vô giác, chỉ có giá trị làm đẹp trên bàn làm việc hay tủ thờ. Thế nhưng, với người bán, bao giờ họ cũng “nổ” đó là “vật may mắn, mua về có thể cầu được lộc-tài, có thể giúp chủ nhân kiềm chế sự nóng nảy trong giao tiếp, tăng cường khả năng thành công trong sự nghiệp”.

Hay “Giúp tăng cưởng cảm xúc trong bán cầu não, kích thích sự sáng tạo. Tăng cường sự tin cậy trong tình yêu”... Nghe mà cứ như rót mật vào tai, như thể ai “ngu lâu dốt bền khó đào tạo” mua quả cầu thần về là bỗng nhiên thông minh tột đỉnh không bằng!

Trong vai một người đi mua “quả cầu thần” về biếu sếp, tôi có mặt tại một cửa hàng chuyên đồ chơi phong thủy trên đường P.Đ.P. tôi được cô nhân viên “chăm sóc” khá chu đáo. Chỉ tay vào quả cầu phong thủy có màu xanh đá thạch anh, và hỏi giá thì cô làm luôn một hơi: “Anh mua quả cầu này về biếu sếp là thế nào cũng được sếp cho lên chức, vì đây là quả cầu thần, mang lại may mắn, không những cho người sở hữu (người được tặng) mà còn mang lại may mắn cho cả người mua. Hàng mới nhập về, anh lấy đi em bán giá vốn rẻ cho”. Hỏi lại: “rẻ là bao nhiêu?”.

Cô đáp tỉnh bơ nghe mà muốn đổ mồ hôi hột: “Tám triệu thôi, chứ bình thường là mười triệu đó anh”. Tôi chợt nhớ lời dặn được xem là “kinh nghiệm xương máu” của ông bạn mê đồ phong thủy: “mua hàng đó dễ bị mua nhầm đồ dỏm, vì không ít dân buôn chế quả cầu thần có ruột bên trong là nhựa poli, hay tạp chất vớ vẩn”. Và cũng theo lời ông cho biết thì hiện nay các thợ chế tác đồ mỹ nghệ dỏm rất tinh xảo, bên trong có thể là nhựa poli, cát hoặc chì, rồi phủ bên ngoài lớp nhựa màu, sau đó gọt dũa và xịt dầu bóng lên, thật giả lẫn lộn khó nhân biệt.

Làm ra vẻ có thành ý muốn mua, tôi nâng quả cầu lên xem thì thấy nó nhẹ hẫng. Biết gặp phải cửa hàng muốn “bán hàng dỏm, thu tiền thật” tôi đánh liều hỏi giọng bỡn cợt: “Quả cầu thần gì mà nhẹ vậy em? nhìn chẳng giống thần tí nào!”. Nghe thế, cô ta đáp giọng bực tức: “Em là nhân viên, chủ dặn sao em bán vậy, anh có ngon thì chờ em gọi ông chủ tới nói chuyện với anh”. Nghe tới hai chữ “có ngon” bỗng nhiên tôi liên tưởng đến một gã giang hồ “mặt đầy tiền án, trán đầy tiền sự” nên cười giã lả và dzọt lẹ.

Lời ngọt chết… tiền

Thường thì khi bán mặt hàng gì, người ta phải nói năng “ngọt như đường cát, mát như đường phèn” để khách xiêu lòng. Bởi thế người ta mới nói “mật ngọt chết ruồi”, nhưng dân buôn bán lại chế tác thành “lời ngọt chết tiền”, và không nói ra thì ai cũng biết, tiền bị chết là tiền của khách hàng háo ngọt như chuyện ông V. chẳng hạn. Làm nghề kinh doanh gạo, thức ăn gia súc, nên hàng ngày ông V. thường cầm trong tay số tiền lớn, nhưng không hiểu sao, dạo này ông thường hay bị mất tiền mà không hiểu lý do? Lúc ít thì vài trăm, khi nhiều thì vài ba triệu, thậm chí cả chục triệu.

Đáng lý ra, khi phát hiện mình mất tiền, ông nên mua két sắt, kiểm tra tủ đựng tiền bán hàng, đằng này ông lại nghe lời đường mật của một bà chủ bán hàng phong thủy, vốn là mối mua gạo của ông rằng: “Anh nên qua cửa hàng em, mua một tượng thần la hán về đặng ổng giữ của, đuổi bọn trộm cắp cho anh và mua thêm quả cầu thần về để buôn bán đắt hàng, vợ chồng hạnh phúc, con cái chăm ngoan”. Nghe bùi tai, sẵn có máu mê tín, ông qua tậu liền quả cầu thần và tượng thần La Hán với gia gần 20 triệu. Hí hửng mang về nhà, hy vọng gia đình hạnh phúc, “có thần giữ của, mua may bán đắt” như lời bà chủ của hàng phong thủy. Nhưng hạnh phúc đâu chưa thấy, đã bị bà vợ làm cho một trận vì cho rằng ông phung phí tiền bạc, nhưng ông vẫn lạc quan tếu nghĩ rằng bị vợ cằn nhằn, nhưng khỏi bị ăn trộm tiền, coi như “trong cái rủi có cái may”.

Thế mà hôm sau, ông lại buồn như đưa đám vì tiền vẫn bị mất. Thế là ông quyết định rình xem ai là thủ phạm, thì hoảng hồn khi biết thủ phạm là con trai mình. “Do cái hộc tủ đựng tiền của tui bị hở khoảng 5cm so với mặt gầm bàn, nên thằng con giả vờ ra ngồi học bài rồi luồn tay xuống lấy. Vừa buồn con, lại mất lòng tin vào “quả cầu thần” nên tôi mang qua trả thì bả không chịu nên cãi nhau một trận nảy lửa, giờ tui cho người ta quả cầu đó rồi” Ông kể. “Thần gì mà thần, lừa đảo thì có, giờ nghĩ lại mới biết mình ngu, làm gì có “quả cầu thần” nào giúp vợ chồng hạnh phúc, con cái chăm ngoan, nếu mình không dạy con.” - ông nói giọng bức xúc.

Cùng bị lừa như ông V. là bà L. phần vì lớn tuổi, con cái yên bề gia thất, nên bà thường hay đi chùa để tâm hồn thanh tịnh, cầu phật phù hộ cho bà sống lâu sống khỏe, vợ chồng con cháu hạnh phúc. Bà còn có cái thú mê sưu tầm các tượng phật bằng đồng, đá các loại về chưng trong tủ thờ. Ngày nọ vô tình bà lạc vào một cửa hàng bán đồ phong thủy và được cô nhân viên giới thiệu cho một “quả cầu thần” với tên gọi “quả cầu đá kim sa” kèm theo những lời có cánh: “Giúp tăng sự tự tin,mang lại niềm vui, tinh thần sảng khoái khơi dậy lòng biết ơn... đặc biệt là trong thiền định và cầu nguyện”.

Nghe cô nhân viên nói như rót mật vào tai đúng với tâm nguyện của mình, và cô còn quả quyết: “đây là đá nguyên khối, nhập từ nước ngoài về” nên bà bỏ ra hơn chục triệu mà không thấy tiếc. Thế nhưng, chưa kịp vui, chưa kịp sảng khoái thì “quả cầu thần” bị con mèo làm rơi xuống đất vỡ tan, nhìn “quả cầu thần” bằng “đá nguyên khối”, bên trong toàn là cát, bà giận tím ruột. “Biết mình bị lừa thì muộn rồi, hơn nữa nó vỡ tan như thế, làm sao mà mang ra trả cho người ta. Thôi thì coi như số tiền đó mình bỏ ra mua kinh nghiệm và trí khôn.” - Bà kể giọng chua chát.

Phong trào chơi đồ phong thủy, “quả cầu thần” ngày một nở rộ khắp nơi. Nhưng tìm cho được một “quả cầu thần” có công lực thần kỳ như lời quảng cáo chẳng khác nào “mơ giữa ban ngày”.

7d9OcePh.jpgPhóng to
Tuổi Trẻ Cười số 446 ra ngày 15/02/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái!

DÃ QUỲ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên