21/09/2013 09:55 GMT+7

Đơn giản cho dân nhờ

BÁ TRUNG
BÁ TRUNG

TT - Chẳng phải vô cớ mà thông tin “Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM kiến nghị cấp giấy chủ quyền cho nhà, đất xây dựng trái phép từ ngày 1-7-2004 đến ngày 1-5-2009 hoặc đất mua bán giấy tay sau ngày 1-7-2004” đăng trên Tuổi Trẻ ngày 20-9 được nhiều người quan tâm.

Bởi theo tính toán trên sổ sách của các quận, huyện mà có thể chưa sát thực tế thì đã có đến 35.500 nhà, đất cần được cấp giấy chứng nhận trong năm nay.

Nhiều khả năng đề xuất này sẽ được chấp thuận vì trước đó (ngày 2-8), tại hội nghị xử lý các vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Bộ Tài nguyên - môi trường cũng đưa ra giải pháp tương tự cho đất mua giấy tay. Song điều cần cân nhắc là các thời hạn đó có hợp lý hay không để tới đây các địa phương thoát được tình cảnh người mong cấp giấy lại không được, người muốn cấp giấy cũng không xong.

Theo ý kiến của Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM thì có hai mốc thời gian liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận nhà đất là 1-7-2004 (thời điểm Luật đất đai năm 2003 có hiệu lực) và 1-5-2009 (thời điểm nghị định 23/2009 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng... có hiệu lực). Thế nhưng theo nghị định 88/2009 thì còn một mốc thời gian nữa để áp dụng cho việc chứng nhận quyền sở hữu nhà ở: ngày 1-7-2006 (thời điểm Luật nhà ở có hiệu lực), cụ thể là nhà không có giấy tờ hợp lệ nhưng được xây dựng trước ngày 1-7-2006 vẫn được xem xét cấp giấy chứng nhận. Về nguyên tắc, nghị định không được vượt luật. Khi Luật đất đai và Luật nhà ở đã đưa ra hai mốc 1-7-2004 và 1-7-2006, có nên chỉ lấy mốc 1-7-2004 và 1-5-2009 (do nghị định 23/2009 “đẻ” ra) hay chỉ được chấp nhận hai mốc của luật?

Đối với các nhà, đất không hợp pháp, khi chốt thời hạn để cấp giấy chứng nhận, có lẽ ý chí của nhà làm luật là muốn cảnh báo, ngăn chặn vi phạm theo kiểu lỡ mua, lỡ xây trước luật thì được “xí xóa” nhưng sau khi có luật rồi thì đừng hòng! Để rồi từ đó hai bộ là Bộ Tài nguyên - môi trường và Bộ Xây dựng đã tham mưu để Quốc hội lần lượt ban hành hai luật khác nhau quy định hai thời điểm khác biệt trong khi nhà nào mà không gắn với đất?

Khi công tác quản lý nhà, đất vốn phức tạp, việc mạnh ai nấy ra quy định dễ khiến sự việc trở nên rối rắm hơn. Thay vì làm cho pháp luật đơn giản, dễ nhớ, dễ thực hiện thì cấp có thẩm quyền đã gây khó cho không chỉ người dân mà cả các cơ quan thực hiện khi luôn phải chạy theo sau để xử lý nhà trái phép, chính quyền có nên chủ quan ấn định thời điểm để rồi phải nhiều lần gia hạn? Nếu đồng ý chọn ngày 1-5-2009 để “khóa sổ” như đề xuất của Sở Tài nguyên - môi trường thì những nhà, đất được tạo lập không đúng quy định sau ngày này sẽ được tính thế nào?

Chẳng lẽ lại là điệp khúc “tha - xử - tha - xử” tương ứng là có thêm nhiều mốc thời gian “ân xá” mới và kéo theo đó là tâm lý lờn luật của cả xã hội?

Trong việc cấp giấy chứng nhận nhà, đất, có phải cứ liên tục xét đến thời điểm vi phạm như cách làm lâu nay? Với các phân tích nêu trên, câu trả lời nên là “không” để không ai bị “hoa mắt” với hết mốc thời điểm này đến mốc thời điểm khác. Chuẩn chung của việc cấp giấy cho mọi trường hợp chỉ nên là có phù hợp với quy hoạch và có tranh chấp hay không, kèm theo đó là các nghĩa vụ tài chính theo quy định.

BÁ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên