12/01/2011 03:37 GMT+7

Đờn ca tài tử và 4 kiến nghị

Q.NGUYỄN - M.TRANG
Q.NGUYỄN - M.TRANG

TT - Hội thảo quốc tế “Nghệ thuật đờn ca tài tử và những lối hòa đàn ngẫu hứng” (diễn ra từ ngày 9 đến 11-1 tại khách sạn Rex, TP.HCM) đã khép lại trong không khí hết sức thân thiện, cầu tiến, hòa đồng và chia sẻ.

Đờn ca tài tử: Triển vọng thành di sản nhân loại

wQz6Nd97.jpgPhóng to
Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: Thuận Thắng

Hội thảo đã phần nào đặt ra và giải quyết những vấn đề cơ bản của loại hình âm nhạc này trong đời sống tinh thần của người dân Nam bộ, cũng như với nền văn hóa thế giới.

33 tham luận của các đại biểu trong và ngoài nước cũng như tất cả các phần thảo luận trong khuôn khổ hội thảo đều được ban tổ chức lưu lại và đưa vào kỷ yếu hội thảo, để bổ trợ cho Hồ sơ quốc gia về đờn ca tài tử trình UNESCO vào thời gian tới.

Với cương vị là chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, GS Tô Ngọc Thanh đã khép lại chương trình hội thảo với 10 vấn đề đã được thông qua cũng như những vấn đề còn bỏ ngỏ, sẽ tiếp tục được tranh cãi và tìm ra hướng giải quyết. Về tên gọi của hồ sơ lần này vẫn chưa được thống nhất do những ý kiến trái chiều về hai chữ “tài tử”.

Về nguồn cội của đờn ca tài tử, hội thảo đã xác nhận chung rằng nó xuất phát từ 20 bài tổ lấy từ âm nhạc cung đình Huế và đã được dân gian hóa (cũng có ý kiến cho rằng đờn ca tài tử xuất phát từ nhạc ngũ âm hoặc từ những người lái ghe bàu).

Hội thảo cho rằng tính ngẫu hứng đều có trong quan họ, hát ví, hát dặm... nhưng lại là nét đặc trưng hết sức tiêu biểu trong nghệ thuật đờn ca tài tử.

Việc xác minh xem đờn ca tài tử là nhạc chuyên nghiệp hay nhạc dân gian vẫn còn bị bỏ ngỏ. Hội thảo coi đó là thứ âm nhạc ở trình độ của một nền văn hóa chuyên nghiệp nhưng vận hành theo phong cách dân gian. Nghệ thuật đờn ca tài tử ở mỗi vùng miền có đặc điểm riêng, đó là ưu điểm thể hiện năng lực sáng tạo vượt trội của nhân dân các vùng miền, cần được lưu giữ và trân trọng xứng đáng...

Sự có mặt của Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, TS Hồ Anh Tuấn, vào những phút cuối của hội thảo đã tiếp thêm sức nặng cho những băn khoăn, kiến nghị của các đại biểu, trong đó bốn kiến nghị lớn nhất là: đề nghị bộ cần phải có một chính sách thỏa đáng để thể hiện sự nâng niu, tôn trọng dành cho các nghệ nhân đờn ca tài tử, Sở VH-TT-DL TP.HCM cùng bộ nên tiếp tục tổ chức những hội thảo chuyên sâu tương tự để tìm ra hướng đi cho nghệ thuật đờn ca, công tác đào tạo nguồn nhân lực mới theo cả hai hình thức đào tạo tại chỗ (cha truyền con nối) và đào tạo trường lớp cần được đẩy mạnh hơn.

Và cuối cùng mối quan hệ giữa đờn ca tài tử và du lịch cần có những chính sách phù hợp.

Trả lời cho những băn khoăn này, thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cho biết: “Hiện nay bộ đang xây dựng một đề cương về phát triển văn hóa dân gian đến năm 2020, song song đó là đề án về giáo dục văn hóa dân gian ở trường học”.

GS Trần Văn Khê, cố vấn khoa học của hồ sơ lần này, đúc kết: “Tôi đã dọn đường cho việc đưa đờn ca tài tử trở thành di sản văn hóa phi vật thể nhân loại từ cách đây gần 50 năm. Năm 1963, tôi đã nói chuyện với giám đốc Nhạc viện Paris đưa đờn ca tài tử vào loạt đĩa nhạc Unesco Collection. Năm 1972, Unesco đã đưa đờn ca tài tử vào bộ đĩa Nguồn gốc âm nhạc của mình thì không lý gì sau chừng ấy năm, với sự tiến bộ và phát triển không ngừng của nghệ thuật đờn ca tài tử, chúng ta lại không có quyền hi vọng đờn ca tài tử sẽ trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.

Hội thảo đã khép lại sau ba ngày trao đổi và bàn bạc, nhiều đại biểu đều có chung một cách nhìn: việc Việt Nam có được tiếp nhận hay không di sản văn hóa phi vật thể thứ sáu này đã không còn quan trọng, mà cái cốt lõi là sự quan tâm, giáo dục và định hướng phát triển trong tương lai của loại hình nghệ thuật này sẽ được thực hiện như thế nào (như lời nhạc sư Vĩnh Bảo) mới là điều quan trọng.

Q.NGUYỄN - M.TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên