08/11/2012 07:18 GMT+7

Đối thoại với dân để giảm khiếu kiện đất đai

VÕ VĂN THÀNH
VÕ VĂN THÀNH

TT - Quốc hội dành trọn ngày làm việc 7-11 để thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, qua giám sát cho thấy một trong những nguyên nhân của tình trạng khiếu kiện về đất đai hiện nay là công tác tiếp dân chưa được quan tâm đúng mức.

q2RhIVbS.jpgPhóng to

Đại biểu Hà Công Long đề nghị kiên quyết xử lý những diện tích quy hoạch “treo”- Ảnh: Việt Dũng

Ông Nguyễn Thái Học, phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Phú Yên, bày tỏ bức xúc: “Vì sao việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai lại theo kiểu qua loa? Vì sao tình hình khiếu kiện của công dân có những diễn biến phức tạp? Cán bộ là đầy tớ, là công bộc của dân, nhưng trên thực tế nhiều người dân cần gặp cán bộ có trách nhiệm để được trình bày nguyện vọng, để được quan tâm xem xét, giải quyết lại rất khó được đáp ứng”.

Giải quyết cơ bản 528 vụ việc tồn đọng, kéo dài

"Trong vụ việc cưỡng chế thu hồi đất ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng vừa qua có diễn biến khởi tố phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, việc khởi tố như vậy đã đúng người chưa?"

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình)

Ông Học cho rằng ở nhiều địa phương, ngoài việc tiếp dân theo định kỳ, cán bộ lãnh đạo còn tiếp xúc đối thoại với dân, qua đó đã phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc khiếu kiện phát sinh từ cơ sở. “Ngày 6-11, báo chí phản ánh việc bí thư Thành ủy TP.HCM trực tiếp tiếp xúc với dân để giải quyết hai vụ khiếu kiện. Sau khi gặp bí thư Thành ủy, công dân Nguyễn Tấn Lực đã phát biểu chỉ mất 20 phút cho gần 20 năm đi lại khiếu kiện và ông hứa sẽ rút lại đơn khiếu kiện đã gửi đến tòa án. Tôi đề nghị Chính phủ cần ban hành quy định cán bộ lãnh đạo các cấp chính quyền có nghĩa vụ chủ động tiếp xúc đối thoại với dân, xem đây là một trong những yêu cầu đổi mới phong cách, tác phong, lề lối làm việc” - ông Học nói.

Ông Nguyễn Văn Giàu - chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho biết đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kiến nghị từ nay đến cuối năm 2012 tập trung giải quyết cơ bản 528 vụ việc tồn đọng, kéo dài. Theo Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, vừa qua các cơ quan chức năng đã thành lập 28 tổ công tác đi làm việc ở 53 tỉnh, thành. Trong số 528 vụ việc nêu trên, có 58 vụ việc sau khi tổ chức đối thoại thì người dân đồng tình rút khiếu nại. Bên cạnh những vụ việc sẽ chấm dứt thụ lý, nhiều vụ việc sẽ được xem xét giải quyết lại theo đúng trình tự thẩm quyền và theo hướng có lợi cho dân...

Để giải quyết khiếu kiện về đất đai tốt hơn, ông Tranh cho rằng trước hết phải tổ chức họp liên ngành để tạo sự đồng thuận. Tiếp đó là tổ chức đối thoại công khai với người dân, mời luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi của người khiếu nại... Ông Tranh nói: “Đề nghị kỳ họp lần này Quốc hội ra nghị quyết giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai. Trong đó, bên cạnh các giải pháp chung phải đưa ra các giải pháp cụ thể, ví dụ như đối với vấn đề chuyển đơn lòng vòng phải đưa vào nghị quyết nội dung quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, hoặc quy định về trách nhiệm người đứng đầu trong việc giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân...”.

Ngồi ở Hà Nội phải nắm thông tin từng mảnh đất ở địa phương

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Nguyễn Minh Quang nêu một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các hạn chế, vướng mắc lâu nay là ngoài các đạo luật về đất đai, khiếu nại, tố cáo, tố tụng hành chính, còn có trên 20 đạo luật và nhiều văn bản của Chính phủ, các bộ, ngành có nội dung điều chỉnh quan hệ liên quan đến đất đai nên rất khó khăn cho cả người quản lý cũng như người sử dụng đất. Vì vậy phải sửa luật và các văn bản liên quan, chấn chỉnh, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về đất đai ở tất cả các cấp. “Hướng lâu dài là mỗi mảnh đất của người sử dụng đất phải được thể hiện trong hệ thống quản lý, sao cho ngồi ở Hà Nội nhưng trên hệ thống nắm được thông tin ở các tỉnh, thành khác như Bình Dương, Đồng Nai, như vậy công tác quản lý mới đạt yêu cầu đề ra, tuy nhiên những việc này cần có thời gian” - ông Quang nói.

Phó trưởng Ban Dân nguyện Hà Công Long đề nghị lần này qua giám sát của Quốc hội, phải kiên quyết trong việc xử lý những diện tích quy hoạch “treo” để trả lại đất cho dân. Ông Long nêu dẫn chứng từ năm 2006 cấp có thẩm quyền đã chỉ đạo “tính toán lại diện tích đất dự án cụm công nghiệp tàu thủy Hải Dương, bảo đảm phù hợp để các hộ dân vẫn có đất để sản xuất”, nhưng đến nay vẫn “treo” ở đấy dù dân muốn có đất để sản xuất. “Không chỉ có các dự án “treo”, mà còn đất nông, lâm trường sử dụng hoang hóa, sử dụng không có hiệu quả, khoán trắng cho người dân tương tự như phát canh thu tô diễn ra nhưng chúng ta chưa xử lý. Nếu như chúng ta không kiên quyết trong việc này, tôi e rằng những khiếu nại, tố cáo đông người vẫn sẽ tiếp tục diễn ra và rất khó giải quyết” - ông Long nói.

Ông Bùi Sĩ Lợi, phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, đề nghị cần tránh tình trạng trong thu hồi đất ở các địa phương xảy ra việc can thiệp hành chính quá nhiều, thậm chí điều động quân đội là không đúng nguyên tắc.

Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết qua thảo luận, các đại biểu tán thành ban hành nghị quyết về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.

* Đại biểu NGÔ VĂN MINH (ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội):

Cưỡng chế người ra quyết định sai

Cũng với cơ chế, chính sách, pháp luật đấy nhưng tại sao nhiều địa phương làm tốt, hạn chế đến mức thấp nhất khiếu kiện đông người, trong đó có TP Đà Nẵng, đã trải qua 15-16 năm chỉnh trang đô thị, di dời rất nhiều dân. Hễ chỗ nào nghe tiếng than trách của dân, chưa được đồng thuận thì người có trách nhiệm đến gặp gỡ dân. Ở đây có một thực tiễn tốt, đó là phương châm lãnh đạo thì nhiều nhưng chỉ huy chỉ có một. Phải đồng tâm, đồng lực, đồng lòng, vì trách nhiệm với dân, tháo gỡ ngay các vướng mắc.

Mặt khác cũng cần khắc phục tình trạng trong các vụ kiện hành chính, nếu người dân không chấp hành các bản án của tòa thì bị cưỡng chế, trong khi cơ quan nhà nước thua kiện thì có trường hợp kéo dài, chậm thực hiện bản án, quyết định của tòa. Do vậy tới đây pháp luật phải tính đến biện pháp điều chỉnh những trường hợp này, phải cưỡng chế người ra quyết định sai (hoặc người đứng đầu).

* Đại biểu TRƯƠNG VĂN VỞ (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai):

Làm rõ trách nhiệm chính quyền địa phương

Theo tôi, tới đây phải tăng cường hơn nữa thanh tra công vụ, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong giải quyết khiếu nại, tố cáo và đối thoại với người dân. Thời gian qua, thanh tra công vụ còn ít. Đồng thời, trong những vụ khiếu kiện kéo dài cần làm rõ trách nhiệm của chính quyền ở mỗi địa phương tới đâu. Qua báo cáo cho thấy những tháng đầu năm 2012, Thanh tra Chính phủ mới chỉ thanh tra trách nhiệm người đứng đầu trong giải quyết đơn thư của công dân ở sáu địa phương.

Một điều quan trọng nữa góp phần giảm khiếu kiện là công khai, minh bạch trong thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Báo cáo của Chính phủ nêu qua kiểm tra 39 địa phương về giao đất, cho thuê đất với gần 24.000ha không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Vấn đề này cần làm rõ trách nhiệm của địa phương đến đâu. Ngoài ra, gần 19.000ha thực hiện trình tự thủ tục bồi thường không đúng quy định. Đây là những trọng tâm cần quan tâm xử lý.

Q.THANH ghi

VÕ VĂN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên