06/07/2006 00:10 GMT+7

Đôi tay trần với 350 bộ hài cốt

LÊ ANH ĐỦ
LÊ ANH ĐỦ

TT - Ông lão có tên Nguyễn Lưu nhưng người đời thường gọi là ông Hốt. Suốt đời ông sống dưới chân núi Thạch Khê, xã Ân Tường, Hoài Ân (Bình Định) với mảnh ruộng, con bò và làm mỗi chuyện: hốt cốt.

aEUEPNMU.jpgPhóng to
Nhờ vừa uống mấy viên “con nhộng”, lão Hốt mới ngồi được như thế này - Ảnh.L.A.Đ.

Năm nay 81 tuổi, ông Hốt không còn sức ngồi, không còn nhìn thấy cuộc đời bởi đôi mắt đã mù từ nhiều năm qua.

Ông Hốt cho biết từ năm 1975 -1995 ông đã hốt cốt khâm liệm khoảng 350 liệt sĩ tại xã Ân Tường (nay tách thành hai xã Ân Tường Đông và Ân Tường Tây).

Năm 2000 đôi mắt ông mờ dần rồi mù hoàn toàn. Năm 2004, toàn thân ông tê cứng, phù sưng khắp người, lở loét, không thể mặc được quần. Đau đớn nhưng ông vẫn từ tốn nói: “Có lẽ là bệnh nghề nghiệp. Tôi không kêu ca gì đâu...”.

Về Hoài Ân, chúng tôi dừng chân tại nghĩa trang liệt sĩ Gò Loi (xã Ân Tường) trước khi tìm đến nhà ông Hốt. Nghĩa trang nằm trên vùng đất gò, gần tượng đài chiến thắng Gò Loi. Trong số hơn 500 ngôi mộ ở đây, có rất nhiều ngôi mộ với ba chữ “chưa biết tên” khắc thật đậm trên bia đá. Theo một cán bộ xã Ân Tường Đông, hơn phân nửa hài cốt ở nghĩa trang này từng được đưa về bởi bàn tay ông Hốt.

Trong căn nhà dưới chân núi, ông Hốt nằm co trên chiếc giường tre, thở dốc từng hơi, rên kéo dài. Niềm ao ước lớn nhất của ông bây giờ là “xin được chết cho khỏe tấm thân”. “Tuy nhiên, thầy coi số tui phải 83 tuổi mới chết, năm nay mới 81 thôi, phải hai năm nữa”. Bệnh nặng như vậy nhưng chưa một lần đi khám vì sợ bác sĩ “lôi” ra bệnh trong khi tiền bạc không có. Mỗi lần sưng, đau, ông kêu bà vợ hoặc nhờ người mua mấy viên thuốc “con nhộng”. Chỉ vậy thôi.

xIVyfhHg.jpgPhóng to
Mặc dù không biết tên nhưng những người nằm dưới những nấm mộ ở nghĩa trang liệt sĩ này đã thấy ấm lòng. Công lao lớn thuộc về lão Hốt - Ảnh.L.A.Đ.
Công việc hốt cốt của ông bắt đầu từ sau năm 1975 khi địa phương thực hiện chủ trương qui tập hài cốt liệt sĩ. Ông Hốt biết khá rõ những vùng chiến sự, nơi những chiến sĩ cách mạng nằm xuống.

Ông tham gia hốt cốt tự nguyện với “trách nhiệm” của một... người đàn ông khỏe mạnh. Nói như ông Hốt: “Không ai làm được chuyện đó thì mình xắn tay áo vào làm chứ có tính toán, suy nghĩ gì đâu”. Là nông dân mộc mạc, ông nói thẳng như vậy. “Chuyện đó” đối với ông là chuyện thân trần, tay không mà cứ tiếp xúc với những xác người có lúc còn tươi, trong lúc ai nấy phải bịt mũi chạy xa theo hướng ngược về đầu gió để tránh mùi hoặc nôn ói tới mật xanh.

Để làm được “chuyện đó”, ông Hốt phải nhờ đến rượu, theo kiểu trong uống ngoài xoa. Trước khi hốt cốt: uống (rượu), trong khi hốt: uống, sau khi hốt: cũng phải uống. Riết như thế ông trở nên nghiện rượu. Bây giờ đau nặng nằm liệt giường như vậy nhưng ông vẫn nói: “Rượu”.

Chúng tôi hỏi ông Hốt có kỷ niệm gì đáng nhớ trong “sự nghiệp” của mình, ông kể ngay có lần hốt mộ, ông phát hiện trong người một chiến sĩ có tấm hình. Hình chụp một phụ nữ còn rất trẻ bồng một đứa bé với nụ cười rất tươi. Ông Hốt đoán chắc đây là hình của vợ con anh ấy. “Nụ cười của người trong hình làm tui nhớ hoài” - ông Hốt lẩm bẩm.

Trong những ngày này, bác sĩ Trang Xuân Chi (Hội Chữ thập đỏ Bình Định) - người luôn gần gũi với người nghèo khổ - đang chạy vạy xin tiền mua thuốc chữa bệnh cho ông Hốt. Đây như là một cách để cảm ơn (dù có muộn màng) ông Hốt vì ông đã thầm lặng với một tấm lòng lạ lùng, đã nhặt từng miếng thịt, khúc xương của hơn 300 thi thể, đưa họ về nơi yên nghỉ đàng hoàng, ấm cúng mà không đòi ai một đồng tiền rượu nào.

LÊ ANH ĐỦ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên