Ông Đỗ Quân - giám đốc nhân sự Công ty TNHH Luxshare-ICT Việt Nam (Khu công nghiệp Vân Trung, Bắc Giang) - cho biết đã có nhiều phương án đào tạo nhân sự, nhất là cán bộ cao cấp người Việt trong chính sách bản địa hóa nhân tài của công ty.
"Đây là chiến lược phát triển lâu dài tại Việt Nam, giúp tỉ lệ lao động chất lượng cao tăng hằng năm và hiện đã trên 80%" - ông Quân nói.
Bản địa hóa nhân lực Việt
Quý 1-2024, công ty dự kiến tuyển 1.000 - 2.000 nhân sự mới. Trong đó 300 vị trí cán bộ, kỹ sư phát triển dự án với các yêu cầu kinh nghiệm, ngoại ngữ (tiếng Anh hoặc Trung).
Công ty sử dụng nhiều kênh để tuyển, từ đăng tin tuyển người, thưởng cho công nhân viên giới thiệu lao động đến livestream trên TikTok, đặc biệt là hợp tác với các trường để dự bị nguồn nhân lực.
Đánh giá tình hình cạnh tranh, đơn vị hợp tác với nhiều trường phía Bắc đặt hàng, hỗ trợ học phí, trao học bổng cho các sinh viên xuất sắc.
"Chúng tôi còn cử cán bộ người Việt đi Trung Quốc đào tạo, bồi dưỡng 1 - 3 tháng để chuẩn bị nguồn cho các vị trí chủ chốt. Gần đây, tỉ lệ người Việt đảm nhận vị trí cấp cao tăng nhanh chóng" - ông Quân cho hay.
Đơn vị này có "lớp định hướng" đặt tại các trường học, đào tạo cán bộ chủ chốt người Việt với yêu cầu chuyên môn, kỹ thuật, ngoại ngữ, thường khoảng một năm. Từ đó, công ty đã có 300 - 500 nhân sự chất lượng cao các năm qua. Nhóm nhân sự này có chế độ, chính sách, phúc lợi hấp dẫn, có lộ trình thăng tiến, phát triển rõ ràng.
Theo ông Quân, công ty phối hợp chặt chẽ với trường học điều chỉnh nội dung đào tạo phù hợp yêu cầu của doanh nghiệp. Chẳng hạn học về máy móc, thiết bị tự động, sinh viên tiếp xúc sớm với thiết bị hiện đại. Hỗ trợ trang thiết bị dạy học cho nhà trường hoặc trường đưa sinh viên đến công ty thực tập. Một số sinh viên xuất sắc còn được đưa qua nước ngoài kiến tập, tích lũy kinh nghiệm.
Chi tiền tỉ đưa lao động Việt đi nước ngoài
Từng được đưa đi đào tạo ở Trung Quốc, chị Cám Thị Năm - trưởng phòng hành chính - nhân sự Công ty TNHH Desay Battery Vina - cho biết chi phí đưa người đi đào tạo ở nước ngoài lên đến cả trăm triệu đồng song chị tự tin mình đảm nhiệm tốt công việc không thua kém nhân sự nước ngoài.
"Là đối tác của nhiều tập đoàn như Apple, Oppo, Huawei, Google, chúng tôi cần nguồn nhân lực chủ chốt, có tay nghề cao trong lĩnh vực liên quan mà một trong những yêu cầu với kỹ sư là phải thành thạo tiếng Trung" - chị Năm nói.
Ông Ou Yang Yi Feng - phó tổng giám đốc Công ty TNHH Desay Battery Vina - cho biết vừa qua công ty đã có vài đợt đưa lao động sang Trung Quốc đào tạo. Việc này giúp lao động nâng cao kỹ năng, tiếp xúc với sản phẩm, công nghệ, máy móc mới. Mà đối tác công ty cũng mong muốn khi đầu tư vào Việt Nam sẽ sử dụng người Việt làm nòng cốt.
Vị này nói khi bắt đầu đưa vào vận hành nhà máy cần lãnh đạo kinh nghiệm nhưng sau đó có thể điều hành từ xa, còn những công việc nhân sự tại chỗ làm được sẽ ưu tiên cho người Việt.
"Nhân sự Việt, nhất là các bạn trẻ có trình độ chuyên môn chưa sâu, kiến thức biết mỗi thứ một ít. Chưa kể tác phong, cách làm việc chưa chuyên nghiệp, còn rụt rè, e ngại, chưa phản hồi sếp kịp thời, nhanh chóng và hiệu suất làm việc chưa cao là điều cần khắc phục" - ông chỉ ra.
Ông Marvin Yan - tổng giám đốc Công ty TNHH Sunwoda Việt Nam - cho hay do muốn mở rộng sản xuất pin cho điện thoại thông minh, doanh nghiệp cần 300 - 500 nhân sự trong năm 2024, lao động kỹ thuật chiếm khoảng 1/3. Lương khởi điểm của lao động có tay nghề tương đối khá, có phụ cấp và nếu có ngoại ngữ còn có khoản tăng thêm.
Công ty có phương án phối hợp với các trường, cơ sở đào tạo chuyên sâu để "săn" sinh viên vừa tốt nghiệp. Với các lao động nổi trội, công ty cử đi nước ngoài học tập, nâng cao tay nghề, xây dựng tác phong làm việc. Hoàn tất khóa học trở về, người lao động được xem xét cất nhắc vị trí chủ chốt, cả trở thành giám đốc bộ phận.
Hoàn toàn có thể thay nhân sự nước ngoài
Theo Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), khi làm việc cùng lao động nước ngoài, lao động trong nước thêm cơ hội tiếp cận, học hỏi chuyên môn, công nghệ, phương pháp, kỷ luật lao động. Qua đó, có thể nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề tiến tới thay thế dần vị trí của lao động nước ngoài tại Việt Nam.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, việc lao động có trình độ cao của nước ngoài được tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức ở Việt Nam là xu thế. Nên để tăng cơ hội việc làm, lao động Việt tại doanh nghiệp FDI cần rèn luyện, trau dồi thêm kiến thức chuyên môn, kỹ năng làm việc nhóm, ngoại ngữ...
Lao động thay đổi tư duy
Bà Đặng Ngọc Thu Thảo - giám đốc vận hành dịch vụ khoán việc và cho thuê lại lao động, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (ManpowerGroup Việt Nam) - nói nhiều công ty khi xây dựng nhà máy tại Việt Nam đã đưa đội ngũ từ nước ngoài qua cả quản lý lẫn vận hành. Các doanh nghiệp này thường có quy định cụ thể về tỉ lệ lao động biết sử dụng ngoại ngữ, điển hình là các doanh nghiệp ngành bán dẫn.
"Vẫn còn một bộ phận lao động có tư duy thích đi làm gần, ngay cả sang tỉnh khác làm cũng ngại, rồi thích công việc đơn giản không nhiều ràng buộc hay yêu cầu kỷ luật cao. Lao động Việt, nhất là lao động trẻ cần nâng cao nhận thức về thị trường việc làm cũng như thay đổi tư duy về công việc, thói quen làm việc" - bà Thảo phân tích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận