17/04/2006 05:12 GMT+7

Đời ông chủ (kỳ 5): "Tuần trăng mật"

QUANG THIỆN
QUANG THIỆN

TT - Năm 1987, với nghị quyết số 16 của Bộ Chính trị, lần đầu tiên kinh tế tư nhân được thừa nhận. Những chính sách sơ khởi về kinh tế tư nhân ra đời, cũng là lần đầu tiên các cơ quan nhà nước làm việc với doanh nhân bằng tư cách mới: đối tác. Và “tuần trăng mật” đã có nhiều kỷ niệm ngọt ngào.

cO7Xtq5P.jpgPhóng to

Công nhân Xí nghiệp xây dựng và sản xuất vật liệu tư doanh Thái Thành làm việc theo cơ chế tư nhân vào năm 1989 - Ảnh: Tư liệu

TT - Năm 1987, với nghị quyết số 16 của Bộ Chính trị, lần đầu tiên kinh tế tư nhân được thừa nhận. Những chính sách sơ khởi về kinh tế tư nhân ra đời, cũng là lần đầu tiên các cơ quan nhà nước làm việc với doanh nhân bằng tư cách mới: đối tác. Và “tuần trăng mật” đã có nhiều kỷ niệm ngọt ngào.

Kỳ 1: Khởi sự từ xà bông không tênKỳ 2: Tìm lại 100 lượng vàng đã mấtKỳ 3: Kê biên tài sảnKỳ 4: Nhảy rào" làm y tế tư nhân

“Hợp hôn”

“Nhà nước cho dân mở công ty riêng! Tôi đã thốt lên trong lòng như vậy khi lần đầu tiên đọc bản quyết định số 27 của Chính phủ cho phép tư nhân mở xí nghiệp”, ông Vũ Duy Thái - một trong 10 chủ doanh nghiệp tư nhân được thành lập tại Hà Nội sau năm 1975 - nhớ lại.

Ông nói: “Doanh nghiệp tư nhân - danh từ này nay đã bình thường với bất cứ ai, nhưng cách nay 30 năm vẫn là một khái niệm đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ: Nhà nước chưa bao giờ cho phép sản xuất buôn bán tư nhân, thậm chí chỉ tiêu diệt nó”. Đó là các cuộc cải tạo công thương nghiệp mà gia đình ông Thái cũng đã từng là nạn nhân.

Thật ra lúc đó ông Thái đã là một ông chủ sản xuất - chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) xây dựng. Chỉ có điều tiền và quyền không tương xứng với vốn, sức lao động và chất xám ông bỏ ra.

“Mùa” doanh nghiệp đầu tiên của Hà Nội sau năm 1975 có hơn 10 doanh nghiệp ra đời. Mỗi doanh nghiệp một ngành nghề và tất cả đều là sản xuất và tự bán lẻ. Đó là các ngành xây dựng, sản xuất gương kính, bánh gatô, cơ khí, gốm sứ, đồ gỗ, điện tử, thủ công mỹ nghệ...

Tất cả các doanh nghiệp đều ra đời từ những ngành nghề sẵn có và những thuận lợi tự nhiên của mình trước đó chứ chưa ông chủ nào có ý thức hay điều kiện để mở doanh nghiệp theo nhu cầu thị trường. Đây là một đặc điểm của doanh nghiệp tư nhân thời kỳ đó.

Chuyện như sau: năm 1983, ông rời cơ quan nhà nước, nhắm hướng tốt nhất có thể phát huy tư chất kinh doanh của mình là thành lập HTX. Ngành mới và được cho là “dễ xơi” nhất lúc đó là xây dựng. Ông Thái rủ một người bạn chung tiền, dẫn nhau tìm thuê trụ sở, gọi bạn bè vào làm xã viên rồi viết đơn xin thành lập HTX xây dựng 27-7.

Khác với mọi người thường chỉ xây thuê, ông Thái nhận thầu dạng chìa khóa trao tay. HTX của ông lên như diều. Thấy vậy phòng xây dựng quận ra quyết định chuyển ông sang làm chủ nhiệm một HTX khác đang tan rã tên Phúc Thành.

Cuộc “phẫu thuật” HTX mới của ông Thái rất đơn giản, vì thật ra đó chỉ còn là cái xác không hồn. Thú vị là sau sáu tháng HTX Phúc Thành có trụ sở mới, có việc làm cho 50 xã viên, có quĩ tích lũy...

Đúng lúc này ông Thái đọc được quyết định 27 cho phép các HTX chuyển sang xí nghiệp tư nhân. Thực hiện đủ các thủ tục để chia tay với HTX, ông Thái khấp khởi “hợp hôn” với doanh nghiệp của mình. Các thủ tục xin chuyển từ HTX sang doanh nghiệp tư nhân thời đó khá đơn giản và thuận tiện. Ngày 19-10-1988, doanh nghiệp của ông Thái ra đời với tên Xí nghiệp xây dựng và sản xuất vật liệu tư doanh Thái Thành.

Những người dám làm ăn lớn

Gần 20 năm trôi qua, nhưng ông Thái vẫn còn giữ nguyên bộ hồ sơ thành lập doanh nghiệp đầu tiên của mình. Đó là hai tờ giấy đánh máy, mực giấy than rất khó đọc. Ông nói: “Đấy là tôi đã tự “sang trọng hóa” lên rồi!”.

Bởi thời đó, ông giải thích, sau khi biết HTX có thể chuyển thành doanh nghiệp tư nhân, ông tự thảo một lá đơn. Nội dung, hình thức do ông tự nghĩ ra chứ không ai hướng dẫn và cũng chẳng có qui định biểu mẫu nào. Đơn ông Thái gửi lên UBND quận, quận trình thành phố.

UxU6TaDP.jpgPhóng to

Ông Vũ Duy Thái - một trong 10 doanh nhân đầu tiên của Hà Nội sau năm 1975 - Ảnh: Q.Thiện

Ít ngày sau, thành phố cho cán bộ xuống kiểm tra thực địa rồi phó chủ tịch UBND TP Hà Nội ra quyết định thành lập xí nghiệp. Quyết định bổ nhiệm cả giám đốc, ghi rõ vốn, trụ sở và ngành nghề giống như việc thành lập một doanh nghiệp nhà nước.

Đến năm 1988, ông Thái mua được một chiếc ôtô tải. Ngày đó có xe, có bằng nhưng không có phép sử dụng thì cũng chịu. Ông Thái lại trình một đơn xin sử dụng xe. Một lần nữa, một xí nghiệp tư nhân lại phải nhờ phó chủ tịch UBND TP.

Và cứ như vậy, mọi vấn đề của Nhà nước về thành lập, quản lý doanh nghiệp tư nhân cứ nảy sinh việc gì thì làm việc ấy tùy theo hoàn cảnh cụ thể, làm đến đâu sửa và hoàn thiện đến đó. Các chính sách, qui định, cơ chế... hầu như chưa có gì. Và thường là những việc đó do thành phố giải quyết, thậm chí đích thân lãnh đạo cấp cao vào cuộc.

Vì chưa có công cụ pháp lý quản lý doanh nghiệp, lại là thành phần rất mới, thậm chí “khó lường của xã hội” nên các cơ quan chính quyền đặc biệt quan tâm. Hàng chục đoàn cán bộ thuộc nhiều ngành liên tục xuống xí nghiệp kiểm tra tình hình tài chính, sản xuất, kinh doanh... Thậm chí nhiều cán bộ trên đường đi qua xí nghiệp cũng ghé vào, cũng lập biên bản, văn bản làm việc với đơn vị.

Ông Thái nói: “Ngày đó doanh nghiệp tư nhân được Nhà nước quản lý một cách hết sức thô sơ nên họ lấy tần số kiểm tra làm công cụ chính. Thủ tục rườm rà, phức tạp và chồng chéo gấp hàng chục lần sau này nhưng thực tế không một doanh nghiệp nào kêu ca”.

Xí nghiệp Thái Thành của ông cũng không lấy đó làm ngán ngẩm khó chịu, bởi vì tuy quản lý quá chặt, sát sườn nhưng các cơ quan công quyền không hề sách nhiễu doanh nghiệp, họ làm việc vì lợi ích đôi bên, nắm bắt thông tin cho cấp trên và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Bây giờ ông Thái đã có trong tay nhiều công ty tư nhân và đã gần 20 năm theo nghề kinh doanh, thế nhưng ông vẫn nhớ mãi hai cán bộ là chuyên viên phụ trách kinh tế của Ban kinh tế Thành ủy và UBND TP Hà Nội.

Hai anh tên là Châu và Ngọc, là những người thay mặt chính quyền trực tiếp theo dõi xí nghiệp của ông. Hầu như tuần nào các anh ấy cũng đến làm việc với xí nghiệp. Họ thường đến bằng chiếc xe đạp cũ và cái cặp đen, rất chân thành và chia sẻ mọi tâm tư với ông mà không hề có một đòi hỏi vật chất. Khi thành lập doanh nghiệp, ông Thái đi đăng ký mã số thuế, xin con dấu, xác nhận của phường, quận... đều được mọi người tiếp đón niềm nở, làm việc khẩn trương với thái độ trọng thị người dám làm ăn lớn.

Ông không tốn một điếu thuốc, có khi còn được cán bộ mời trà, hỏi chuyện động viên rất chân thành. Đơn xin thành lập doanh nghiệp, mở rộng doanh nghiệp, mua sắm phương tiện gửi lên quận chưa quá một tuần đã được chuyển lên thành phố. 5-7 ngày sau, phó chủ tịch thành phố đã có chữ ký giải quyết. Nếu ông chưa kịp đến, cán bộ cấp dưới đã đem tới tận nhà.

Ông Thái gọi thời kỳ này là “tuần trăng mật” của công chức và doanh nhân! Và tuần trăng mật nào chẳng ngọt ngào, mãi nhớ!

-------------------------

Kỳ tới: “Nam du” tìm luật

Đã có quyết tâm, nhưng mọi thứ bắt đầu từ con số không vì qui định, cơ chế, chính sách còn rất sơ sài và chưa được luật hóa. Các nhà nghiên cứu đã vào miền Nam tìm tài liệu về luật kinh tế của chế độ cũ để tham khảo.

Năm 1990, Luật công ty và Luật doanh nghiệp tư nhân ra đời, chính thức “đăng ký kết hôn” giữa thành phần kinh tế tư nhân với đời sống kinh tế.

QUANG THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên