Thường thì lúc vay nợ ai cũng nói “ngọt như đường cát, mát như đường phèn” cùng với lời hứa lãi suất khủng làm cho các chủ nợ xiêu lòng mới mong vay được tiền. Mượn thì dễ, nhưng đến khi trả nợ thì chây lì khiến cho chủ nợ phải than “có tiền cho mượn mắc công đi đòi”. Thế là đành nhờ dịch vụ đòi nợ thuê, may mắn thì gặp được công ty làm ăn chân chính, còn xui xẻo thì gặp phải công ty trời ơi đất hỡi khiến chủ nợ lâm vào cảnh cười ra nước mắt.
Phóng to |
Tiền của bạn phải về túi bạn
Đó là câu sì-lô-gân của ông chủ “công ty” đòi nợ thuê trên đường C.H. nói chắc như bắp khi tôi cùng bà thím đến đặt vấn đề nhờ đòi nợ thuê. Ban đầu chúng tôi cứ tưởng “công ty” sẽ kiểm tra kỹ các thứ giấy tờ có liên quan, nên bà thím mang theo sổ hộ khẩu, CMND, giấy vay nợ, giấy cam kết thậm chí cả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhưng ông chủ “công ty” chỉ hỏi ngắn gọn: “Người ta nợ chị bao nhiêu? Hợp đồng nợ trên trăm chai (trăm triệu) công ty mới nhận đi đòi, tiền công là chúng tôi hưởng 40% trên tổng số nợ”. Nghe thù lao quá cao, bà thím buột miệng: “sao mắc dữ?”. Không trả lời, ông chủ “công ty” lôi trong hộc bàn ra cuốn sổ cũ sì quăng lên bàn cái rầm như muốn đập vào mặt bà thím rồi bảo: “Đó chị xem đi, giá rẻ nhất là 40%, còn nếu trong quá trình đi đòi nợ bị tổn hao nhân lực hay tài chính nhiều thì công ty tăng lên năm hoặc sáu mươi phần trăm”. “Cách thức đòi nợ như thế nào?” - Tôi hỏi. “Đòi như thế nào là bí mật nghiệp vụ của công ty, còn mức độ xử lý nặng hay nhẹ là tùy theo con nợ có muốn trả hay không, nhưng tôi bảo đảm là “tiền của bạn sẽ về túi bạn” không thiếu một xu”. Nổ xong, ông chủ yêu cầu bà thím đưa cho ông giấy ủy quyền và đóng tiền lệ phí xác minh rồi ông hứa: “một tuần sau tiền sẽ về túi chị”.
Nghe hứa thì có vẻ như ông chủ là người làm ăn có uy tín, nhưng khi chúng tôi hỏi “nếu không đòi được tiền, thì công ty có trả lại tiền lệ phí không?”. ông chủ liền trợn mắt đáp: “tiền lệ phí là tiền để các anh em đi xác minh tin tức tài sản con nợ, nên không hoàn trả”.
Có mặt tại công ty thu hồi nợ ở quận T.P. tôi vừa bước vào, cô nhân viên trực điện thoại hỏi: “anh tìm ai?”. “Tôi đến nhờ công ty đòi nợ giúp” - tôi trả lời. Nghe thế cô ta hỏi như công an hỏi cung tội phạm chứ không giống người làm dịch vụ: “Nợ nhiều hay ít, lâu chưa, cho mượn nợ có giấy tờ không?”. “Nợ nhiều, nợ lâu đến nỗi tôi phải đến nhờ công ty đòi giúp” - tôi đáp. “Vậy lên lầu 2, thấy phòng giám đốc thì vào” - cô nhân viên hướng dẫn.
Lên phòng giám đốc, hình ảnh đập vào mắt tôi là “ông giám đốc” miệng phì phèo thuốc lá, nằm ngửa chân gác lên bàn, mặt áo phanh ngực như đám ma cô ma cậu ma cà rồng! Không thèm hỏi tôi là ai, đến làm gì, ông ta làm một hơi: “Anh đưa giấy ủy quyền, giấy vay nợ và đóng phí xác minh cho công ty rồi ký hợp đồng là từ một tới hai tuần công ty sẽ thu xong nợ cho anh”.
“Sao kỳ vậy, ở công ty B đâu có thu phí xác minh?” - tôi làm bộ hỏi. “Mấy công ty làng nhàng mới vậy, ở đây là công ty có đăng ký, có giấy phép nên mới thu phí xác minh”. Ông giám đốc bảo thế. “Nhưng làm sao tôi biết là thu tiền xong các anh có xác minh không?” - tôi vặn lại. “Cái đó là việc của công ty, giờ anh đến nhờ tôi hay điều tra tôi? Nếu anh có nhu cầu thật, tôi bảo đảm là anh sẽ lấy được nợ, còn anh đến để có ý đồ khác thì công ty có đàn em để chìu anh”. ông ta nói giọng hăm dọa.
Coi chừng mất cả chì lẫn chài
Dính đến đòi nợ thuê là điều mà chủ nợ lẫn con nợ không muốn, bởi nó mang dáng dấp của xã hội đen, nhưng vì lý do bất đắc dĩ người ta mới phải nhờ đến dịch vụ đòi nợ thuê kiểu “may nhờ rủi chịu”, nhưng đa số là rủi nhiều hơn may như ông G. là một ví dụ:
Do gặp khó khăn trong làm ăn, nên ông phải đi đòi nợ các bạn hàng để có tiền xoay xở. Lần nào đi cũng về tay không, mất thời gian, tiền bạc, ông đâm nản thì có người rỉ tai: “nhờ công ty đòi nợ thuê cho khỏe”. Như chết đuối vớ được phao, ông gật đầu cái rụp. Nộp phí “xác minh” và giao giấy ủy quyền, ông về nhà ngồi đợi bởi lời hứa của tay giám đốc nghe rất chắc chắn: “Tuần sau công ty sẽ mang tiền về cho ông, còn nếu không lấy được tiền nợ, công ty sẽ bỏ tiền túi ra”. Nghe lời bảo chứng như thế, bố của ông có chết đi sống lại cũng tin chứ huống chi là người trần mắt thịt như ông. Thế nhưng chờ đến hơn hai tháng ông vẫn không thấy “có người mang tiền về” mà ngược lại ông còn phải bốn lần mang tiền “bổ sung phí xác minh” đến nộp cho công ty. “Tốn hơn chục triệu tiền phí xác minh mà không đòi được tiền, hỏi các ông đã xác minh được gì thì họ không trả lời, giờ nghe nói đến đòi nợ thuê là tôi ớn tới cổ!” - ông G. kể giọng chán nản.
Cũng khổ vì trót dính vào dịch vụ đòi nợ thuê như ông G. là bà Ph. Nhưng xem ra chuyện của bà Ph. li kì như trong phim. Kinh doanh trong ngành may mặc, gặp thời buổi kinh tế khó khăn, nên công ty bà rơi vào nợ nần; mà người ta cũng nợ bà không ít, bị các chủ nợ “dí” ngày lẫn đêm, buộc lòng bà phải “dí” lại con nợ của mình để có tiền xoay vòng. Trong đó con nợ tên S. nợ bà hơn 3 tỉ. Vài chục lần đến nhà S. đòi hoài không được, thế là bà đành nhờ đến dịch vụ đòi nợ thuê. Theo thỏa thuận, bà phải đưa trước cho công ty đòi nợ thuê 50 triệu tiền “chi phí xác minh”, còn tiền công là 150 triệu sẽ thanh toán khi thanh lý hợp đồng.
Nhận tiền chi phí xác minh xong, đúng là công ty đòi nợ thuê có cử nhân viên đi xác minh về con nợ tên S. thật, nhưng khi xác minh thấy S. có số tài sản khổng lồ, dư sức để trả cho bà Ph. công ty đòi nợ thuê lại giở trò “hai mang” thông báo cho S. biết và đòi chi 300 triệu để bảo vệ S. Thế là thay vì đi đòi nợ, công ty lại trở thành người “bảo kê” cho con nợ, khiến bà Ph. gặp khó khăn khi đến nhà S. đòi nợ vì bị người của công ty đòi nợ thuê ngăn cản. Ngoài làm khó con nợ và chủ nợ để ăn tiền, không ít công ty đòi nợ thuê còn sử dụng “luật rừng” như bắt cóc, đánh đập con nợ và khủng bố con nợ bằng tin nhắn hay quan tài. Việc tìm người hỗ trợ, giúp sức để thu hồi nợ là nhu cầu cần thiết, chính đáng của người cho vay, nhưng trước khi nhờ đến dịch vụ đòi nợ thuê, mọi người nên cảnh giác kẻo mất cả chì lẫn chài.
Tuổi Trẻ Cười số 474 ra ngày 15/04/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận